Lãi suất huy động vẫn có áp lực tăng
Trong tháng đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất tiền gửi có dấu hiệu hạ nhiệt, song mức cao nhất vẫn được “neo” 9,5%/năm cho kỳ hạn dài. Trước đó, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tăng mạnh kể từ tháng 10/2022, lên 9 - 10%/năm, thậm chí có nhà băng còn cộng thêm biên độ ngoài 1 - 2%/năm để cạnh tranh thu hút tiền gửi tiết kiệm trong những tháng cuối năm 2022. Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, có hàng chục nhà băng vẫn niêm yết lãi suất huy động cao nhất từ 9 - 9,5%/năm. Lãi suất huy động 12 tháng trung bình tại các ngân hàng hiện là 8,49%/năm.
Trước áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lạm phát tháng 1/2023, mặt bằng lãi suất tiền gửi ít có khả năng giảm thêm, thậm chí sớm tăng trở lại.
FiinGroup đánh giá, lạm phát trên thế giới hiện vẫn cao so với mục tiêu, nên Fed có khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng thêm lãi suất điều hành và duy trì mức 5%/năm cho đến cuối năm 2023 (cơ quan này vừa nâng lãi suất thêm 0,25%/năm, lên 4,5 - 4,75%/năm), cũng như khó có thể nới lỏng chính sách định lượng, từ đó làm tăng rủi ro suy thoái ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, khi các đợt tăng lãi suất của Fed kết thúc thì lãi suất tiền đồng trong nước mới có thể giảm, có thể là trong nửa cuối năm 2023. Công ty chứng khoán này dự báo, mặt bằng lãi suất sẽ tăng trong năm 2023, nhưng mức tăng không nhiều, với điều kiện có sự hỗ trợ kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước về thanh khoản, cùng với sự điều hành linh hoạt liên quan đến các tỷ lệ an toàn hoạt động và Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp được sửa đổi.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, lãi suất huy động có thể tăng 1 - 1,5%/năm trong nửa đầu năm 2023. Áp lực tăng lãi suất trong nước chủ yếu là do nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn có kế hoạch nâng thêm lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2023, đặc biệt là Fed. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng trong hệ thống năm 2022 gấp đôi huy động, các ngân hàng trong nước có áp lực thu hút tiền gửi nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, nên có thể phải tăng lãi suất.
Ngoài ra, áp lực lạm phát gia tăng kể từ quý IV/2022 và áp lực này hiện vẫn còn lớn. Theo một số dự báo, lạm phát có thể vượt mục tiêu 4,5% trong các tháng đầu năm nay. Do đó, lãi suất đầu vào khó có thể giảm trong thời gian này.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính nhận định, lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng trong 6 tháng đầu năm 2023, sau đó lãi suất có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ.
Lãi suất cho vay không dễ giảm
Mặt bằng lãi suất cho vay 14 - 15%/năm đang quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp, nhưng khó giảm vì lãi suất huy động chịu áp lực tăng.
Lãi suất huy động chịu áp lực tăng nên lãi suất cho vay vẫn còn dư địa tăng. Trường hợp lãi suất huy động tạo đỉnh trong nửa đầu 2023, lãi suất cho vay có thể ghi nhận mức tăng thấp hơn lãi suất huy động và có sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề, phân loại ưu tiên.
FiinGroup cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm trong năm 2023, nhất là khi điểm “nghẽn” về thanh khoản chưa được xử lý. Mặt khác, biến động lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động.
Lãi suất ở mức cao khiến chi phí vốn đắt đỏ, vượt ngưỡng “chịu đựng” của không ít doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp niêm yết, nếu xem xét trên bình diện chung dựa vào tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC) - quý III/2022 chỉ đạt khoảng 9,3%.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, nếu lãi suất không giảm thì đây sẽ là thách thức lớn cho thị trường vốn và mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Các nhà phân tích của VCBS nhìn nhận, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn khi tỷ lệ hoàn vốn nội bộ để thực hiện dự án tăng lên. Đồng thời, rủi ro nợ xấu gia tăng khiến các ngân hàng thương mại sẽ lựa chọn kỹ càng hơn danh mục phê duyệt tín dụng, nhất là bất động sản. Lãi suất cho vay có thể sẽ tăng, nhưng có độ trễ và mức tăng dự kiến thấp hơn lãi suất huy động.
Thời gian qua, chi phí đầu vào tăng đã kéo theo lãi suất cho vay tăng lên 14 - 15%/năm đối với cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãi suất cho vay cao phần nào tác động tiêu cực đến nhu cầu vay mới trong giai đoạn cuối năm 2022 cũng như đầu năm 2023.
Giới phân tích tài chính cho rằng, nếu lãi suất huy động duy trì mặt bằng hiện nay (kỳ hạn dưới 1 năm từ 9 - 10%/năm) thì các doanh nghiệp khó có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển. Bởi lẽ, người có tiền nhàn rỗi sẽ gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và mức lãi hấp dẫn không kém đưa tiền vào các kênh đầu tư khác.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính đánh giá, lãi suất cho vay đang quá cao, làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp đang chọn phương án sản xuất cầm chừng vì càng làm càng lỗ.
Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần kêu gọi, yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí đầu vào để có thể giảm lãi suất đầu ra. Cuối năm 2022, nhiều đã giảm lãi suất cho vay từ 1 - 1,5%/năm, song với áp lực chi phí đầu vào chưa giảm thì lãi vay khó có thể giảm thêm trong nửa đầu năm 2023, dù trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành đầu năm 2023 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm nay, cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc điều hành lãi suất và tỷ giá của cơ quan quản lý trong năm 2023 trước hết là tính toán từ những con số, thông số đó để xác định một chính sách phù hợp, duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá. Nếu như trong thời gian tới có những điều kiện thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất cho vay so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022, thêm một lần nữa tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn.
Về điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, ông Tú chia sẻ, trên cơ sở kết quả tín dụng tăng 14,17% của năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, nhưng sẽ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong đó, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tín dụng được hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, khi chi phí đầu vào giảm dần thì lãi suất cho vay khó có thể duy trì được mặt bằng cao trong thời gian dài. Bởi lẽ, bản thân ngân hàng muốn đẩy mạnh được cho vay cũng phải cạnh tranh về lãi suất. Ngược lại, doanh nghiệp và cá nhân sẽ không sử dụng vốn vay nếu áp lực chi phí đội lên cao. Tuy nhiên, lãi suất ưu đãi sẽ chỉ dành cho doanh nghiệp lĩnh vực ưu tiên.