Qua mấy tuần trà, ngài đại sứ, bằng chất giọng Hà Nội đặc trưng, hồ hởi kể về những câu chuyện văn hóa của đất nước và con người Việt Nam được chắt lọc lại trong quyển sách Câu chuyện Việt Nam của tôi của ông, vừa mới xuất bản đầu năm nay.
"Tôi sống ở Việt Nam khi mới 19 tuổi. Tổng cộng số năm tôi sống và làm việc ở Việt Nam là hơn 20 năm. Nghĩa là phần quan trọng trong kiến thức nền của tôi đã được hình thành ở Việt Nam.
Những trải nghiệm của tôi, sự gắn kết với người Việt Nam trên tất cả các tầng lớp, bao gồm cả lãnh đạo cao cấp và cả người dân bình thường, những người bán hàng ở trên chợ càng làm tôi thêm gắn bó với Việt Nam hằng ngày, hằng giờ" - Đại sứ Saadi Salama chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ.
* Đại sứ còn nhớ ấn tượng đầu tiên của mình về Việt Nam?
- Là một người con của cách mạng Palestine, tôi đã biết đến Việt Nam khi mới 11 tuổi. Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh em. Để san sẻ chi phí với cha mẹ, tôi đã đi làm một số công việc nhỏ như đi bán báo.
Qua báo chí, tôi đã tìm hiểu Việt Nam, đặc biệt vào những năm 1972, Việt Nam là một trong những quốc gia "xuất khẩu" nhiều thông tin nhất trên thế giới. Tôi đã theo dõi những trận đánh ác liệt nhất của Việt Nam khi đó. Điều đó làm cho tôi rất cảm thông với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, vì tôi thấy hoàn cảnh của hai đất nước Việt Nam và Palestine như nhau.
Sau khi tốt nghiệp cấp III, tôi tham gia cách mạng Palestine và được lãnh đạo mời đi học ở một số quốc gia, trong đó có Ý và Romania... Khi đang cân nhắc nơi du học, tôi phát hiện Việt Nam có cấp học bổng cho một số sinh viên Palestine. Tôi ngay lập tức lựa chọn Việt Nam mà chẳng cần đắn đo thêm.
Việt Nam với tôi như một giấc mơ. Với tất cả sự mong mỏi của mình, tôi khao khát được sống, học hỏi và tìm hiểu về đất nước này, để có thể mang về những kinh nghiệm thực tế cho Palestine trong cuộc đấu tranh sắp tới. Đó là điều mà tôi luôn nhắc tới mỗi khi trình bày với những cán bộ của Mặt trận Dân chủ giải phóng Palestine về nguyện vọng của mình. Một lần. Năm lần. Mười lần.
* Với ý định ban đầu là học hỏi về tinh thần cách mạng của Việt Nam, nhưng cơ duyên nào sau đó khiến ông trở thành nhà ngoại giao và thậm chí được biết đến là "nhà Việt Nam học"?
- Đối với một người Palestine như tôi, muốn tìm câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi, tôi không có con đường nào khác ngoài việc ngày càng đi vào chiều sâu để tìm hiểu con người Việt Nam.
Trước khi đặt chân tới Việt Nam, tôi chủ yếu biết tới đất nước này qua những bài báo, những tấm ảnh, thước phim... Còn bây giờ, khi tiếp xúc với một nền văn hóa lâu đời, với những tập quán và nếp sống riêng, tôi phải tự trải nghiệm để hiểu về văn hóa và con người nơi đây.
Càng tìm hiểu, tôi càng gắn bó, càng quý và càng thấy dân tộc này đã xây dựng cho mình một hệ thống văn hóa, tư tưởng đáng khích lệ. Dù ở hoàn cảnh sống như thế nào, người Việt vẫn mang những phẩm chất mà không phải dân tộc nào cũng có được.
Người Việt tinh tế và nhân ái, đôi khi đến từ những điều rất nhỏ nhặt. Chẳng hạn, khi gọt vỏ bất cứ loại trái cây hay rau quả gì, người Việt Nam bao giờ cũng đặt lưỡi dao hướng ra ngoài (lấy ngón tay trỏ làm điểm tựa) điều ấy bắt nguồn từ niềm tin xa xưa rằng việc quay lưỡi dao về phía bản thân sẽ đem lại những điều nguy hiểm cho mình. Thế nhưng, khi cần cho người khác mượn dao, người Việt Nam bao giờ cũng sẵn sàng xoay lưỡi dao về phía mình để lưng dao về phía người đối diện.
Người Việt Nam luôn chia sẻ, cảm thông khi người khác gặp khó khăn, luôn lạc quan và ý chí kiên cường. Người Việt còn là một dân tộc vô cùng hiếu khách. Tình cảm trong sáng và chân thành ấy khiến tôi luôn muốn khám phá Việt Nam theo cách của mình: không chỉ tìm hiểu qua sách vở, trên giảng đường mà có cả những cuộc tiếp xúc với những con người thật trong cuộc sống thường nhật.
Và tôi nghĩ rằng những trải nghiệm của một người nước ngoài như tôi là những trải nghiệm rất đặc biệt. Chính vì vậy tôi đã viết cuốn sách này để kể về những tình cảm của tôi từ một góc nhìn của một người từ bên ngoài về Việt Nam.
* Trong lời đề từ cuốn sách, ông có chia sẻ "Trong con người tôi, có một phần Việt Nam rất lớn". Vậy "phần Việt Nam" mà ông nhắc tới là phần gì?
- Tôi đã sống ở Việt Nam ở cả ba thời kỳ khác nhau: hậu chiến, thời bao cấp, những năm đầu thời kỳ đổi mới và đặc biệt là quay lại Việt Nam trên cương vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine trong thời kỳ Việt Nam đã phát triển rất nhanh như hiện nay. Tổng cộng số năm tôi sống ở Việt Nam là hơn 20 năm - một phần ba đời người.
Trong quãng thời gian đó, tôi đã sống và một phần lớn tư duy, tâm hồn của tôi rất Việt Nam. Điều đó khiến tôi có cảm giác mình không hề là một người ngoại quốc đang sống ở đây.
Đa số bạn bè của tôi, tất cả các món ăn mà tôi ăn, tất cả các câu chuyện mà tôi kể, những hoạt động hằng ngày tôi làm đều mang tâm hồn Việt Nam.
* Ông có tham vọng rằng cuốn sách này đủ để cho người đọc, nhất là bạn đọc nước ngoài, hiểu rõ về Việt Nam?
- Tôi chỉ mới đi một phần ba con đường. Cuốn sách này sẽ còn được dịch sang tiếng Anh và tôi sẽ làm lễ ra mắt sách vào giữa tháng 3-2023. Tôi cũng nghĩ người nước ngoài sẽ còn quan tâm tới cuốn sách này hơn cả người Việt Nam, vì đây là cuốn sách của một người nước ngoài viết về Việt Nam. Cuốn sách viết về Việt Nam từ những năm 1980 cho đến bây giờ.
Cuốn sách sẽ giúp cho người nước ngoài hiểu về lối sống, phong tục tập quán Việt và biết được Việt Nam đã phát triển và phồn vinh như thế nào trong những năm qua. Người nước ngoài rất thích khi tìm hiểu về ẩm thực Việt, văn hóa Việt, cách người Việt đón Tết, rồi các phong tục cưới xin như ăn hỏi, nạp tài, dạm ngõ...
Giai đoạn thứ ba là tôi sẽ viết lại cuốn này bằng tiếng Ả Rập. Là viết lại, chứ không phải dịch, để truyền cảm hơn và người Ả Rập dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn. Hơn nữa, văn hóa dân gian Việt Nam và Ả Rập có nhiều điểm tương đồng. Hy vọng trong tương lai tôi có thể viết thêm một cuốn sách về văn hóa dân gian cho người Ả Rập hiểu nhiều hơn về dân tộc Việt.
* Xin cảm ơn ông!
Việt Nam hiện ra trong tinh thần mới mẻ
Quyển sách Câu chuyện Việt Nam của tôi được Đại sứ Palestine, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam, ông Saadi Salama viết trong gần năm năm, vừa được xuất bản trong những ngày đầu năm 2023.
Trong lời tựa cho cuốn sách này, ông Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - viết: "Cảm nhận của ông về con người và đất nước Việt Nam làm cho chính người Việt Nam nhận ra những vẻ đẹp mới trong văn hóa của xứ sở mình. Ông mang một cách nhìn từ một nền văn hóa khác, từ một vùng địa lý khác và từ một tôn giáo khác để làm cho Việt Nam hiện ra trong tinh thần mới mẻ".
TTCT - Saadi sinh ra tại một vùng lãnh thổ mà người Israel gọi là “đang tranh chấp”, còn Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng nó “bị chiếm đóng”. Bản thân Saadi - một người Palestine - thì tin rằng Bờ Tây là lãnh thổ của dân tộc mình.