Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, về dòng vốn tín dụng, dư nợ tín dụng đến 30-11-2022 đạt khoảng 2,5 triệu tỉ đồng, tăng 19,44% so với cuối năm 2021. Có thể thấy hiện các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao và là ngành đang có dư nợ lớn.
Các ngân hàng vẫn quan tâm cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. Đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi thì được tổ chức tín dụng cho vay theo đúng quy định.
Khó khăn vướng mắc của thị trường bất động sản tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý, trình tự thủ tục đầu tư, về nguồn vốn trái phiếu. Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, cần nhiều giải pháp đồng bộ, liên quan nhiều bộ ngành.
Về phía ngành ngân hàng, tại chỉ thị 01 ban hành đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cho hay đã đặt định hướng tín dụng trong năm 2023 tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế và không thực hiện phân bổ tín dụng theo ngành, lĩnh vực.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở chính đáng của người dân, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng dành nguồn vốn cho phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật hiện hành, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận, căn cứ khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng và khẩu vị rủi ro của tổ chức tín dụng.
Với khách hàng có dự án/phương án kinh doanh khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ, khách hàng có nhu cầu thật về nhà ở đáp ứng điều kiện vay vốn, tổ chức tín dụng được toàn quyền chủ động xem xét cho vay phù hợp tình hình hoạt động và khẩu vị rủi ro của tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng, cung ứng vốn đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua. Doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền có thể dẫn đến tình trạng 'chết trên đống tài sản'.
Xem thêm: mth.92490828080203202-nas-gnod-tab-ohc-gnud-nit-pac-nav-gnah-nagn/nv.ertiout