Bộ Tài chính Nga hôm 6/2 thông báo thu thuế từ dầu mỏ, khí đốt giảm 46% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi cho chiến dịch quân sự tại Ukraine lại tăng 59%. Việc này khiến ngân sách Nga thâm hụt 1.760 tỷ ruble (25 tỷ USD).
Nguồn thu từ năng lượng của Nga sụt giảm sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hiện tại, EU đã cấm nhập dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga bằng đường biển. G7 cũng áp trần giá với các mặt hàng này. Giá dầu Urals - sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Nga - hiện thấp hơn đáng kể so với các loại dầu tiêu chuẩn của thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu chính phủ đưa ra kế hoạch đánh giá diễn biến dầu Nga để bù đắp ảnh hưởng tiêu cực từ các lệnh trừng phạt lên ngân sách. Hiện tại, Bộ Tài chính nước này đánh thuế các hãng dầu dựa trên báo cáo giá hàng tháng về dầu Urals của Argus Media. Hãng này tính cả phí vận chuyển và bảo hiểm của các chuyến hàng đến tây bắc Âu.
Bộ Tài chính Nga cho biết chính phủ đang nghiên cứu "chuyển sang các chỉ số theo dõi giá khác để phục vụ mục đích đánh thuế". Hồi tháng 1, giá dầu Urals trung bình là 49,48 USD một thùng – thấp nhất kể từ tháng 12/2020 – theo Bộ Tài chính Nga. Trong khi đó, giá trung bình dầu Brent là 77,8 USD.
Việc xuất khẩu khí đốt Nga giảm cũng kéo nguồn thu năng lượng của Nga xuống thấp. Đại gia khí đốt Nga Gazprom đã cắt phần lớn xuất khẩu sang châu Âu – nơi từng là thị trường lớn nhất của họ.
"Nguồn thu từ dầu giảm là điều đã được dự báo. Chúng tôi cho rằng số liệu này sẽ tiếp tục đi xuống trong năm nay, kéo thâm hụt lên 1,5% GDP", Alex Isakov – nhà kinh tế học tại Bloomberg Economics cho biết.
Trong một thông báo khác, Bộ Tài chính Nga cho biết đã bán 3,6 tấn vàng và 2,3 tỷ nhân dân tệ từ quỹ đầu tư quốc gia trong tháng 1 để bù đắp thâm hụt. Nga hiện bị đóng băng lượng lớn dự trữ ngoại hối ở nước ngoài, do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Hà Thu (theo Bloomberg)