Giám đốc Quỹ Giáo dục Công bằng (EEF), ông Kraiyos Patrawart mới đây đã kêu gọi chính phủ Thái Lan mở rộng khả năng tiếp cận nguồn giáo dục chất lượng và đa dạng hóa các lựa chọn giáo dục, trong bối cảnh hơn 16 triệu người trong độ tuổi lao động (15 tuổi trở lên) ở Thái Lan chỉ có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở xuống.
Ảnh: The Nation
Ông Kraiyos cho biết những đối tượng này sẽ phải trải qua tình trạng thu nhập bấp bênh và thiếu sự bảo trợ xã hội trong suốt quãng đời còn lại. Theo ông Kraiyos, nhóm lao động này cần được phát triển từ lao động phổ thông thành lao động lành nghề, mang lại một khoản đầu tư đáng giá cho đất nước. Nhóm lao động này có tiềm năng đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng quốc gia, tăng thu thuế và giúp Thái Lan thoát khỏi giai đoạn bẫy thu nhập trung bình.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan cho thấy hơn 1,3 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 không hề đăng ký theo học bất kỳ hệ thống giáo dục hay trung tâm đào tạo, dạy nghề nào trên cả nước. Số thanh thiếu niên này chiếm 10% dân số chịu thuế và 14% tổng số thanh thiếu niên Thái Lan.
Phụ nữ trẻ chiếm 65% trong số 1,3 triệu thanh thiếu niên nói trên và nguyên nhân chính khiến họ nằm trong nhóm này là do nhiều người bỏ học vì mang thai. Khoảng 8% trong số 1,3 triệu thanh thiếu niên bao gồm các bà nội trợ chỉ học hết trung học.
Theo UNESCO, nếu những thanh thiếu niên thất học này không được đưa trở lại hệ thống giáo dục, nền kinh tế Thái Lan sẽ thiệt hại 330 tỷ baht (9,9 triệu USD) mỗi năm, tương đương 3% tổng sản phẩm quốc nội.
Xem thêm: nhc.91492617060203202-coh-taht-nal-iaht-nein-ueiht-hnaht-ueirt-31-noh/nv.fefac