Trong ký ức chúng tôi - những đứa học trò may mắn được học với thầy, thầy Khanh là một trong những nhà giáo mẫu mực nhất về tài năng lẫn nhân cách. Chúng tôi không chỉ ngưỡng mộ thầy ở trí tuệ mẫn tiệp mà còn ở tấm lòng nhân ái và khiêm cung.
"Cậu bé gánh muối và ông tiến sĩ" cùng thời khắc tái sinh
Sinh trưởng ở Phan Thiết những năm đất nước còn ly loạn, thầy Khanh có một tuổi thơ vất vả và gián đoạn việc học hành một năm vì lý lịch gia đình dù thi đậu điểm rất cao. Một năm quá ngắn nhưng quá dài với niềm khao khát mãnh liệt được đi học của cậu bé ham học và học giỏi.
Biến động "bị nghỉ học" khó quên đó của thời niên thiếu đã được thầy kể lại trong bài viết Cậu bé gánh muối và ông tiến sĩ - bài viết được báo Tuổi Trẻ trao giải nhất cuộc thi viết Khoảnh khắc thay đổi đời tôi lần 2.
Lễ trao giải được tổ chức tại Sở GD-ĐT Bình Thuận - nơi thầy công tác đúng ngày sinh nhật tuổi 56 của thầy - 30-5-2020, sau những tháng ngày chịu đựng những di chứng của cơn tai biến năm 2018...
Hôm ấy, thầy đã đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn - nhà thơ đồng hương: Còn sống, còn vui, còn ca hát/ Khổ đau như nước chảy qua cầu. Sau này, thầy chia sẻ: "Kể ra sinh nhật thứ 56 của thầy thật đặc biệt, vừa đánh dấu thời điểm thầy được tái sinh (theo nghĩa đen), vừa được Tuổi Trẻ trao giải và mừng sinh nhật".
Giải thưởng ở một tờ báo mà thầy yêu quý và gắn bó như một cộng tác viên, một độc giả trung thành gần 20 năm có lẽ là niềm vui rất lớn với thầy, sau sự kiện thầy bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tin với xếp loại "xuất sắc cộng với lời khen của hội đồng" - loại cao nhất ở Pháp năm 2006.
Luận án của thầy bốn năm sau đó đã được Nhà xuất bản Éditions Universitaires Européennes (Nhà xuất bản Đại Học Châu Âu) in thành sách Khái niệm tích phân trong dạy học toán ở trung học phổ thông so sánh giữa Pháp và Việt Nam.
Là tiến sĩ toán học nhưng thầy Khanh không chỉ truyền cho học trò kiến thức toán mà còn lan tỏa tình yêu văn chương. Trong những chuyện trò, thầy vẫn hay bình thơ văn của các tiền nhân, các cây bút đương đại trong, ngoài nước và gây bất ngờ cho chúng tôi bởi một trí nhớ tuyệt vời - thầy trích dẫn chính xác từng từ một của các đoạn văn, bài thơ thầy yêu thích.
Là người chính trực, thẳng thớm, thầy xót xa trước những bất công, khuất tất, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghe thầy nói xấu ai. Thầy gây ấn tượng mạnh với học trò vì sự lịch thiệp hiếm thấy, sự kiên nhẫn và cả lòng từ của thầy trong cái nhìn về cuộc sống. Nếu nhận phải một điều bất như ý, thầy chỉ nhẹ nhàng: đó là nghiệp của thầy.
Vì yêu văn chương, yêu văn hóa Việt - Pháp, người thầy giáo từng tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm TP.HCM khoa toán năm 1987 thích viết báo và rồi trở thành cộng tác viên thân thiết của Tuổi Trẻ sau bài báo về Phạm Quỳnh Anh và bài hát Bonjour Vietnam gây xôn xao một thời.
Ngoài cộng tác với báo các bài biên dịch về các tin tức văn nghệ, giải thưởng văn chương, các bài viết về giáo dục; vốn là một người cực kỳ nhạy cảm với ngôn ngữ, thầy còn góp cho Tuổi Trẻ nhiều bài viết ở chuyên mục Tiếng nước tôi.
Thầy dùng bút danh Trường Lân - cái tên xuất phát từ chữ Trần Lương trong họ tên của thầy. Chúng tôi vẫn còn nhớ một trong những bài báo cuối cùng thầy viết cho Tuổi Trẻ là bài viết về sự ra đi của nhà văn Linda Lê, với nhan đề "Văn đàn Pháp vừa tắt ngôi sao gốc Việt: Linda Lê".
Ngành toán học Việt tắt một ngôi sao...
Ngành toán học Việt Nam cũng vừa tắt một ngôi sao. Bộ sách tham khảo cho chương trình giáo dục hiện hành mà thầy và các đồng nghiệp biên soạn cho Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam vừa hoàn thiện tập 1...
Sự nghiệp đào tạo các thạc sĩ - tiến sĩ toán học khiến thầy vẫn hay đi về Phan Thiết - Sài Gòn vẫn còn dang dở. Văn phòng Tổ chức đại học Pháp ngữ tại TP.HCM vẫn còn rất nhiều chương trình cần đến thầy, như hồi tháng 8-2022, thầy còn đứng lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và nghiên cứu.
Thầy còn hợp tác với Trung tâm Pháp ngữ châu Á - Thái Bình Dương về việc viết sách giáo khoa cho lớp song ngữ. Giữa năm ngoái, thầy cho biết đã viết xong bốn chương bản thảo sách bài tập Toán 7 và Toán 10 (chương trình giáo dục phổ thông mới).
Trăn trở nhiều về nền giáo dục còn nhiều bất cập, thầy vẫn còn muốn dồn sức biên soạn sách và nhiều đề tài báo chí ấp ủ muốn viết, cả những đề tài cho chuyên mục Tiếng nước tôi. Thầy đã dự định khi việc biên soạn sách ngơi hơn, thầy sẽ viết bài tiếng nước tôi về "báo lá cải" và "sách gối đầu giường".
Tôi may mắn không chỉ được học thầy mà còn được làm việc cùng thầy qua những bản thảo thầy viết cho Tuổi Trẻ, nhờ đó học được rất nhiều từ thầy sự chỉn chu, cẩn trọng, đức khiêm cung của một nhà khoa học, một trí thức. Chúng tôi hầu như không phải sửa gì các bản thảo của thầy, nhưng lỡ bài viết có một lỗi đánh máy, thầy viết thư xin lỗi ngay khi chính thầy phát hiện...
Gần đây, thầy đủ tiêu chuẩn để được phong hàm phó giáo sư nhưng thầy không làm các thủ tục. Giữa nhiều lời mời làm việc trong và ngoài nước, thầy vẫn chọn gắn bó với quê hương Phan Thiết. Tất cả thời gian của mình, thầy dành cho sự nghiệp giáo dục, tư vấn, biên soạn sách, đào tạo các tài năng toán học...
Không những vậy, từng là một học trò nghèo khát học, thầy vẫn thầm lặng giúp đỡ tài sức cho một quỹ khuyến học, tận tâm cho từng công việc nhỏ nhất.
Sau bạo bệnh, tay lật giở sách cũng còn đau, thầy viết ít hẳn lại nhưng thi thoảng vẫn viết "cho khuây khỏa". Trong những lá thư gần đây gửi học trò, thầy tâm sự: "Nghĩ lại bệnh tật cũng là một nghiệp chướng nên vui vẻ chấp nhận... Cuộc sống này đúng là có quá nhiều bất trắc. Nhiều đến nỗi Dale Carnegie khuyên là bạn có quyền suy nghĩ về mọi thứ nhưng đừng lo về nó vì lo lắng không giúp giải quyết được gì... Sinh, lão, bệnh, tử vốn là quy luật nên cần chuẩn bị tâm thế để đón nhận nó".
Những học trò kính trọng thầy như người anh, người cha mong thầy đã có tâm thế nhẹ nhàng nhất như thầy muốn. Nhớ về thầy, chúng em sẽ nhớ về tấm gương không màng danh lợi, chỉ có tình yêu trong veo với toán học, với tri thức nhân loại và với cái đẹp; về một nhà giáo rất đỗi thanh bần, khiêm hạ...
Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp nhiệt tình
Tiến sĩ Trần Lương Công Khanh, trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp - giáo dục thường xuyên Sở Giáo dục - đào tạo Bình Thuận, là gương mặt thân quen trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ từ năm 2012.
Với vai trò là một cán bộ quản lý giáo dục cùng lương tâm, trách nhiệm của người thầy giáo, thầy luôn có mặt trong các buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ nhiều năm qua. Ở đó, những bài phát biểu của thầy đã truyền cảm hứng cho nhiều học sinh trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề.
Trong một lần chia sẻ với học sinh trong tỉnh Bình Thuận, tiến sĩ Khanh kể rằng nhà vật lý học nổi tiếng Albert Einstein khi chấm vấn đáp môn vật lý của sinh viên đại học Mỹ, ông thường nêu lại câu hỏi cũ, nhưng sẽ không chấm cao cho câu trả lời giống các năm
trước. Lý do ông đưa ra là khoa học luôn phát triển không ngừng nên con người luôn phải đi tìm câu trả lời mới cho những câu hỏi tưởng chừng đã cũ.
Tiến sĩ Khanh chia sẻ: "Tôi muốn đưa ý tưởng này đến tất cả học sinh lớp 12 với hy vọng các em luôn nghiêm túc đi tìm câu trả lời mới cho những vấn đề tưởng chừng rất cũ về chọn ngành, chọn nghề năm nào cũng đặt ra".
TRẦN HUỲNH
'Thầy Trần Lương Công Khanh mất rồi anh à!'. Sáng ngày 6-2, tôi nhận tin nhắn của bạn đồng nghiệp và cũng là học trò cũ của thầy mà lặng người, nghẹn ngào.
Xem thêm: mth.63045218070203202-hnahk-gnoc-gnoul-nart-hnik-gnad-yaht-iougn-teib-mat/nv.ertiout