vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ 6: Nguyễn Đình Chiểu - con đường hai sắc màu thành phố

2023-02-08 11:51
Kỳ 6: Nguyễn Đình Chiểu - con đường hai sắc màu thành phố - Ảnh 1.

Hàng cổ thụ trăm năm vẫn tỏa bóng trên đường Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh Q.ĐỊNH

Đường Nguyễn Đình Chiều là con đường mỗi phần mỗi phận. Đây cũng là một trong số ít con đường dài của Sài Gòn, gần 4km, đủ sức chuyên chở cả hai thái cực của một thành phố lớn.

Ngược xuôi hơn 50 năm trên con đường này, tôi không quên những vui buồn ở hai thế giới tưởng chừng tách biệt nhưng vẫn hòa hợp như hai sắc hoa tigôn.

Nguyễn Đình chiểu - con đường "áo mơ phai"

Phần kiều diễm của con đường bắt đầu từ kênh Thị Nghè đổ xuống ngã tư Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt cũ). Thuở sinh viên và cho đến giờ, khi đi chầm chậm dưới hai hàng cây xanh xanh êm dịu vào những buổi nắng lên tại đây, không riêng mình tôi bắt gặp hồn thơ Xuân Diệu: "Đây mùa thu tới mùa thu tới, với áo mơ phai dệt lá vàng".

Quả thật, con đường lấp lánh nắng trên mặt đường, trên cành lá và trên những mái ngói nhà cổ. Cây xanh và những ngôi nhà đẹp làm nên ánh sáng và nhạc điệu yêu đời. Hai bên đường vỉa hè rộng, nhà cửa phần lớn là công thự, villa và nhà phố thượng lưu.

Thời Pháp, con đường Nguyễn Đình Chiểu mang tên là Richaud, thành lập những năm đầu thế kỷ 20. Ở số 11 là Trường Bưu điện - một kiến trúc hiền hòa, nối tiếp là dãy nhà Tây hai tầng, từng là nhà công vụ của ngành.

Ôm sát ngã ba Mai Thị Lựu (Phạm Đăng Hưng cũ), ở số 48, có một tòa nhà ba tầng cổ điển uy nghi nhưng nay trông buồn thiu, là phế tích của trụ sở công ty "Brossard & Mopin" - nhà thầu xây dựng chợ Bến Thành. Gần đấy là nhà thờ Franxicô Đa Kao, kiểu dáng thánh thiện, chân phương.

Có một đêm Noel, khoảng 1985, tôi đi xem lễ, ngạc nhiên thấy vị linh mục trích dẫn một phóng sự vừa đăng trên báo Tuổi Trẻ, khi kêu gọi sự thông hiểu và giúp đỡ người nghèo khó. Đây là phóng sự hóa thân điều tra của nhà báo Günter Wallraff, mang tên "Dưới đáy xã hội" viết về cảnh khổ của những người Thổ Nhĩ Kỳ làm thuê tại Đức.

Đoạn đường kế tiếp ở số 27 từng có một dinh thự lớn, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ kiểu, là tổng hành dinh của Hãng Air Vietnam. Năm 1984, lần đầu đi máy bay ra Hà Nội, tôi đến đây trình giấy công tác để mua vé và cũng từ đây đi xe ca đến Tân Sơn Nhất vì thuở ấy xe thường rất khó đi sân bay.

Vào cái thời đời sống sa sút, tôi ngỡ ngàng khi bước vào một tòa nhà văn phòng sang trọng, có máy lạnh chạy suốt, trang trí lịch lãm, nhân viên ăn nói dịu dàng. Bây giờ, rất tiếc tòa nhà tuyệt tác đã "lên trời", nhường cho một trung tâm mua sắm, nhà cửa tạm bợ.

Bên kia đường, ở đầu nhà số 82, có một con hẻm nay chuyển thành đường mang tên là Cây Điệp. Con hẻm chỉ khoảng vài trăm mét nhưng toàn là biệt thự và nhà phố yên ắng, thông ra đường Nguyễn Văn Thủ (Tự Đức cũ).

Đó là "Ngõ hẻm dưới ánh trăng" theo tên của một tập truyện ngắn của nhà văn Áo Stefan Zweig. Một vài ngõ hẻm thơ mộng như thế vẫn còn rải rác bên các biệt thự từ đoạn Phùng Khắc Khoan xuống đến Hồ Xuân Hương như là quà của thượng đế ban cho những đôi tình nhân Sài Gòn xưa làm nơi hò hẹn.

Kỳ 6: Nguyễn Đình Chiểu - con đường hai sắc màu thành phố - Ảnh 2.

Đoạn đầu đường Nguyễn Đình Chiểu vẫn còn dãy nhà Tây công thự ngành bưu điện xưa - Ảnh: Q.Đ

Con đường phong lưu bình dân

Vào khoảng 1951-1952, đô thành Sài Gòn mở rộng về phía Chợ Lớn, hình thành thêm nhiều con đường mới và giao lộ lớn. Vì vậy, con đường Richaud kiều diễm được nối dài, băng qua khu gò mả, vườn tược hoang hóa và đường xe lửa để tiến đến đường Hui Bon Hua (Lý Thái Tổ).

Thợ thuyền tứ xứ và dân quê chạy loạn tụ hội về con đường mới mở, làm nên các xóm lao động có tên mộc mạc là Vườn Chuối, Vườn Bà Bầu, Vườn Bà Lớn…, gọi chung là khu Bàn Cờ. Bám theo con đường đắc địa là hàng trăm con hẻm ngoằn ngoèo - dấu tích của những con lạch nhỏ hay bờ ruộng.

Tôi lớn lên trong một con hẻm đó, hẻm 549, dài sòng sọc, đầu này là đường Phan Đình Phùng, đầu kia là đường Nguyễn Thiện Thuật. Đầu những năm 1960, các con hẻm đều giống nhau, toàn là nhà lá, nhà "cây" (gỗ tạp) và nhà tôn chung vách. Đường hẻm là đường đất, "sang lắm" là đổ gạch đá vụn rồi tráng xi măng.

Mặt tiền đường khi xưa có rất nhiều cửa tiệm nhưng phần lớn cũng là nhà gỗ, ít nhà gạch hay nhà đúc hai ba tầng. Sau này, đời sống khá lên, nhà cửa và chợ búa từ mặt đường đến ngõ hẻm dần dần "thay da đổi thịt". Người trung lưu, khá giả đổ đến nhiều hơn, nhà lầu, nhà lớn đua nhau mọc.

Tuy nhiên, nhiều nhà dân trong sâu, nhất là ở quanh chợ và bên đường xe lửa (nay là Nguyễn Thượng Hiền) nhếch nhác, tuềnh toàng. Sang thế kỷ 21, khung cảnh con đường và con hẻm lại đổi đời, mới mẻ hơn và phong lưu hơn. Xuất hiện "phố đồ cưới" từ tiệm cơm Nam Sơn và tiệm chè Hiển Khánh ra đến ngã ba Lý Thái Tổ.

Con đường bình dân của tôi từ xưa có một số ngôi nhà khá đặc biệt. Đầu tiên phải kể đến nhà số 636 là tư gia của "Quốc trưởng" Phan Khắc Sửu (chức vụ tương đương tổng thống, sau đảo chính 1963).

Ông Sửu là kỹ sư canh nông thời Pháp, tham gia nhóm trí thức chống độc tài. Năm 1970, ông Sửu mất, đám ma có lính danh dự dàn chào đứng kín một đoạn đường. Cháu ngoại của ông cùng học thêm với tôi tại nhà thầy Châu gần đường Lý Thái Tổ.

Đi thêm chục bước nữa, bên kia đường là nhà trẻ Caritas của các dì phước, phía trước có một trạm biến thế còn gắn hàng chữ 1958. Còn nhà số 469, chính là Mini Mart đầu tiên của Sài Gòn, hiện vẫn là tiệm tạp hóa. Bên cạnh, có hai chi nhánh ngân hàng Tín nghĩa và Banque Francais de l'Asie.

Ngày nhỏ, cứ rằm tháng 7, bọn trẻ xóm tôi ra đây để "giựt cô hồn", tranh giành quà bánh và quan trọng là những đồng tiền cắc sáng choang được nhân viên ngân hàng tung ra sau khi cúng.

Đi lên nữa, qua ngã tư Cao Thắng, có một trạm điện thoại công cộng vuông vắn, cũng là nơi bán báo và tem thư. Kế cận có một ngôi nhà 5 tầng là tiệm cho thuê sách Cảnh Hưng, nổi tiếng khắp Sài Gòn.

Đi về hướng chợ Vườn Chuối, ta còn gặp Ảnh viện Viễn Kính, ở số 277, nơi ông cụ Đinh Tiến Mậu thành danh với ảnh chân dung tuyệt đẹp của các tài tử, minh tinh Sài Gòn.

Bao giờ hình ảnh của những con đường và cả Sài Gòn xưa - mới được lưu giữ và tái hiện trong những nhà lưu niệm, bảo tàng chuyên nghiệp, thay vì chỉ giữ trong ký ức và những sưu tập nhỏ sẽ phôi pha theo thời gian?

Con đường "áo mơ phai" với cây xanh rợp bóng và những kiến trúc xinh đẹp, hợp cùng các con đường kế cận như Đinh Tiên Hoàng, Phùng Khắc Khoan, Phan Kế Bính, Mai Thị Lựu (Phạm Đăng Hưng), Nguyễn Văn Thủ (Tự Đức)… từng là một khu dân cư cao cấp, cách không xa khu "đầu rồng" Dinh Độc Lập một thời.

Trước 1975, trên đường Nguyễn Đình Chiểu có cả một số tư dinh - nhà ở của các đại sứ Úc, Nhật, Hàn, Lào và viên chức Pháp.

Với báo chí, đáng ghi nhớ, biệt thự số 55, sau năm 1975 từng là trụ sở của báo Khăn Quàng Đỏ. Ngôi biệt thự có chiếc cổng hình cong cong theo kiểu Tây Ban Nha, là nơi ươm mầm cho những cây bút nhí tập tành viết văn, làm báo.

Còn nhà số 160 nguyên là trụ sở của tạp chí Bách Khoa, tờ báo trí thức số một miền Nam. Cạnh đấy, biệt thự số 152 là nhà của bà Henriette Bùi Quang Chiêu, nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam...

Đinh Tiên Hoàng là con đường rất đỗi thân thương với những ai đã từng học Văn khoa nay là Trường đại học KHXH&NV. Tôi cũng vậy, 20 năm trước, mỗi ngày đến trường tôi đều thư thả ngược xuôi con đường này...

Kỳ tới: Đường xưa và trường xưa thân mến

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 5: Con kinh xưa, nhịp đời nay...Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 5: Con kinh xưa, nhịp đời nay...

Con đường ven kinh Tẻ ngày ngày leng keng tiếng nhạc ngựa. Mặt này đường là con kinh thuyền ghe tấp nập, mặt kia là đầm lầy và đồng ruộng với những chòm xóm thưa thớt...

Xem thêm: mth.28121912270203202-ohp-hnaht-uam-cas-iah-gnoud-noc-ueihc-hnid-neyugn-6-yk/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kỳ 6: Nguyễn Đình Chiểu - con đường hai sắc màu thành phố”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools