Trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường đã chứng kiến lệnh xả hàng ồ ạt trong phiên chiều, khiến VN-Index giảm hơn 23 điểm, xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ tại đường MA20 một cách dễ dàng. Lực cầu gom hàng giá thấp không giúp chặn đà rơi của VN-Index, mà chỉ giúp thanh khoản cải thiện hơn so với 3 phiên trước đó.
Lực bán mạnh trong phiên chiều qua khá bất ngờ khi thị trường đặt kỳ vọng vào Nghị định 65/2022 sửa đổi sẽ được trình Chính phủ trong tuần này, giúp gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, qua đó giải tỏa phần nào áp lực về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Điều này dù không thể giải quyết được dứt điểm những khó khăn của doanh nghiệp địa ốc trong dài hạn, bởi vướng mắc chính của các doanh nghiệp và thị trường bất động sản là vướng mắc pháp lý (chiếm 70%, theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM), nhưng sẽ là liệu pháp tâm lý tốt cho thị trường.
Không chỉ nhà đầu tư trong nước, sau chuỗi mua ròng mạnh liên tục, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã có tín hiệu chốt lời trong phiên hôm qua khi bán ròng về khối lượng, nhưng do mua vào các mã lớn, nên khối ngoại vẫn duy trì giá trị mua ròng, dù chỉ ở mức khiêm tốn.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường đón nhiều thông tin tác động. Ở bên ngoài biên giới, sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, kinh tế Mỹ không suy thoái, tới lượt Chủ tịch Fed, Jerome Powell trong bài phát biểu mới nhất cho biết, lạm phát của Mỹ đã bắt đầu giảm, tạo kỳ vọng cho thị trường về việc các nhà hoạch định chính sách sẽ dừng lại chính sách thắt chặt tiền tệ. Các thông tin này giúp phố Wall có phiên tăng điểm tích cực ngày 7/2.
Ở trong nước, cùng với kỳ vọng Nghị định 65 sẽ được sửa đổi theo hướng mở hơn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp địa ốc và thị trường bất động sản, cũng như nhà đầu tư có thêm hy vọng khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước gỡ khó tín dụng bất động sản. Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong sáng nay 8/2, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị về tín dụng bất động sản với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, cùng các tổ chức tín dụng, các hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản để tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với tín dụng bất động sản.
Những thông tin này tạo tâm lý tích cực cho thị trường chứng khoán khi thị trường mở cửa đã tìm lại sắc xanh sau phiên lao dốc chiều qua. Đà tăng được nới rộng dần, đưa VN-Index trở lại ngưỡng 1.070 điểm. Tuy nhiên, đường MA20 (1.076) bây giờ lại đang đóng vai trò là ngưỡng kháng cự mạnh của VN-Index và phiên sáng nay không một lần chạm lại được ngưỡng này, mà lên mức cao nhất phiên chỉ hơn 1.075 điểm rồi bị đẩy mạnh trở lại.
Lực bán gia tăng nửa cuối phiên, khi VN-Index vượt qua ngưỡng 1.075 điểm kéo theo hàng loạt mã đảo chiều giảm giá, sắc đỏ dần dần lấn lướt sắc xanh và đóng cửa áp đảo hoàn toàn, nhiều gấp 2,8 lần sắc xanh. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ đắc lực từ mã vốn hóa lớn nhất sàn VCB khi tăng 3,7% lên 95.400 đồng (khớp hơn nửa triệu đơn vị), VN-Index vẫn giữ được sắc xanh nhạt khi đóng cửa phiên sáng.
Chốt phiên, VN-Index tăng 1,66 điểm (+0,16%), lên 1.067,5 điểm với 93 mã tăng, trong khi số mã giảm lên tới 260 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 244,9 triệu đơn vị, giá trị 4.235 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 53 triệu đơn vị, giá trị 1.140 tỷ đồng, gấp rưỡi so với phiên sáng qua.
Trong nhóm ngân hàng, VCB đóng hơn 4 điểm cho VN-Index, còn phải kể đến BID với mức tăng 1,8% lên 44.600 đồng, đóng góp hơn 1 điểm cho VN-Index. Trong nhóm này, còn có các sắc xanh khác tại SSB, VPB, TCB, TPB, CTG và TPB, nhưng mức tăng khiêm tốn. Ngoài ra, có SHB và VIB đứng giá, còn lại giảm, nhưng mức giảm cũng nhỏ.
Ngoài VCB và BID, VN-Index cũng nhận được lực đỡ từ SAB và GAS với mức đóng góp tổng cộng 1,4 điểm, trong đó SAB tăng mạnh 3,1% lên 197.200 đồng, còn GAS tăng 0,8% lên 107.200 đồng, nhưng thanh khoản cả 2 ở mức thấp.
Trong nhóm chứng khoán, chỉ có sắc xanh duy nhất tại APG, cùng TVS đứng giá, còn lại đều giảm, dù mức giảm cũng không lớn.
Nhóm thép cũng chỉ còn 3 sắc xanh nhạt, trong đó có mã đầu ngành HPG tăng 0,8% mạnh nhất nhóm, lên 19.900 đồng. Trong khi HSG giảm 2,2% xuống 13.250 đồng, NKG giảm 1,5% xuống 12.950 đồng.
Nhóm bất động sản cũng có sự phân hóa, nhưng sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó đáng chú ý VHM giảm tới 3,5% xuống 45.150 đồng. “Đàn anh” VIC cũng giảm tới 2,2% xuống 53.800 đồng, chỉ có VRE trong họ Vingroup là tăng nhẹ 0,2% lên 28.600 đồng. Riêng 2 mã nhà Vingroup đã lấy đi của VN-Index gần 3 điểm sáng nay.
Trong khi hệ sinh thái Vingroup có giao dịch kém tích cực, thì hệ sinh thái nhỏ hơn là của FIT Group (FIT, DCL, TSC) lại bất ngờ dậy sóng. Nhóm cổ phiếu này lình xình trong biên độ hẹp kể từ đầu năm 2023, thậm chí từ cuối quý III/2022 tới nay, nhưng bất ngờ dậy sóng sáng nay.
“Điểm nổ” đầu tiên xuất phát từ DCL trong phiên giao dịch hôm qua (7/2) khi bất ngờ được kéo mạnh lên mức kịch trần, trong khi FIT và TSC chỉ lình xình. Bước vào phiên sáng nay, cả 3 mã đã cùng nhau khoe sắc tím từ sớm. Tuy nhiên, trước khi bước vào giờ nghỉ trưa, chỉ còn FIT giữ được sắc tím với mức dư mua trần gần 2,7 triệu đơn vị, khớp hơn 1,8 triệu đơn vị. Trong khi đó, TSC đóng cửa chỉ còn tăng 5,7% ở mức 3.700 đồng, có lúc giảm xuống dưới tham chiếu 3.480 đồng, dù mở cửa với mức trần 3.740 đồng, thanh khoản hơn 2 triệu đơn vị, đứng ngay trên FIT. DCL cũng không giữ được mức trần 28.100 đồng khi đóng cửa ở mức 27.800 đồng, tăng 5,7%, khớp khiêm tốn hơn với chỉ hơn 270.000 đơn vị.
Có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE sáng nay là HPG với 10,7 triệu đơn vị, tiếp đến là nhóm tài chính gồm STB (8,7 triệu), VND (6,4 triệu), SSI (5,3 triệu), VPB (gần 5 triệu), SHB (4,2 triệu), xen kẽ đó là NVL (5,2 triệu), PDR (4,2 triệu). Trong các mã này này, ngoại trừ VPB tăng nhẹ, SHB đứng giá, còn lại đều giảm.
Trên HNX, không có được nâng đỡ từ “người khổng lồ” như HOSE nên chỉ số chính của sàn này đánh mất sắc xanh khi chốt phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,59 điểm (-0,28%), xuống 209,41 điểm với 48 mã tăng, trong khi có 89 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28 triệu đơn vị, giá trị 393,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Sáng nay sàn HNX có 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và không có mã nào đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, SHB khớp lớn nhất 6,4 triệu đơn vị, đóng cửa tham chiếu 8.600 đồng. CEO khớp 3,92 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,4% xuống 21.400 đồng; IDC đóng cửa giảm 0,8% xuống 36.900 đồng, khớp 1,33 triệu đơn vị. Hai mã còn lại là PVS và DS3 đứng giá tham chiếu.
Thị trường UPCoM lại có giao dịch tích cực hơn khi giữ được đà tăng khá tốt, không chịu tác động từ sự quay đầu trên 2 sàn niêm yết.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (+0,88%), lên 76,21 điểm với 89 mã tăng và 113 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 13 triệu đơn vị, giá trị 163 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Sáng nay UPCoM chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BSR và C4G (lần lượt là 194 triệu đơn vị, 1,44 triệu đơn vị). Một điểm chung nữa là cả 2 đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó BSR giảm 1,9% xuống 15.900 đồng, còn C4G giảm 5,4% xuống 10.600 đồng.