Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group - cho biết, từ cận Tết Nguyên đán đến nay, doanh nghiệp tất bật chuẩn bị các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc .
Doanh nghiệp 'ngập đơn hàng' nhờ sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch và các đối tác liên tục đặt hàng. Đặc biệt, nhu cầu dịp Tết Nguyên đán tăng cao đẩy giá thu mua mặt hàng này tăng gấp đôi từ 70.000 - 80.000 đồng/kg lên 130.000 - 150.000 đồng/kg.
“Hiện chỉ có một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có sầu riêng thu hoạch. Khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chưa đến mùa nên giá sầu riêng duy trì ở mức cao. Bà con có thu hoạch đến đâu, doanh nghiệp mua đến đó. Sắp tới, khi có thêm vùng trồng tại các tỉnh phía Nam đến kỳ thu hoạch, sầu riêng mới đỡ khan hiếm”, ông Tùng nói.
Giá thu mua sầu riêng tăng gấp 2-3 lần sau khi Trung Quốc và Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch.
Đại diện Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vạn Hòa cho biết, hiện giá thu mua sầu riêng Thái loại A tại Tiền Giang ở mức 220.000 đồng/kg, loại B là 200.000 đồng/kg. Còn sầu riêng Ri6 loại A 165.000 đồng/kg và 145.000 đồng/kg cho loại B.
"Mức giá doanh nghiệp thu mua từ hôm qua đến hôm nay (6/2), còn trong những ngày tới, giá chưa biết thế nào. Hiện chỉ cần sầu riêng đủ cơm, đủ tiêu chuẩn đóng không bị hỏng, chúng tôi đều nhận hết", vị này cho hay.
Không chỉ sầu riêng tăng giá mạnh, giá thanh long cũng tăng bất ngờ sau một thời gian duy trì ở mức thấp, giúp người dân phấn khởi.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - cho biết, từ đầu tháng 1 đến nay, giá thanh long đã tăng gấp ba lần so với trước đó. Có thời điểm giá thanh long ruột đỏ được thu mua ở mức 45.000 đồng/kg, loại 2 là 40.000 đồng/kg, loại 3 là 35.000 đồng/kg.
Theo ông Trịnh, 90% thanh long của Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Sở dĩ giá thanh long tăng mạnh , bên cạnh yếu tố nhu cầu từ thị trường nhập khẩu còn do lượng sản lượng thanh long trên thị trường hiện khá khan hiếm.
“Mấy năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu thanh long bế tắc dẫn tới giá rớt sâu, nhiều nhà vườn đã chặt bỏ khiến sản lượng thanh long có lúc tụt giảm khoảng 50%. Nay Trung Quốc mở cửa trở lại, giá bán tăng vọt giúp thu nhập người tăng nhiều lần so với trước”, ông Trịnh cho hay.
Sản lượng thanh long khan hiếm đẩy giá tăng vọt sau nhiều năm rớt sâu.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, lượng rau quả xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tăng mạnh. Chỉ trong tháng 1/2023, Chi cục đã làm thủ tục thông quan cho hơn 45.000 tấn rau quả xuất sang Trung Quốc. Tại Lạng Sơn, trong tháng đầu năm mới, trung bình mỗi ngày có khoảng 400 xe hàng thông quan, trong đó 80% là xe chở nông sản, hoa quả xuất khẩu. Giá trị hàng hoá xuất sang Trung Quốc đạt khoảng 60 triệu USD
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - cho biết, năm 2022, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm gần 20% so với năm 2021.
Với nhu cầu rau quả dự báo bùng nổ trong năm 2023, dự báo, xuất khẩu rau quả sang thị trường này tăng ít nhất khoảng 20 - 30%. Đặc biệt, thanh long và sầu riêng có khả năng cán mốc 1 tỷ USD mỗi mặt hàng trong năm nay.
Xem thêm: mth.69085642260203202-nal-3-pag-aig-gnat-couq-gnurt-taux-teiv-gnol-hnaht-gneir-uas/nv.ahos