Chủ đầu tư bất động sản huy động vốn trái phép
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về thực tế chủ đầu tư huy động vốn từ người mua nhà khi dự án nhà ở chưa đủ điều kiện hoặc khi chưa giải chấp.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - đặt vấn đề tồn tại việc chủ đầu tư huy động vốn trái phép từ người mua nhà khi chưa hoàn thành các thủ tục. Ngoài ra, dù hoàn thành dự án (bàn giao căn hộ cho người mua) nhưng chưa giải chấp ngân hàng khoản vay, dẫn đến người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM cũng có văn bản nêu vấn đề các dự án bất động sản có dấu hiệu "lách luật huy động vốn" bằng hình thức đặt cọc, giữ chỗ, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Sở này cũng đã chỉ ra các dự án cụ thể chưa đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai và phía sở cũng chưa có văn bản cho phép chủ đầu tư bán nhà ở.
Sở Xây dựng TP cũng cho biết thêm các chủ đầu tư đã nhận đặt cọc, thỏa thuận giữ chỗ với số tiền rất lớn, có trường hợp đến 80% giá trị căn hộ.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng thừa nhận việc chủ đầu tư huy động vốn từ người mua nhà khi dự án nhà ở chưa đủ điều kiện huy động vốn là những bất cập, tồn tại của thị trường bất động sản. Trong đó có hình thức chủ đầu tư thế chấp dự án, bất động sản trong dự án tại tổ chức tín dụng, mặc dù chưa giải chấp nhưng vẫn tổ chức huy động vốn nhằm mục đích bán nhà ở theo hình thức hợp đồng đầu tư góp vốn.
Hệ lụy được Bộ Xây dựng chỉ ra là dẫn đến vướng mắc không làm được thủ tục, không bàn giao được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho người mua.
Pháp luật chưa ngăn được triệt để việc lách luật
Đánh giá về nguyên nhân của việc chủ đầu tư lách luật huy động vốn, Bộ Xây dựng cho rằng có nhiều nguyên nhân như pháp luật hiện hành còn chưa hoàn thiện, đồng bộ để đảm bảo ngăn chặn được triệt để các hành vi lách luật huy động vốn trong giao dịch bất động sản.
Năng lực chủ đầu tư dự án bất động sản chưa được sàng lọc tốt, hiểu biết pháp luật và tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản chưa cao.
Đồng thời, Bộ Xây dựng chỉ ra có tâm lý chạy theo lợi nhuận, thông tin về thị trường bất động sản chưa thông suốt. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, phổ biến pháp luật, giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý thị trường bất động sản.
Sẽ khắc phục những bất cập trong huy động vốn bất động sản
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Xây dựng cho biết đã thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản. Bộ đã trình các chính sách, quy định như bổ sung quy định về hợp đồng theo mẫu trong giao dịch bất động sản.
Bộ Xây dựng cũng trình Thủ tướng ban hành chỉ thị số 13, trong đó có nội dung tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để tháo gỡ các vướng mắc, xử lý sai phạm để bảo vệ thị trường, bảo vệ tài sản của người dân, không hợp thức hóa sai phạm...
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã chủ trì xây dựng Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi, trong đó có các nội dung liên quan đến quản lý, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng quy định pháp luật trong huy động vốn, sử dụng vốn huy động của các chủ đầu tư dự án bất động sản.
Đồng thời, quy định về các hình thức huy động vốn, quản lý sử dụng vốn huy động của các chủ đầu tư dự án bất động sản.
Bộ Xây dựng cũng tính đến việc quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, bên bán, cho thuê mua, cho thuê bất động sản trong việc phải tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền lợi của khách hàng; trách nhiệm trong việc áp dụng, ký kết, thực hiện các hợp đồng kinh doanh bất động sản đúng quy định pháp luật.
Do cạn dòng tiền, không ít doanh nghiệp bất động sản đã nóng lòng bán căn hộ dù chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định pháp luật.