Thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp công chức, viên chức
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức.
Lũy kế từ năm 2020 đến tháng 6-2022, đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp.
Về tinh giản biên chế, đến nay cả nước giảm 79.057 người (chiếm tỉ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021).
Trong đó, các bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người. Điển hình là các tỉnh Thanh Hóa (4.615 người), Quảng Nam (3.148 người), Nghệ An (3.011 người), Lạng Sơn (2.898 người), Bình Phước (2.648 người).
Cũng trong giai đoạn 2020 - 2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ tăng trong năm 2023
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong năm 2023 nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ tăng so với năm 2022. Nguyên nhân thu nhập thực tế tăng nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của Chính phủ và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý 2 và 100% trong quý 4, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống.
Việt Nam nằm trong top 6 các nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, EU, Mỹ, Nga, Brazil.
Năm 2022 nhu cầu tiêu thụ thịt heo trên đầu người của Việt Nam khoảng 27kg/người/năm, dự kiến năm 2023 tăng lên 35kg/người/năm.
Đối lập với nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ tăng trong năm nay thì ngành chăn nuôi vẫn gặp một số khó khăn vì giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng; dịch tả heo châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm nguồn cung heo.
Nhiều quy định trong Luật lấy, hiến ghép tạng đã lạc hậu
Tại hội thảo tổ chức ngày 6-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã cho biết như vậy và đánh giá những hạn chế của luật đã ảnh hưởng đến hoạt động lấy, hiến ghép mô tạng.
Trong khi đó, thượng tá Đinh Văn Trình, phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho biết đối tượng phạm tội liên quan hiến ghép tạng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động theo băng, ổ nhóm, mỗi đối tượng có nhiệm vụ khác nhau như tiếp cận, làm quen với bên mua và bên bán, che giấu mục đích thương mại.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là tiếp cận người có nhu cầu mua (ghép) bộ phận cơ thể tại các bệnh viện hoặc thông qua mạng xã hội tìm kiếm người mua, người bán (dưới hình thức cho, hiến tặng), ra giá và thu tiền của người bệnh với giá cao, trả cho người bán giá thấp để trục lợi.
Đặc biệt, giai đoạn hiện nay các đối tượng lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội đã nhanh chóng tiếp cận được người có nhu cầu mua và người bán. Các đối tượng chủ yếu nhắm đến những bộ phận cơ thể người như: thận, gan, võng mạc… Hiện các bác sĩ Việt Nam đã ghép được 8 loại tạng/bộ phận cơ thể.
Ca mắc COVID-19 mới chỉ còn dưới 20 ca/ngày
Số mắc mới COVID-19 ghi nhận được tính từ đầu tháng 2 đến nay liên tục dưới 20 ca/ngày, đặc biệt có ngày chỉ dưới 10 ca.
Đây là số mắc mới thấp nhất tính từ tháng 6-2021 đến nay. Các chuyên gia cảnh báo số mắc thực tế có thể cao hơn do người mắc COVID-19 phần lớn đều nhẹ và ít đi bệnh viện, không thông báo cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy dịch đã được khống chế rất tốt tại Việt Nam.
Một số tin tức đáng chú ý: Giá trị sản xuất nông nghiệp TP.HCM đạt hơn 19.035 tỉ đồng; Trung Quốc 'ăn nhiều', giá thanh long và sầu riêng neo cao; Chỉ có 7 ca COVID-19 mới...