Sáng 7-2, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức lấy ý kiến về việc xây dựng đề án thu hút giáo viên (GV) tiểu học tại TP.HCM.
Thiếu 3.643 GV tiểu học
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, đã báo cáo về dự thảo đề cương xây dựng chính sách hỗ trợ giáo dục tiểu học tại TP.HCM.
Ông Hoàng cho biết trong năm học 2022-2023, toàn TP có tổng cộng 663.426 học sinh. Theo quy định 35 học sinh/lớp và 1,5 GV/lớp của điều lệ trường tiểu học, tổng số lớp phải có là 18.955 lớp, tương ứng 18.955 phòng học, tổng GV phải đạt là 28.432 GV.
Một tiết học của cô trò Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Bình Tân. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Do đó chỉ tính riêng trong năm học này, TP.HCM thiếu 1.758 lớp học, phòng học; thiếu 3.643 GV, tương đương 12,8% số lượng GV cần có. Điều này có nghĩa là mỗi GV hiện nay phải choàng gánh công việc nhiều hơn 12,8% so với số lượng công việc thực tế mà họ đang đảm nhận.
Nhiều nhà giáo nghỉ việc
Tại buổi lấy ý kiến sáng 7-2, số liệu cán bộ quản lý cũng như GV không còn công tác trong ngành giáo dục cũng được công bố. Số liệu được thống kê trong tháng 12-2022.
Trong ba năm học từ 2020-2021 đến nay, đã có tổng cộng 219 cán bộ quản lý, 2.483 GV rời khỏi ngành giáo dục. Trong đó, nguyên nhân một phần do dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến đội ngũ (39 người), phần khác rời khỏi ngành giáo dục vì đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ (1.181 người), nghỉ việc (1.233 người). Tổng số đội ngũ đã rời khỏi ngành giáo dục so với thực trạng của ngành giáo dục hiện có như sau, cán bộ quản lý chiếm 16,20%, GV chiếm 10,01%.
GV tiểu học thu nhập thấp, làm quá nhiều việc
Số tiết nghĩa vụ của GV là 23 tiết/tuần, kể cả GV chủ nhiệm lẫn GV bộ môn, bên cạnh đó còn phải làm nhiều công việc không tên khác.
Việc tuyển dụng GV gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong ba năm qua số lượng GV nhiều môn tuyển dụng chỉ gần đủ với nhu cầu. Các GV còn lại thiếu nhiều, đặc biệt là GV tin học, mỹ thuật và tổng phụ trách, hằng năm số lượng tuyển dụng chỉ đạt khoảng 10% so với nhu cầu.
Trong đó, nhu cầu tuyển dụng GV ngoại ngữ rất cao, chỉ đứng sau nhu cầu tuyển dụng GV nhiều môn. Tuy nhiên, số lượng GV ngoại ngữ tuyển dụng được chỉ đạt xấp xỉ 25% so với nhu cầu.
Báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM
Theo Điều 8 Thông tư 02 của Bộ GD&ĐT, ở trường công lập, thu nhập từ lương của GV mới tuyển dụng có hệ số lương khởi điểm là 1,86. Do đó, tính tổng thu nhập sau khi đã trừ BHXH thì mỗi GV mới ra trường nhận được khoảng 3,3 triệu đồng. Tuy nhiên, GV còn có những khoản đóng góp bắt buộc khác.
Hơn nữa, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoạt động dạy học buổi 2 trở thành bắt buộc và không còn thu phí, do đó GV các khối lớp thực hiện theo lộ trình sẽ không có được thu nhập từ dạy buổi 2.
Nên duy trì Nghị quyết 03
Chia sẻ thực tế, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho hay ở quận này, so với năm 2021, kinh phí chi hoạt động theo đầu học sinh tiểu học để chi trả tiền lương và tổ chức các hoạt động so với năm 2022 giảm đi rất nhiều, kéo theo nhiều hoạt động phải thu hẹp, không tổ chức.
Do hai năm ảnh hưởng của dịch, quận Gò Vấp không tuyển dụng được viên chức nên phải thuê GV. Các trường trích trong kinh phí hoạt động được cấp theo đầu học sinh để chi trả nên cuối năm tăng thu nhập cho GV quận Gò Vấp giảm đi rất nhiều.
“Nhiều trường không có đồng nào, có trường 2-3 triệu đồng, trường giỏi nhất cũng chỉ được 8-9 triệu đồng. Tôi đề nghị Sở GD&ĐT nên làm việc với Sở Tài chính để tìm hiểu tại sao lại cắt như vậy, những năm trước vẫn đảm bảo tại sao năm nay lại như vậy?” - ông Thanh nêu.
Về giải pháp để hỗ trợ phát triển giáo dục tiểu học, ông Thanh góp ý TP nên tiếp tục duy trì Nghị quyết 03 trong năm 2023. Như vậy, GV thuộc loại xuất sắc sẽ được chi đến 1,8 lần, lương sẽ tăng gấp ba lần. Đây là giải pháp căn cơ nhất. Nếu như TP.HCM không duy trì nổi cho cả bộ máy hệ thống viên chức thì TP nên dành chế độ ưu tiên cho ngành giáo dục và y tế.
Ngoài ra, hiện nay có chính sách cho GV mua nhà nhưng phải trả 50% giá trị căn nhà nên nhiều GV cũng không đủ khả năng, nên chăng có thể tính toán cho họ thuê nhà ở giá rẻ.
Cần xây dựng nghị quyết HĐND hỗ trợ giáo dục tiểu học
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nhìn nhận hiện nay cần phải có chính sách hỗ trợ giáo dục tiểu học để giữ chân và thu hút được đội ngũ GV. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cần phải tập trung về mặt tài chính vì cơ chế rất khó.
Theo Luật Giáo dục, bậc tiểu học không thu học phí trong khi đó các bậc học khác đều thu. Do đó, cần phải cấp bù học phí để các trường có thêm kinh phí hoạt động. Hơn nữa, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc tiểu học học hai buổi/ngày, trong đó hoạt động buổi 2 là bắt buộc không thu phí. Trước đây, bậc tiểu học chỉ học một buổi, nếu học buổi 2 sẽ thu phí và đó cũng là một phần kinh phí cho trường.
Ngoài ra, việc tuyển dụng GV tại các trường rất khó, do đó trường học cần có thêm kinh phí để hợp đồng, đáp ứng chương trình.
Thu nhập của GV mới ra trường chỉ có 3,3 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân của người dân ở TP.HCM. Do đó cần phải xây dựng nghị quyết HĐND về hỗ trợ chính sách giáo dục tiểu học. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí để các trường có đủ điều kiện tăng lương, tăng thu nhập cho GV.