Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, việc các trụ cột tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng trong tháng 1 tiếp tục khởi sắc là thành quả từ nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những thách thức cũng đã xuất hiện ngay trong trong tháng 1 vừa qua khi một số chỉ tiêu có dấu hiệu suy giảm như Chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này tại TP Hồ Chí Minh là giảm 15%. Giá trị xuất khẩu cả nước giảm hơn 20%, TP Hồ Chí Minh giảm 13%.
Lãnh đạo chính quyền thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Để bảo thành mục tiêu tăng trưởng, ngay bây giờ đã cần tính tới các giải pháp ứng phó. Do đó, ngay sau Tết nguyên đán, nhiều giải pháp để khôi phục nhịp sản xuất đã được tập trung triển khai.
Tập trung khôi phục nhịp sản xuất
Ra tận bến xe đón người lao động quay trở lại thành phố để tuyển dụng - hơn 1 tuần nay, gần 40 doanh nghiệp phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh "tiếp thị" việc làm theo cách này. Càng sớm có được lao động, càng nhanh bắt nhịp sản xuất kinh doanh sau Tết.
Thị trường thay đổi, doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng thích ứng, kể cả việc chuyển sang làm những sản phẩm vốn không phải là thế mạnh.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định, chia sẻ: "Mặc dù khó khăn nhưng chúng tôi có bước đi riêng của mình. Chúng tôi đưa ra chủ trương không đi theo sản xuất truyền thống mà đa dạng hoá sản phẩm, hướng tới thị trường trong nước - tiềm năng phục vụ cho kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp".
Hình minh họa.
Theo các doanh nghiệp, hiện thị trường chính đang gặp khó thì cần phải tìm kiếm được thị trường ngách để duy trì sản xuất. Trong lúc một số ngành đang gặp vấn đề thiếu hụt nguyên liệu, việc chủ động tìm kiếm các nguồn nguyên liệu mới cũng đang được doanh nghiệp tích cực triển khai.
Ông Đặng Văn Chung, Tổng Giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam, cho biết: "Tập đoàn vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 5% so với năm ngoái. Đơn hàng của khách hàng cũng đang có những biến động khó lường nên sẽ cố gắng để thực hiện mục tiêu. Thiếu hụt linh kiện điện tử thì đã giảm được 8 phần rồi. 2 phần còn lại vẫn là những nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu khác nhau, thiết kế lại sản phẩm để phù hợp với nguồn linh kiện mới".
Dù khó khăn chung nhưng một số ngành trọng yếu tại Hồ Chí Minh vẫn có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng dương trong tháng 1 như ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng hơn 22%, ngành hóa dược tăng gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc thúc đẩy sản xuất không chỉ đóng góp cho xuất khẩu, mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Theo chuyên gia, 3 động lực cho tăng trưởng kinh tế là Xuất khẩu - Tiêu dùng và Đầu tư cần được tập trung tối đa các giải pháp để thúc đẩy.
Kiềng 3 chân: Xuất khẩu - Tiêu dùng – Đầu tư
Để tạo được thế "kiềng 3 chân" vững chắc làm bệ đỡ cho nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng. Trong lúc động lực "xuất khẩu" đang chịu nhiều tác động từ thị trường thế giới, việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước, doanh nghiệp chuyển hướng nhiều hơn sang thị trường nội địa là giải pháp quan trọng.
Còn với trụ cột "đầu tư", việc cần tiếp tục làm quyết liệt hơn cả là giải ngân vốn đầu tư công.
Sau đây là định hướng giải pháp từ lãnh đạo chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh: Phải tính toán lại nhu cầu cho thị trường nội địa, có những chương trình kích cầu cho tiêu dùng nội địa. Một mặt là doanh nghiệp phải tự thân khai thác nhu cầu nội địa. Mặt khác Nhà nước cần có các chính sách kích cầu tiêu dùng tăng lên. Ví dụ như chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, chúng tôi kiến nghị tiếp tục duy trì chính sách này trong năm 2023 để giá thành cạnh tranh, kích thích được tiêu dùng của người dân.
Ông Phan Văn Mãi, - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh: Tập trung triển khai đầu tư công. Đối với các dự án đã có phân bổ rồi thì các chủ đầu tư đến cuối tháng 2 phải báo cáo lại là kế hoạch triển khai như thế nào để đến cuối năm nay giải ngân xong. Đến tháng 7 nếu không rõ chúng tôi sẽ điều vốn cho dự án khác. Đảm bảo năm nay đạt chỉ tiêu giải ngân đạt 95% trở lên.
Bên cạnh đầu tư công, việc thúc đẩy đầu tư tư nhân cũng có vai trò quan trọng, trong đó tăng cường hỗ trợ vốn vay cho đầu tư sản xuất kinh doanh được nhận định là giải pháp có tính "xương sống". Hiện tại toàn hệ thống ngân hàng cũng có nhiều cách khác nhau để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp…
Hỗ trợ vốn - Giải pháp "xương sống" hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó thách thức
Để tạo động lực tăng trưởng kinh tế mạnh và bền vững, các NHTM phải làm sao đảm bảo cung ứng đủ nguồn vốn do doanh nghiệp, đồng thời duy trì lãi suất vay phù hợp…, có như vậy thì mới hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiệm vụ này cũng tạo nhiều áp lực lên ngành ngân hàng. Chính vì vậy, ngành ngân hàng nói chung và các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng cũng đang nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ của mình là ổn định giá trị đồng tiền…
Theo định hướng tăng trưởng tín dụng 14-15%/năm của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay, các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay ra. Nhiều gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5-2%/năm, quy mô từ vài nghìn tới vài chục nghìn tỷ cũng đang được các ngân hàng triển khai tới nhóm khách hàng mục tiêu.
Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB, cho biết: "Chúng tôi cơ cấu lại danh mục huy động cũng như tiết giảm chi phí. Chúng tôi cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm lãi suất cho vay cũng như cho vay các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi hơn".
Tháng 1 năm nay, dù có tuần nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nước tăng 0,5%. Doanh số cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2% trên địa bàn thành phố đã tăng mạnh so với giai đoạn đầu triển khai, đạt khoảng 35.600 tỷ đồng. Đây được xem là những tín hiệu tích cực từ hoạt động ngân hàng đầu năm.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đang có những diễn biến tích cực trên thị trường tiền tệ cũng như lãi suất. Chúng tôi thực hiện 2 việc: 1 là các gói hỗ trợ DN của Chính phủ và NHTƯ, cái thứ 2 là tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua cải cách hành chính bằng các hành động cụ thể đó để giảm dần lãi vay cho doanh nghiệp. Cái thứ 3 là tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp".
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng như các chuyên gia kinh tế dự báo, khi mà áp lực lạm phát của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu qua đi, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại. Điều đó nhiều khả năng, mặt bằng lãi suất trong nước cũng sẽ giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nói: "Thời điểm giữa năm nay, 2 điều kiện FED ngưng tăng lãi suất, trong nước lạm phạt đã qua đỉnh và trên đà giảm thì CSTT có thể được điều chỉnh theo hướng nới lỏng, hỗ trợ hơn, để mà kéo mặt bằng lãi suất đi xuống".
Theo ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, lãi suất huy động trên thị trường hiện nay đã lập mặt bằng mới. Dù đã giảm từ 0,5-1,8%/năm so với giai đoạn cao điểm quý 4 năm ngoái, nhưng cũng cao hơn tương đối so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay trong tháng 2 này, một loạt các hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp ở cả cấp trung ương và địa phương sẽ được tổ chức để cơ quan quản lý trực tiếp lắng nghe và nắm bắt sát nhất những khúc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó có chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những thách thức sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!