Ngày 7-2, trao đổi với PLO, ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết, hồ sơ vụ phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đã được chuyển sang cơ quan điều tra thụ lý theo thẩm quyền.
Một vị trí rừng bị phá tại tiểu khu 296c. Ảnh PĐ. |
Trước đó, tháng 12-2022, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đã có báo cáo gửi Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận liên quan đến vụ phá rừng xảy ra tại khu bảo tồn được phát hiện từ phản ánh của người dân.
Theo báo cáo, ngày 12-7-2022, tại khu vực Láng Lớn, thuộc lô 15, khoảnh 4, tiểu khu 296c, lâm phận Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đã xảy ra vụ phá rừng trái pháp luật, với diện tích rừng bị chặt hạ là 4.988m2, có 221 gốc cây bị chặt hạ.
Đến ngày 14-12-2022, theo phản ánh của người dân, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú tiếp tục kiểm tra hiện trường tại tiểu khu 296c và phát hiện thêm hơn 4.900m2 diện tích rừng bị chặt hạ.
Như vậy, theo báo cáo của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú thì tổng diện tích rừng bị phá là hơn 9.900m2, lâm sản bị thiệt hại 100%, số cây bị thiệt hại 402 cây, trữ lượng gỗ thiệt hại hơn 22,245m3. Cả hai vị trí rừng bị phá đều nằm trên địa bàn xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam và đều là rừng sản xuất.
Rừng bị phá tại tiểu khu 296c. |
Tuy nhiên, thực tế qua kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận hai vị trí rừng bị phá chỉ cách nhau có…12m thuộc các lô 15, 16, 19, khoảnh 4, tiểu khu 296c, diện tích rừng khu bảo tồn bị phá lên tới 19.910m2, chênh lệch cao hơn rất nhiều so với báo cáo của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú.
Đoàn kiểm tra ghi nhận trên diện tích bị phá ở hai vị trí cây rừng bị triệt hạ có đường kính từ 10-40cm còn nằm tại gốc.
Riêng số lượng cây bị triệt hạ đối chiếu với biên bản kiểm tra hiện trường của Kiểm lâm địa bàn xã Thuận Quý thì phát hiện thêm một số cây rừng đã bị triệt hạ nhưng chưa được đo đếm, thống kê.
Rừng bị phá chủ yếu để chiếm đất. |
Do quy mô vụ phá rừng trái pháp luật vượt khung xử phạt vi phạm hành chính, nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận đã báo cáo Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật thụ lý hồ sơ, truy tìm đối tượng để xử lý theo pháp luật.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh chỉ đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan vì đã để xảy ra vụ phá rừng kéo dài, với quy mô, diện tích bị thiệt hại lớn nhưng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Kiểm lâm địa bàn xã Thuận Quý trong việc tham mưu UBND xã tổ chức giám sát các hoạt động quản lý bảo vệ rừng của chủ rừng; chưa thực hiện tốt việc kiểm tra hoạt động quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn theo quy định của pháp luật, để xảy ra vụ phá rừng kéo dài nhưng không phát hiện ngăn chặn kịp thời.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú được xác lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 10-1996, có diện tích khoảng hơn 11.000 ha được đánh giá là một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới cần được bảo tồn khẩn cấp.
Tại núi Tà Cú, người ta phát hiện một loài thằn lằn núi vằn ngang rất lạ. Quỹ Quốc tế và bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) đã đặt tên khoa học cho loài thằn lằn này bằng địa danh Tà Cú: takouensis.
Tháng 4-2008, Ủy ban IUCN quốc gia Hà Lan quyết định tài trợ nâng cao năng lực bảo tồn và đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Việc làm này cho thấy hệ sinh thái đa dạng ở khu bảo tồn Tà Cú có vai trò hết sức quan trọng, mang tầm ảnh hưởng cả quốc tế.
Theo phân loại của các tổ chức quốc tế, nơi đây thuộc điểm nóng đa dạng sinh học Miến Điện-Đông Dương (Conservation International, 2001).
Tuy nhiên gần đây nạn phá rừng đã liên tục xảy ra ở khu vực này. Một trong những nguyên nhân chính là ngoài việc buông lỏng trách nhiệm của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú thì con đường ĐT.719B đi băng ngang qua bên ngoài khu rừng nên việc phá rừng, chiếm đất đang hết sức nóng bỏng.
Bằng chứng là hai vụ phá rừng vừa nêu, lâm tặc không lấy gỗ đi mà bỏ hết lại hiện trường, chủ yếu là để chiếm đất.
Diện tích rừng ở hai vị trí triệt hạ có dấu hiệu chặt hạ ở nhiều thời điểm khác nhau trên cùng một diện tích theo hình thức nới rộng dần bởi số cây tái sinh chồi có chiều cao nhiều mức khác nhau và mức độ rụng lá của cành nhánh cũng ở nhiều mức khác nhau.
Hình ảnh vụ phá rừng được cho là ở tiểu khu 390. Ảnh BĐ. |
Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, khu vực rừng bị triệt hạ bởi cùng một hoặc một nhóm đối tượng, thời điểm bị triệt hạ khoảng đầu mùa mưa đến tháng 7-2022.
Theo nguồn tin của PLO, ngoài hai vị trí rừng vừa nêu thì hiện đã có một số thông tin, hình ảnh về một vụ phá rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú xảy ra tại Tiểu khu 390, đối tượng rừng đặc dụng.
Địa điểm này nằm trên địa phận xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam) và cũng sát với đường 719B đang thi công. Chúng tôi đã cung cấp thông tin này cho ông Hồ Thiện Đang và người đứng đầu ngành kiểm lâm Bình Thuận cho biết sẽ triển khai kiểm tra ngay.