Lãi suất 15-16% là chết doanh nghiệp!
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) – hiện lãi suất cho vay đều trên 10% khiến các doanh nghiệp (DN) “không có cửa” để đầu tư và không dám vay. Do đó cần kéo lãi suất vay xuống dưới 10%, lộ trình giảm trong 6 tháng tới, có như vậy DN mới mạnh dạn đầu tư mới. Nhiều DN sử dụng bất động sản (BĐS) làm tài sản thế chấp nhưng giá BĐS đang giảm, buộc DN phải bổ sung tài sản thế chấp khác, tạo áp lực thêm cho DN.
“Ngành may mặc Việt Nam đang thiếu đơn hàng trong khi Banglades đang dư thừa đơn hàng vì tất cả các khâu của họ đã đạt tiêu chuẩn xanh. Nhân cơ hội đang gặp khó khăn, Chính phủ cần có hỗ trợ cho DN chuyển đổi để họ vượt qua khó khăn giai đoạn này và hướng tới chu kỳ phát triển tiếp theo” – ông Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành – bức xúc, vừa qua chính sách hỗ trợ chỉ tập trung hỗ trợ người mua nhà ở xã hội mà không hỗ trợ cho DN, cho người làm ra nhà ở xã hội. Cuối cùng, người đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì nhà đâu để mua? Một DN làm nhà ở xã hội chỉ lãi 10% nhưng thời gian làm mất hết 5 năm, vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2% - còn thua gửi tiết kiệm ngân hàng. Trong khi họ bị thanh, kiểm tra liên tục. Cơ quan nhà nước nói đẩy mạnh nhà ở xã hội nhưng nửa năm nay vẫn chưa có văn bản nào cụ thể. Còn về lãi suất, chúng tôi vay vốn để xây dựng nhà ở xã hội với lãi suất 14%/năm thì làm sao kéo giá bán xuống được?
Các chuyên gia cho rằng lãi suất vay quá cao là giết chết DN. |
Chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên đặt vấn đề tại sao khu vực FDI (vốn đầu tư nước ngoài) tại Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt trong khi DN nội địa còn nhiều khó khăn? Đó là do khu vực FDI không phải đối diện với tình trạng khô cạn vốn.
Những ách tắc về vốn hiện nay liên quan đến thể chế về luật lệ, pháp lý như về đất đai, cơ chế xin cho nên khu vực nội địa đang bị trói buộc. Và trong điều kiện lạm phát tăng, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế. Lãi suất 15%-16%/năm như hiện nay, làm sao DN sống được? Trong khi đó, có những cái trói buộc, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất được, ảnh hưởng tới DN.
Khơi thông thị trường vốn, giảm lãi suất
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) – cho rằng, khó khăn pháp lý đang chiếm 70% những khó khăn của DN BĐS. Năm 2017, thị trường BĐS có 42.991 sản phẩm được tung ra, sau đó giảm dần qua các năm còn 28.000 năm 2018, rồi 23.000 năm 2019 và năm 2020 còn 16.894 sản phẩm. Đến năm 2021 chỉ 13.849 sản phẩm được bán ra và 2022 chỉ hơn 12.100 sản phẩm. Tốc độ giảm mạnh dần theo từng năm. Tình trạng này là do thiếu dự án mà nguyên nhân chính là do vướng mắc pháp lý.
Ông Châu dẫn ví dụ, Nghị định 100 Chính phủ nêu rõ DN làm nhà ở xã hội sẽ được giảm 70% thuế nhưng Luật Thuế không quy định nên Cục thuế không áp dụng. DN đinh ninh mình được giảm nhưng thực tế lại không được giảm dù đã nộp 50% thì DN bị phạt. Cụ thể là trường hợp của Công ty BĐS Lê Thành.
Các DN BĐS xác định nếu BĐS phục hồi, lan tỏa thì thúc đẩy rất nhiều ngành nghề khác. Vừa qua, khi nhà thầu dừng triển khai dự án, nhiều công nhân đã mất việc, nhiều DN giảm lương 50% nhân sự, giảm lương 80%. “Mong Ngân hàng Nhà nước vận dụng Nghị quyết 14 hỗ trợ cho các DN làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...” – ông Lê Hoàng Châu đề xuất.
Các chuyên gia cho rằng cần phải khơi thông thị trường vốn, khôi phục BĐS, giảm lãi suất cho vay. |
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với khu vực kinh tế nội địa. Đồng thời, cần tập trung cao độ tái cấu trúc hệ thống thị trường, gắn với thị trường trái phiếu DN; điều chỉnh Nghị định 65 về trái phiếu DN phù hợp để thị trường này phát triển tốt hơn.
TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – nói, trong điều kiện hiện nay, tâm lý sợ sai đang phổ biến, các bộ ban ngành đang có những hướng dẫn chồng chéo. Khôi phục thị trường BĐS là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, thu hút dòng tiền trở lại thị trường BĐS, trước hết phải giải quyết các vấn đề về thể chế và pháp lý, thủ tục hành chánh.
Doanh nghiệp không nên tập trung vào nguồn vốn ngân hàng Năm 2022, dư nợ tín dụng BĐS chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 16% - cao hơn mức tăng trưởng chung của thành phố là 13,8%. Trong đó, cho vay tiêu dùng, cá nhân vay mua nhà… chiếm khoảng 70%. Qua đánh giá chung, ngành ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng đối với thị trường BĐS. Tuy nhiên tín dụng BĐS là vốn trung, dài hạn, còn bản chất của hoạt động ngân hàng thương mại là ngắn hạn đáp ứng vốn lưu động cho DN và nền kinh tế. Do đó, với cơ cấu tín dụng như trên, ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực trong bối cảnh các kênh dẫn vốn khác đang gặp khó khăn. Vì vậy, cùng với vốn tín dụng ngân hàng, chúng tôi cho rằng các kênh khác như vốn chứng khoán, trái phiếu DN cũng cần phải khơi thông để cùng đồng hành hỗ trợ DN và nền kinh tế. Về gói hỗ trợ lãi suất 2%, hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang yêu cầu thực thi theo hướng công bố quy trình, thủ tục triển khai đầy đủ, hướng dẫn cho khách hàng thực hiện. Doanh số cho vay từ gói hỗ trợ này đã đạt 35.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với trước đó. Nếu các DN thuộc lĩnh vực nào được hưởng gặp khó khăn có thể phản ánh đến số điện thoại của NHNN 028.38.211230, hoặc địa chỉ mail tonghop_sbv@gov.vn hoặc phản ánh qua HUBA và các hiệp hội DN khác, từ đó tổng hợp phản ánh lên NHNN với tinh thần không phiền hà, gây khó khăn cho DN. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM |
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.1554841a-man-61-51-taus-ial-iov-yav-iahp-gnad-nav-peihgn-hnaod/nv.moc.enilnounuhp.www