Mời ê kíp chương trình “Cuộc gặp bất ngờ” mừng xuân Quý Mão 2023 đến Dinh thự Pháp (địa chỉ ở số 6 Lê Duẩn, quận 1), bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, mượn câu chuyện về khu dinh thự cổ lên đến 150 tuổi giữa lòng Sài Gòn để nói đến kinh nghiệm bảo tồn các công trình kiến trúc có ý nghĩa lịch sử.
Từ Dinh tổng lãnh sự pháp 150 tuổi
. Phóng viên: Cảm ơn bà đã thịnh tình đón tiếp chúng tôi ở Dinh Tổng lãnh sự Pháp 150 tuổi. Điều này rất đặc biệt. Chúng tôi muốn được nghe cảm xúc của bà khi làm việc tại đây?
+ Bà EMMANUELLE PAVILLON-GROSSER: Chào mừng các bạn đến Dinh thự Pháp, nơi luôn được chúng tôi luôn nỗ lực bảo tồn trọn vẹn nhất.
Như bạn có thể thấy, dinh thự này được xây dựng theo kỹ thuật tại thời điểm hàng trăm năm trước. Chúng tôi có một đội ngũ đảm trách việc bảo dưỡng toàn bộ mặt tiền và nội thất bên trong cho công trình đặc biệt này, đồng thời còn có các chuyên gia từ Paris định kỳ sang TP.HCM để đảm bảo mọi việc được vận hành suôn sẻ, tòa nhà vẫn nguyên vẹn và có thể đón tiếp nhiều vị khách.
Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Emmanuelle Pavillon-Grosser (phải) dẫn PV báo Pháp Luật TP.HCM tham quan khuôn viên Dinh thự Pháp. Ảnh: QUỐC VŨ |
Được sống trong một tòa nhà như vậy quả là một đặc ân và một niềm vinh hạnh với tôi. Lần đầu đến đây, tôi cũng như tất cả mọi người lúc mới đến đã cảm thán thốt lên “Wow, đây sẽ là nơi mình ở và làm việc”.
Điều đó thật sự rất ấn tượng. Có một cảm xúc gì đó rất đặc biệt vì tính lịch sử đằng sau công trình này. Tòa nhà đã tròn 150 tuổi và có những nhân vật rất nổi tiếng đã từng ghé qua, ở lại đây.
Đôi khi tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé so với lịch sử của nơi này. Một may mắn khác là dinh thự được bao quanh bởi một công viên rất đẹp với diện tích đến 1,5 hecta, nép mình dưới những bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Dinh thự như ốc đảo tuyệt đẹp ngay giữa một Sài Gòn luôn luôn hối hả.
Đến kinh nghiệm bảo tồn kiến trúc Pháp
. Nước Pháp vốn rất nổi tiếng trong việc bảo tồn kiến trúc cổ như Dinh thự Tổng lãnh sự này. Xin bà chia sẻ kinh nghiệm nhìn từ góc độ xây dựng chính sách?
+ Đúng là ở Pháp có nhiều công trình kiến trúc cổ. Chúng tôi rất coi trọng những công trình ấy vì đó là một phần lịch sử.
Pháp từ lâu đã chú trọng việc bảo tồn, bởi lẽ cũng giống như những cái cây cần đến gốc rễ để sống và sinh trưởng, con người cũng cần nhớ về lịch sử, tức là nhớ về cội nguồn để có thể trưởng thành, phát triển.
Lịch sử là một phần rất quan trọng trong mỗi chúng ta. Vì vậy ở Pháp, chúng tôi có các chính sách để bảo tồn và phát huy những công trình kiến trúc cổ.
Ở Pháp, chúng tôi có các công trình đã được xếp hạng công trình lịch sử. Đây là những tòa nhà có tầm quan trọng về lịch sử đối với đời sống của người Pháp được nhà nước công nhận. Vì vậy, bằng mọi cách chúng tôi phải bảo tồn nguyên trạng các công trình này.
Pháp còn có những công trình được đưa vào danh sách các công trình lịch sử, dù có ý nghĩa lịch sử thấp hơn, nhưng vẫn là một di sản quan trọng. Để bảo tồn các công trình này, nhà nước có chính sách trợ cấp để hỗ trợ người dân, và tất nhiên họ không được tự ý tác động làm thay đổi nguyên trạng công trình ấy.
Ví dụ, chủ sở hữu không thể tự ý xây dựng bất cứ một công trình hiện đại nào bên cạnh một công trình lịch sử mà phải tuân thủ những quy định. Nếu muốn cải tạo, trùng tu hay xây dựng công trình mới ngay bên cạnh thì phải xin cấp phép. Nhà nước phải ban hành “đề án quy hoạch đô thị” để tránh trường hợp xây dựng vô tổ chức bên cạnh các công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng.
Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Emmanuelle Pavillon-Grosser (phải) chia sẻ chuyện bảo tồn kiến trúc cổ tại Pháp. Ảnh: QUỐC VŨ |
Bên cạnh đó, may mắn là ở Pháp đã hình thành hệ thống tri thức kỹ năng và kỹ thuật thủ công từ nhiều thế kỷ trước. Mô hình nổi tiếng nhất là Les Compagnons du Devoir. (Đây là mô hình hiệp hội đào tạo các ngành nghề truyền thống cho thanh thiếu niên từ 15 tuổi trở lên - PV).
Các bạn trẻ đã được đào tạo các nghề rất đặc thù như nghề mộc, nghề đẽo đá, nghệ nhân tạo hình kim loại… Ở TP HCM, chúng tôi cũng có chuyên gia góp phần vào việc bảo dưỡng một số công trình tại đây.
Như vậy về tổng thể, Pháp vừa có chính sách đào tạo các chuyên gia phụ trách bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, vừa có chính sách gìn giữ di tích hiện có và không gian xung quanh.
Điều cuối cùng tôi nghĩ cần nhắc đến chính là giáo dục, tức là phải làm sao để thế hệ trẻ có thể coi trọng các di sản. Để làm được điều này, chúng ta cần phải bắt đầu từ khi các em còn nhỏ. Từ độ tuổi 9, 10, các em học sinh ở Pháp đã được đến tham quan các lâu đài, bảo tàng để khám phá và hiểu được toàn bộ lịch sử của Pháp. Điều này là rất quan trọng và vẫn được duy trì.
Năm 2023 rất đặc biệt đối với cả hai nước vì chúng ta sẽ cùng kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp, Tôi hy vọng rằng đây sẽ là một năm mà hai nước có thể thúc đẩy hơn nữa việc tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của nhau.
Tổng lãnh sự Pháp EMMANUELLE PAVILLON-GROSSER
Bài học kinh nghiệm cho TP.HCM
. Vì những yếu tố lịch sử, TP.HCM cũng có những công trình mang đặc trưng của kiến trúc Pháp. Bà có quan tâm đến các công trình này?
+ Việt Nam có những di sản từ một giai đoạn lịch sử gắn liền với nước Pháp. Chúng tôi đang góp phần gìn giữ và bảo dưỡng các công trình này trong khả năng của mình.
Năm nay, chúng tôi đã triển khai chương trình đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực di sản, cả về bảo tàng hay các công viên thiên nhiên. Pháp sẽ tài trợ khoảng 14 tỷ đồng để đào tạo một số chuyên gia Việt Nam trong khuôn khổ chương trình này.
. TP HCM đang nỗ lực bảo tồn những kiến trúc cổ, và hiện tại vẫn có một số gia đình sống trong những ngôi nhà cổ, trong đó có những ngôi nhà từ thời Pháp. Tuy nhiên, nhu cầu của người dân ngày càng tăng, và người ta muốn xây, mở rộng, nâng cấp ngôi nhà của mình. Ở Pháp, việc xử lý những tình huống này như thế nào?
+ Ở thành phố Angers, quê hương tôi, vẫn còn một số người dân sống trong những ngôi nhà được xây dựng từ thời Trung Cổ.
Câu hỏi đặt ra là làm sao để vừa gìn giữ vừa đảm bảo cho người dân sinh sống bình thường trong những điều kiện tối ưu, kể cả khi áp dụng các điều kiện kỹ thuật hiện đại. Đây là vấn đề không hề đơn giản đối với mọi nơi.
Tổng lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser trong buổi phỏng vấn. Ảnh: QUỐC VŨ |
Ở Pháp, chúng tôi có các ủy ban phụ trách ở địa phương, phụ trách việc tiếp nhận các hồ sơ xin cấp phép mở rộng, cải tạo hay trùng tu các công trình có tính lịch sử. Ủy ban bao gồm các chuyên gia và đại biểu dân cử. Họ sẽ xem xét kế hoạch do chủ sở hữu các tòa nhà đề xuất; sau đó sẽ cho ý kiến và nếu cần có thể đưa ra các khuyến nghị về những hạng mục có thể và không thể thực hiện được.
Tất nhiên chúng ta không thể đòi hỏi người dân sống như người thời Trung Cổ chỉ vì họ đang ở trong một ngôi nhà được xây dựng từ thời ấy.
Vấn đề là phải đạt được sự đồng thuận từ hai phía. Chủ nhân các ngôi nhà cổ có thể xin trợ cấp của nhà nước để trùng tu, và cả hai sẽ thảo luận để biết những gì có thể và không thể thực hiện trong quá trình cải tạo nơi ở này. Có những hạng mục người dân muốn làm ngay, chẳng hạn như cách nhiệt, cách điện hay cách âm, đổi mới công nghệ để chống biến đổi khí hậu… nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng điều đó không tác động đến giá trị lịch sử của ngôi nhà.
Nhưng tôi cũng xin nhắc lại, đây là một vấn đề vô cùng phức tạp và đòi hỏi phải có sự thương thảo nhiều lần giữa hai bên.
. Đối với nhiều công trình cổ, điều khiến nhiều người đau đầu chính là thời gian đã tàn phá nặng nề công trình, thậm chí rất khó tìm kiếm vật liệu thay thế. Pháp có gặp tình huống này và xử lý ra sao?
+ Việc trùng tu luôn là vấn đề phức tạp. Các bạn từng chứng kiến vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức Bà Paris khiến cho phần khung sườn bị cháy trụi. Để khôi phục lại bộ phận này, việc tìm ra nguyên vật liệu và phương pháp phù hợp không phải dễ dàng.
Người ta đã tìm kiếm những cây sồi cổ thụ trong một khu rừng ở Pháp và đó là nơi duy nhất có thể tìm thấy loại cây gỗ giống hoàn toàn để dựng lại phần khung sườn. Tuy nhiên, đây chỉ là một ví dụ nhỏ. Đôi khi rất khó để phục hồi như cũ bởi vì tình trạng công trình đã xuống cấp quá mức, và vì vốn tri thức kỹ năng đã không còn được lưu giữ lại.
Rất may là ở Pháp vẫn còn nhiều công ty lưu giữ được phương pháp truyền thống. Như ở trên, tôi đã nhắc đến Les Compagnons du Devoir. Họ chính là những người được đào tạo bài bản nhất về kỹ thuật ngành nghề truyền thống.
Họ đã lưu giữ những kỹ thuật này, đồng thời cập nhật các kỹ thuật mới để bù đắp những hạn chế trong một số trường hợp không thể tìm thấy nguyên vật liệu và kỹ thuật phù hợp. Họ biết cách để khắc phục trở ngại và làm thế nào để vẫn có thể thực hiện công tác trùng tu. Tuy nhiên, làm sao duy trì việc đào tạo lớp trẻ để lưu giữ các tri thức kỹ năng cùng những ý tưởng của tiền nhân là điều hết sức quan trọng đối với chúng tôi.
. Xin cám ơn bà.
Công trình kiến trúc cổ thu hút khách du lịch
Theo những số liệu đã có từ trước đại dịch COVID-19, nước Pháp từng đón 90 triệu lượt du khách mỗi năm. Theo Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Emmanuelle Pavillon-Grosser, Pháp là địa điểm du lịch hàng đầu thế giới và chính phủ Pháp không ngừng nỗ lực để thu hút thêm nhiều du khách quốc tế.
Chính phủ Pháp cùng với cơ quan phụ trách quảng bá du lịch Pháp Atout France hiện diện trên toàn thế giới để thu hút du khách quốc tế. Ngoài những chiến dịch quảng cáo tại sân bay, nhà ga ở Pháp và nhiều quốc gia khác, họ giới thiệu thêm nhiều danh lam thắng cảnh ở Pháp và cũng có các chính sách để các địa điểm nổi tiếng nhất ở Pháp được UNESCO công nhận là di sản.
Pháp hiện có 49 điểm được UNESCO xếp hạng là di sản thế giới và điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thu hút khách du lịch.