vĐồng tin tức tài chính 365

EVFTA tạo xung lực mới cho thương mại và đầu tư Việt Nam - EU

2023-02-07 18:56
Hiện 80% cà phê Việt Nam xuất khẩu sang EU là sản phẩm thô do các nhà sản xuất chưa tạo ra các sản phẩm chế biến phù hợp nhất với thị hiếu của thị trường. Ảnh: Đ.T

Hiện 80% cà phê Việt Nam xuất khẩu sang EU là sản phẩm thô do các nhà sản xuất chưa tạo ra các sản phẩm chế biến phù hợp nhất với thị hiếu của thị trường. Ảnh: Đ.T

Lợi ích lớn

Một trong những trọng tâm lớn của ông Giorgio Aliberti kể từ khi nhận nhiệm vụ Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam vào cuối năm 2019 là thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nền kinh tế Việt Nam và EU, mà động lực là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được dự báo gần 7%/năm trong giai đoạn 2020-2025.

Ông Aliberti cho biết, nhờ có EVFTA, EU đã có thể tiếp cận thị trường Việt Nam - một nền kinh tế sôi động với gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh nhất trong ASEAN và một lực lượng lao động năng động, trẻ, dồi dào, đang phát triển nhanh chóng - thuận lợi hơn.

“Trên thực tế, EVFTA đã đặt các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư của EU ít nhất ngang bằng các nhà đầu tư và nhà xuất khẩu từ các quốc gia và khu vực khác đã ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam như ASEAN, Australia, New Zealand, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Mỹ, Hàn Quốc và 11 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”, ông Aliberti nói.

Theo Bộ Công thương, năm 2021, tổng giá trị thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 56,8 tỷ USD, bao gồm 39,9 tỷ USD giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái và 16,9 tỷ USD giá trị nhập khẩu của Việt Nam, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thặng dư thương mại là 23 tỷ USD.

Trong năm 2022, Việt Nam đạt thặng dư thương mại từ EU khoảng 31,8 tỷ USD, xuất khẩu đạt 47,1 tỷ USD - tăng 17,4%; nhập khẩu đạt 15,3 tỷ USD - giảm 9,4%. Theo ước tính sơ bộ, trong tháng 1/2023, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt 3 tỷ USD và nhập khẩu 1,2 tỷ USD, xuất siêu 1,8 tỷ USD.

“Việt Nam đạt thặng dư thương mại đáng kể với EU. Đây là một chỉ số mạnh mẽ cho thấy sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch và thương mại song phương Việt Nam - EU đang tăng trưởng”, Công ty Tư vấn Dezan Shira & Associates cho biết.

Theo Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đối với các thương nhân Việt Nam, lợi ích từ khi EVFTA có hiệu lực còn cao hơn. Về mặt thị trường, EVFTA cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam tiếp cận hơn 450 triệu người tiêu dùng châu Âu có thu nhập khả dụng cao nhất thế giới.

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 85,6% số dòng thuế đã được xóa bỏ hoàn toàn cho hàng hóa Việt Nam. Tỷ lệ này chiếm 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Việc xóa bỏ dần thuế nhập khẩu như vậy đã tạo điều kiện cho sự gia tăng 20%/năm của xuất khẩu Việt Nam sang EU.

Đáng chú ý, theo Bộ Công thương, năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hình thức EUR.1 đạt 7,8 tỷ USD, đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội cắt giảm thuế quan trong EVFTA.

Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, trong 2 năm đầu thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ 27 nước thành viên EU đạt bình quân 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% so với con số trung bình 33,5 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2019. Điều này có nghĩa là nhiều nhà xuất khẩu tại Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc giảm thuế từ EVFTA.

Theo khảo sát gần đây của VCCI về tác động của EVFTA đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, khoảng 40% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đã tận dụng tốt một số lợi ích - trong đó có lợi ích xuất khẩu - do EVFTA mang lại. Điều này phản ánh Việt Nam đã chứng kiến một số cải thiện trong xuất khẩu sang thị trường EU trong hơn hai năm qua.

“Việc bãi bỏ thuế quan song phương và thuế xuất khẩu, cùng với việc cắt giảm các hàng rào phi thuế quan ảnh hưởng đến trao đổi hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại song phương một cách đáng kể. Lợi nhuận xuất khẩu ước tính đạt 8 tỷ euro (8,3 tỷ USD) vào năm 2035 đối với các công ty EU, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự kiến sẽ tăng 15 tỷ euro (15,6 tỷ USD)”, ông Aliberti cho biết.

Vào tháng 9/2022, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP) đã đến Việt Nam lần thứ tư trong vòng 3 năm qua, nhằm đánh giá việc triển khai EVFTA của Việt Nam. Ông khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU tại khu vực và EP luôn ủng hộ tăng cường hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh EU đang triển khai nhiều chính sách hướng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

“EP, bao gồm INTA, sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết trong EVFTA cũng như mở rộng hợp tác trong lĩnh vực phát triển bền vững. EVFTA là nền tảng vững chắc để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Hiệp định đã có tác động tích cực đến cả EU và Việt Nam, với dòng vốn đầu tư và thương mại lớn hơn được ghi nhận”, ông Lange nói.

Triển vọng tích cực

Theo Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (đang chờ phê duyệt từ 15 nước thành viên EU) được kỳ vọng sẽ kích hoạt một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới từ EU vào Việt Nam.

“Các khoản đầu tư từ EU có chất lượng hàng đầu. Các công ty châu Âu mang kỹ năng cao, cách tổ chức tốt nhất và công nghệ hàng đầu thế giới đến Việt Nam. Đầu tư của châu Âu đi kèm với các tiêu chuẩn cao về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc bảo vệ và đào tạo công nhân và nhân viên, cũng như tôn trọng và bảo vệ môi trường”, ông Aliberti nói.

Ông Aliberti cho rằng, đầu tư của châu Âu cho phép Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm tốt hơn, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững. Những tác động lan tỏa này rất cần thiết để các nền kinh tế như Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/1/2023, các nhà đầu tư EU đã đăng ký hơn 26 tỷ USD cho gần 2.250 dự án. Gần đây nhất, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã được cấp phép đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy trung hòa các-bon trên khu đất rộng 44 ha ở Bình Dương. Dự án này sẽ là cơ sở sản xuất thứ 6 của Lego và thứ hai ở châu Á, đồng thời tạo ra khoảng 4.000 việc làm trong 15 năm tới. Dự án được khởi công xây dựng vào đầu tháng 11/2022, dự kiến đi vào hoạt động năm 2024.

Theo Dezan Shira & Associates, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU được dự báo sẽ đạt tầm cao mới khi EU kiên định thực hiện cam kết cắt giảm dòng thuế đối với nhiều loại hàng hóa và mặt hàng của Việt Nam trong 3-7 năm tới. Các nhà đầu tư trong các ngành nên tận dụng tối đa lợi thế về thuế quan theo EVFTA để mở rộng hoạt động kinh doanh và xuất khẩu từ Việt Nam sang EU.

“Tiềm năng đang trải rộng đối với nhiều ngành, bao gồm xuất khẩu cà phê và hạt điều sang EU. Hiện 80% điều và cà phê xuất khẩu là sản phẩm thô do các nhà sản xuất Việt Nam vẫn chưa tạo ra các sản phẩm chế biến phù hợp nhất với thị hiếu của EU. Quan trọng nhất là ngành viễn thông và điện tử khi nhu cầu của EU đối với chất bán dẫn và linh kiện tăng cao trong bối cảnh thiếu hụt đầu vào toàn cầu”, Dezan Shira & Associates cho biết.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, chỉ cần được hưởng mức cắt giảm thuế quan như đã thỏa thuận, EVFTA có thể thúc đẩy GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng lần lượt 2,4% và 12% vào năm 2030, đồng thời giúp thêm 100.000-800.000 người thoát nghèo vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo WB, Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều hơn từ các hiệp định thương mại thế hệ tiếp theo như EVFTA và CPTPP, nếu thúc đẩy một chương trình nghị sự toàn diện về cải cách kinh tế và thể chế để tạo thuận lợi cho tuân thủ các hiệp định phi thuế quan. Những cải cách như vậy sẽ dẫn đến một “cú hích năng suất”, làm tăng GDP thêm 6,8% so với kịch bản cơ sở vào năm 2030.

WB đã nhấn mạnh nhu cầu của Việt Nam trong việc nâng cao năng lực để xử lý một số vấn đề chính, bao gồm quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn vệ sinh động vật, thực vật và giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước.

Trong báo cáo có tiêu đề “Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA” phát hành năm 2020, WB cho rằng, yêu cầu về quy tắc xuất xứ là một trong những thách thức chính mà Việt Nam phải vượt qua. Cụ thể, ngay cả khi một sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu EU có thể không xác định được sản phẩm đó, do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Báo cáo trên cho thấy, trong các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ chốt, phần lớn nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ nước ngoài. WB kêu gọi nỗ lực hơn nữa để cải thiện mối liên kết giữa các nhà cung cấp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài với tư cách là những công ty dẫn đầu trong các chuỗi giá trị toàn cầu lớn.

Đồng thời, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe của châu Âu buộc Việt Nam phải cải thiện tính rõ ràng và nhất quán của các biện pháp vệ sinh. Theo một ước tính, chi phí để tuân thủ đầy đủ các biện pháp phi thuế quan hiện có ở Việt Nam sẽ tương đương với mức thuế 16,6% (so với mức trung bình của khu vực là 5,4%).

Theo kế hoạch 2023, các nhà lãnh đạo, các cơ quan chức năng của Việt Nam và EU sẽ tiếp tục gặp gỡ nhau để tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư song phương, đẩy mạnh việc thực thi EVFTA và phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU.

EVFTA là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một nước đang phát triển. Hiệp định này sẽ loại bỏ lẫn nhau tới 99% thuế quan trong vòng 10 năm. 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được xóa bỏ thuế ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.

Xem thêm: lmth.237413tsop-ue-man-teiv-ut-uad-av-iam-gnouht-ohc-iom-cul-gnux-oat-atfve/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“EVFTA tạo xung lực mới cho thương mại và đầu tư Việt Nam - EU”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools