Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có các giải pháp và lộ trình kéo giảm lãi suất, bởi với mức lãi suất cho vay trên 10% hiện nay, doanh nghiệp rất khó duy trì sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Doanh nghiệp chịu lãi suất cao
Tại Tọa đàm “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp”, do Báo Người Lao động tổ chức ở TP.HCM, chiều 6/2, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hiện nay chỉ có nhu cầu giảm lãi suất chứ không có nhu cầu vay mới. Bởi lẽ, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh khá gay gắt, họ buộc phải nhận đơn hàng với giá thấp để tạo việc làm cho người lao động. Do đó, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp rất ít.
“Hầu hết các doanh nghiệp phải “liệu cơm gắp mắm” để duy trì hoạt động. Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp có hạn mức tín dụng nhưng không dám đăng ký giải ngân, vì với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay, việc vay vốn ngân hàng sẽ khiến chi phí doanh nghiệp đội lên rất lớn”, ông Trần Việt Anh cho biết.
Không chỉ riêng các doanh nghiệp sản xuất, ngay cả các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cũng đang gặp nhiều khó khăn do lãi suất tăng cao. Trong khi đây là nhóm đối tượng doanh nghiệp tưởng chừng được hưởng nhiều ưu đãi trong cơ chế, chính sách tín dụng, song cũng đang phải vay vốn ngân hàng với mức lãi suất cao như bình thường.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lê Thành, các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội đang phải vay với mức lãi suất lên tới 14%, ngang với lãi vay đầu tư dự án nhà ở thương mại. Với mức lãi vay này, rất khó có thể khiến giá nhà ở xã hội giảm xuống.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước có quy định hệ số rủi ro với khoản vay nhà ở xã hội chỉ 50%, trong khi hệ số này áp dụng với dự án nhà ở thương mại lên tới 250%. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại vẫn không áp lãi suất thấp cho doanh nghiệp vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cũng cho rằng, với mức lãi suất dài hạn trên 10%/năm thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả. Do đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các các ngân hàng cần có giải pháp rõ ràng hơn cũng như có lộ trình cụ thể trong vòng 6 tháng tới để kéo lãi suất dài hạn xuống nhằm kích thích đầu tư.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đang sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp để vay vốn. Trong bối cảnh giá bất động sản giảm, tỷ lệ giải ngân trên giá trị bất động sản cũng giảm theo, khiến nguồn vốn giải ngân cho doanh nghiệp rất thấp. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng vay nhưng cả 2 giá trị bị kéo xuống, tỷ lệ giải ngân cũng bị kéo xuống, buộc họ phải bổ sung tài sản thế chấp. Thực tế này đang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp. Do đó, đại diện HUBA đề nghị các ngân hàng nên có sự đồng hành chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Đẩy mạnh cải cách thể chế
Như thông lệ vào đầu năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm. Năm nay, Nghị quyết 01 được ban hành vào ngày 6/1/2023 với nhiều điểm nhấn quan trọng; trong đó, các giải pháp liên quan đến tháo gỡ khó khăn về thanh khoản thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Liên quan đến câu chuyện lãi suất cho vay còn neo ở mức cao, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế. Với mức lãi suất cho vay cao đến 15 - 16%/năm như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ rất khó tồn tại. Trong khi đó, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất, ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Chưa kể, đây là thời điểm tiền khó, nên doanh nghiệp và nền kinh tế cũng phải tính đến trường hợp này.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, trong bối cảnh khó khăn này, một điều rất then chốt là việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Giải ngân vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng quá chậm; đồng thời, cấu trúc thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường ngân hàng liên quan đến vốn tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu còn bất cập, gánh nặng đổ về thị trường vốn tín dụng nhiều.
“Bản thân hệ thống thị trường tài chính, tiền tệ đang có vấn đề; hệ thống đầu tư công… chưa đồng bộ, nhiều thủ tục xin cho. Do đó, cần cách tiếp cận rất cơ bản cho hệ thống thị trường này, cũng như cần giải pháp thể chế để cân bằng lại. Đặc biệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu phải phát triển an toàn, lành mạnh, bảo đảm chia sẻ rủi ro, san sẻ gánh nặng cho hệ thống ngân hàng”, PGS.TS. Trần Đình Thiên đề xuất.
Tại tọa đàm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc, cho rằng, đối với sự phát triển dài hạn của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp rất quan trọng nhưng thể chế còn quan trọng hơn. Giải phóng được thể chế sẽ khơi thông được nguồn lực, sẽ tận dụng thị trường vốn.
“Thực tế đã cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào các thể chế. Cải cách thể chế là nền tảng quan trọng của tăng trưởng. Chúng ta đã thấy, lần đầu tiên chúng ta tích hợp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực vào Nghị quyết 01. Điều này vô cùng quan trọng”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Để thúc đẩy cải cách thể chế, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần làm một số việc như: cần cải thiện môi trường kinh doanh, những lĩnh vực nào không cần điều kiện hoặc điều kiện không hợp lý thì cắt giảm; kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu cần đơn giản hóa các thủ tục, đi cùng quản lý rủi ro; đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đặc biệt, hệ thống pháp luật; trong đó, có Luật Đất đai sửa đổi có thể xem là mở đường để sửa đổi một số luật khác để giảm chồng chéo; rà soát tổng thể đồng bộ hơn, minh bạch hơn. Các cơ quan cần có văn bản hướng dẫn, tích hợp để đưa ra một văn bản chung, có giá trị cao hơn văn bản trước để áp dụng, để gỡ chồng chéo khi luật chưa sửa kịp.../.
Xem thêm: lmth.86471000042210202-ut-uad-iat-ed-taus-ial-maig-ohc-gnom-peihgn-hnaod/nv.semitaer