Ủng hộ thi tốt nghiệp THPT sớm hơn
"Theo tôi, hiện tại học sinh không phải gián đoạn việc học do dịch COVID-19, nên việc thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức sớm hơn, cụ thể vào cuối tháng 6. Việc thi tốt nghiệp sớm để các trường đại học có thời gian tuyển sinh và nhất là thầy cô các trường THPT có thời gian được nghỉ hè do tuyển sinh lớp 10 vào giữa tháng 6, rồi coi thi, chấm thi trong tháng 7", D.Ngọc, một bạn đọc, chia sẻ ý kiến sau khi đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết bộ dự kiến thời điểm tổ chức kỳ thi năm nay tương tự như thời gian tổ chức kỳ thi năm trước.
Ở một số nhóm chat, diễn đàn phụ huynh, học sinh trên mạng xã hội và trên trang Facebook của các trường THPT cũng xuất hiện những trao đổi xung quanh lịch thi.
Chị Hồng Thủy, phụ huynh Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), trao đổi trong nhóm phụ huynh: "Năm học kết thúc vào 31-5 thì kỳ thi nên tổ chức trong tháng 6. Hợp lý nhất là cuối tháng 6. Như vậy các con cũng có gần 1 tháng tập trung ôn thi. Nếu kéo dài hơn rất mệt mỏi, kiến thức có khi còn rơi rụng". Ý kiến này của chị Thủy được đa số phụ huynh trong nhóm này ủng hộ.
Anh Tiến Lợi, một phụ huynh khác cùng nhóm trên, cho biết: Học sinh lớp 12 năm nay đang bị quá tải bởi các kỳ thi khác nhau do các trường đại học lựa chọn phương thức xét tuyển từ nhiều kết quả các kỳ thi tốt nghiệp, thi đánh giá năng lực, tư duy, thi lấy chứng chỉ tiếng Anh, bài thi SAT…
"Kỳ thi tốt nghiệp là kỳ thi bắt buộc nên tổ chức sớm hơn, khoảng sau khi kết thúc năm học khoảng 2-3 tuần, để tránh cho học sinh bị quá tải bởi nhiều kỳ thi quá, dẫn tới không đạt yêu cầu ở kỳ thi cần thiết để xét tốt nghiệp.
Nhiều học sinh chỉ thi tốt nghiệp, không thi các kỳ thi khác cũng không dự tuyển đại học, nhưng vẫn phải chờ một tháng rưỡi để thi tốt nghiệp là không hợp lý", anh Lợi bày tỏ quan điểm.
Ngoài các ý kiến như trên, một số phụ huynh cũng mong muốn "thi sớm" vì con mình có kế hoạch du học ngay sau khi kết thúc năm học.
Muốn giữ ổn định
Đây là quan điểm của một số người khi trao đổi về việc này. Theo một số giáo viên THPT ở Hà Nội, mặc dù năm học trước học sinh không đến trường do dịch COVID-19 nhưng vẫn học trực tuyến và kết thúc năm học vào 31-5.
Năm nay không có dịch, học sinh cũng không kết thúc năm học sớm hơn mà vẫn theo quy định là 31-5. Vì thế thời gian để ôn thi cần đảm bảo như cũ để tránh xáo trộn.
"Nếu thi sớm, các trường sẽ phải gói ghém chương trình lớp 12 để kết thúc sớm, muộn nhất là hết tháng 4 để có thêm nhiều thời gian cho học sinh ôn thi. Mà như thế sẽ sai quy định khi cắt xén thời gian thực học của chương trình lớp 12", một hiệu trưởng ở Hà Nội cũng chia sẻ.
Cần gút sớm thời gian thi tốt nghiệp THPT
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, vấn đề "nên thi sớm hay giữ ổn định như năm trước" cũng đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra bàn bạc.
Ưu điểm của việc đẩy lịch thi sớm hơn vào cuối tháng 6 sẽ giúp các trường đại học thuận lợi trong tuyển sinh. Các trường có thời gian để xử lý nhiều vấn đề phát sinh khi các quy định về xét tuyển có thể vẫn gây lúng túng, trục trặc cho thí sinh như từng xảy ra.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên lịch thi tốt nghiệp vào tháng 7 để đảm bảo ổn định, phù hợp để các địa phương có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này.
Dù là theo phương án nào, các nhà trường và phụ huynh, học sinh cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm quyết định để các nhà trường, thầy - trò còn chủ động kế hoạch dạy học. Bên cạnh đó, các cơ sở tổ chức thi đánh giá năng lực, tư duy cũng kịp điều chỉnh kế hoạch theo để tránh trùng thời gian, quá tải cho học sinh.
Ông Huỳnh Văn Chương - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo - trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.
Xem thêm: mth.1841040160203202-7-gnaht-yah-6-gnaht-iouc-nen-tpht-peihgn-tot-iht/nv.ertiout