Trước khi sáng lập Vietyacht, ông Nguyễn Đức Thuận từng là Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của công ty đóng tàu Đông Bắc (Dongbacshin). Tình yêu với “thuyền và biển” khiến ông tiếp tục cuộc hành trình mới với một ngành chưa có đơn vị nào tại Việt Nam thực hiện: Phân phối độc quyền du thuyền.
Cuối năm 2015, Vietyacht thành lập. Sau gần một thập kỷ, ông Thuận trong vai trò Chủ tịch HĐQT của Vietyacht đã đưa những chiếc mẫu du thuyền trong mọi phân khúc đến với khách hàng dọc khắp bờ biển Việt Nam với các thương hiệu Jeanneau, Prestige, Fountaine Pajot, Ferretti Yachts, Pershing và Riva.
Năm 2023 được dự báo vẫn còn nhiều thách thức, ông Thuận tin rằng khó khăn nào cũng sẽ qua và kinh doanh du thuyền vẫn còn những dư địa lớn chưa khai phá hết.
Thị trường du thuyền trong năm qua diễn biến ra sao, thưa ông?
Có một sự tương phản rất rõ ràng giữa thị trường thế giới và trong nước.
Trong khi thị trường thế giới vẫn rất sôi động với lượng đơn hàng không ngừng gia tăng khiến tình trạng khan hiếm vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại, thậm chí có những mẫu du thuyền khách hàng phải chờ đợi đến năm 2026 mới có thể nhận, thì thị trường trong nước lại trầm lắng hơn những năm trước đó.
Với Vietyacht, chúng tôi đã kinh doanh khá tốt trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực của bối cảnh kinh tế. 6 tháng cuối năm, doanh số đã bị suy giảm đáng kể. Số lượng du thuyền được ký không giảm nhiều, nhưng giá trị thì giảm do khách hàng ưu tiên lựa chọn phân khúc tầm trung và bình dân.
Trong năm qua, khách hàng chính của Vietyatch là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, trong khi khách hàng cá nhân đã ít hơn. Do tình hình khó khăn của nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng thắt chặt chi tiêu, các sản phẩm bán ra chủ yếu thuộc phân khúc tầm trung.
Du thuyền ở các phân khúc bình dân, tầm trung và siêu sang khác nhau như thế nào?
Nếu như bạn đã sở hữu ô tô, thì việc sở hữu du thuyền cũng mang tính chất tương tự, nó cũng có sự phân hoá về giá cả, tiện ích.
Bạn có thể sở hữu một chiếc du thuyền bình dân có một phòng ngủ nhỏ với giá từ hơn 2 tỷ đến 7 tỷ. Một mẫu tầm trung với 2 phòng ngủ nhỏ có giá từ 7 tỷ đến 20 tỷ. Một mẫu hạng sang có giá từ trên 20 tỷ đến 100 tỷ, và một mẫu siêu sang trị giá từ 100 tỷ trở lên. Tất cả các con số này là đều là ước tính bởi còn liên quan đến sản phẩm cụ thể mà bạn lựa chọn.
Ngoài ra, giá trị còn phụ thuộc vào thương hiệu. Nếu như bạn sở hữu một thương hiệu phổ thông như Jeanneau với chiều dài khoảng 10m với giá 3 – 4 tỷ, thì bạn phải bỏ ra trên 20 tỷ để sở hữu một mẫu với chiều dài tương tự của thương hiệu Riva, giống như khi làm phép so sánh một chiếc Camry và một chiếc Ferrari vậy.
Khi khách hàng thu hẹp lựa chọn, chiếc du thuyền đắt nhất mà Vietyacht bán được trong năm qua trị giá bao nhiêu tiền?
Giá trị mẫu lớn nhất mà chúng tôi bán ra năm vừa qua khoảng 2 triệu USD (gần 50 tỷ đồng). Dù vậy, thương vụ này là câu chuyện đáng nhớ nhất khi khách hàng lại là một phụ nữ trung niên rất đáng mến. Mọi việc đàm phán, thương thảo diễn ra rất nhanh chóng và hoàn toàn… online!
Việc bán du thuyền không được như mong đợi, còn xu hướng thuê du thuyền thì sao, thưa ông?
2022 là năm mà nhu cầu thuê du thuyền tăng lên rất nhiều, trở thành một xu hướng lớn.
Như bạn biết, ngoài Vietyacht và Luxyacht, chúng tôi còn vận hành 1 công ty con trực thuộc là Vietyacht Club với chức năng cho thuê du thuyền để phục vụ xu hướng này.
Sau 2 năm đại dịch, thói quen của khách hàng đã thay đổi khá nhiều, đa số mọi người đều thích sự riêng tư và trải nghiệm du lịch theo các nhóm nhỏ như gia đình hay nhóm bạn thân… và du thuyền cá nhân chính là sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí đó.
Khi nhiều khách hàng đam mê du thuyền nhưng chưa sẵn sàng hay chưa đủ điều kiện để sở hữu, họ lựa chọn hình thức thuê để trải nghiệm trước. Đây thực sự là một thị trường tiềm năng và có nhiều dư địa để phát triển mạnh trong tương lai.
Trở lại với vụ bán du thuyền online của ông, câu chuyện đó diễn ra như thế nào? Bằng cách nào có thể thuyết phục một khách hàng mới nên sở hữu một chiếc du thuyền?
Kinh doanh trong lĩnh vực này, chúng tôi phải giữ bí mật về những câu chuyện của khách hàng.
Còn nhìn chung, mỗi mặt hàng hay sản phẩm đều có cách tiếp cận bán hàng riêng. Ở Vietyacht, chúng tôi không thuyết phục khách hàng mua du thuyền, mà chúng tôi chỉ cho khách hàng thấy những lợi ích sau khi sở hữu du thuyền. Chúng tôi cũng không gợi ý khách hàng nên chọn mẫu du thuyền nào, mà sẽ tư vấn những mẫu phù hợp nhất với nhu cầu của khách hàng sau rất nhiều câu hỏi và đã nắm đủ mọi thông tin về nhu cầu của khách hàng.
Chúng tôi biết khách hàng luôn có nhiều băn khoăn như: Mua du thuyền về để ở đâu? Bảo trì, bảo dưỡng bằng cách nào? Làm sao để thuê thuyền trưởng?... Vì vậy, Vietyacht xác định hướng đi của mình không đơn thuần là đơn vị phân phối du thuyền chính hãng, mà chúng tôi là đơn vị cung cấp tất cả các dịch vụ liên quan đến du thuyền cho khách hàng.
Mọi khách hàng của chúng tôi chỉ có 2 việc để làm là ký hợp đồng, thanh toán và bố trí thời gian tận hưởng từng khoảnh khắc trên mẫu du thuyền trong mơ của mình. Tất cả những dịch vụ trên sẽ do Vietyacht Club của chúng tôi thực hiện chu tất.
Ông có xây dựng một kênh Youtube và tự mình review các mẫu du thuyền. Tại sao ông không thuê một người đẹp nóng bỏng, mà đích thân Chủ tịch lại làm reviewer?
Bạn có nghĩ là các quý phu nhân sẽ đồng ý cho các quý ông chồng của mình mua du thuyền khi nhìn thấy những hình ảnh nóng bỏng của một cô reviewer nào đó không?
Nói đùa vậy thôi, thực ra, hình ảnh nóng bỏng hiếm khi xuất hiện trên các video hay hình ảnh quảng bá của các hãng du thuyền. Đơn giản vì du thuyền hướng đến sự sang trọng, lịch lãm và dành cho các quý ông, quý bà thành đạt.
Kênh Vietyacht (Du thuyền Việt) mà bạn đã xem chỉ là 1 trong 3 kênh review của chúng tôi thôi. Tôi trực tiếp review vì qua quá trình kinh doanh, tôi nhận ra là khách hàng đa phần mua du thuyền không phải vì mẫu mã hay thương hiệu, mà là vì người tư vấn du thuyền, người không những hiểu tường tận về du thuyền mà còn hiểu rất rõ nhu cầu của khách hàng để có thể tư vấn cho họ mẫu du thuyền phù hợp nhất với nhu cầu của mình.
Nếu xem việc mua du thuyền là một kênh đầu tư, ông đánh giá thế nào về khả năng sinh lời của nó so với những hình thức đầu tư khác?
Với câu hỏi này, chúng ta phải đứng ở những góc nhìn và lăng kính khác nhau, từ góc độ đầu tư về kinh tế hay đầu tư tổng thể (bao gồm kinh tế và đầu tư cho cá nhân). Tuy nhiên, ở lăng kính nào thì tôi cũng cho rằng đây là một lựa chọn đầu tư thông minh cả.
Bởi lẽ, nếu chỉ đơn thuần là đầu tư kinh doanh sinh lời, thì cho thuê du thuyền cũng là một kênh đầu tư khá tốt do chúng ta có thị trường khá lớn và nhu cầu khách hàng ngày càng tăng. Vấn đề là chiến lược kinh doanh của bạn thế nào thôi. Nếu có thể làm cho tỷ lệ lấp đầy đạt 50% thôi thì bạn hoàn toàn có thể thu hồi vốn chỉ trong vòng từ 3 – 5 năm.
Còn về đầu tư nói chung thì lại tuyệt vời hơn nữa. Hãy thử tưởng tượng ra những lợi ích sẽ nhận được. Bạn nghĩ sao khi sở hữu một mẫu du thuyền, vừa có thể phục vụ cho mục đích cá nhân, phục vụ gia đình, bạn bè, tiếp khách, hội họp… lại vừa có thể kiếm lời từ việc cho thuê khi trống lịch?
Ông vừa chia sẻ những bức ảnh cùng tỷ phú Joe Lewis với một cuộc sống trong mơ trên chiếc du thuyền Aviva dài 98 mét trị giá 150 triệu USD. Ông Joe Lewis “vác” du thuyền lang thang khắp thế giới, điều hành 1 tập đoàn đầu tư với hơn 200 tài sản ở 13 quốc gia thông qua 2 cô thư ký trên thuyền và chiếc điện thoại vệ tinh. Đây có thể thấy là phong cách sống của nhiều triệu phú, tỷ phú thế giới. Còn tại Việt Nam, theo quan sát của ông, xu hướng sống của người giàu có giống Joe Lewis không?
Đó là những bức ảnh cũ tôi chụp cùng ngài tỷ phú Joe Lewis năm 2020, khi được lên thăm du thuyền Aviva và đưa ông đi thăm quan một số điểm trên Vịnh Hạ Long.
Ở trong ngành này nhiều năm, tôi thấy đó là một phong cách sống được hình thành ở nhiều triệu phú, tỷ phú trên thế giới. Không khó để thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, cuộc đua sở hữu những mẫu siêu du thuyền thế giới vẫn chưa có hồi kết khi các kỷ lục về độ lớn và độ đắt đỏ liên tục bị phá vỡ sau từng năm bởi loạt nhân vật nổi tiếng.
Còn ở Việt Nam, theo quan sát của tôi, nhu cầu hiện đã có, tuy nhiên vẫn chưa thể thành xu hướng được. Có lẽ cần phải chờ đợi thêm một vài năm nữa, khi nền kinh tế đã phát triển hơn và có sự chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ doanh nhân, khi đó các doanh nhân thế hệ đầu mới có thể dành thời gian để tận hưởng trọn vẹn thành quả lao động của mình.
Ông Joe Lewis cũng được biết đến là tỷ phú yêu Việt Nam và từng muốn hỗ trợ các thành phố biển phát triển ngành kinh tế du thuyền, nhưng dường như ngành kinh tế du thuyền vẫn chưa thể phát triển mạnh ở Việt Nam. Theo ông, ngành này ở Việt Nam đang gặp những rào cản nào?
Việt Nam hội tụ đủ những điều kiện cần để phát triển ngành kinh tế du thuyền, với vị trí địa lý thuận lợi, đường bờ biển dài, phong cảnh đẹp… nhưng như bạn nói, ngành kinh tế du thuyền chưa thể phát triển mạnh được bởi nhiều lí do.
Thứ nhất, chúng ta chưa có chiến lược phát triển đồng bộ, bài bản như các nước. Hiện nay mạnh ai người ấy làm, vướng đâu thì tháo gỡ đó. Bên cạnh đó là cơ chế chính sách, luật, quy phạm ở Việt Nam đều chưa theo kịp với thế giới.
Từ những hạn chế đó, ông mong chờ gì về cơ chế của Chính phủ hay chính sách phát triển hạ tầng của Việt Nam để ngành du thuyền có nhiều cơ hội phát triển hơn?
Không phải chỉ riêng cá nhân tôi, mà tất cả những đơn vị kinh doanh du thuyền, những cá nhân yêu du thuyền đều mong chờ Chính phủ sẽ sớm có những chính sách phù hợp hơn để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế du thuyền.
Cụ thể là tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho du thuyền, khuyến khích đầu tư bến, cho thuê mặt nước tại các vị trí thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư bến và hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho các du thuyền nước ngoài vào Việt Nam cũng như du thuyền tại việt nam xuất cảnh sang các nước lân cận; hay có những chính sách tương đồng với các nước như chấp nhận chứng nhận CE để du thuyền nhập mới về Việt Nam không phải làm đăng kiểm như các phương tiện đóng mới khác; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu và thuế VAT…
2023 là năm mà các chuyên gia kinh tế đánh giá thị trường chung sẽ gặp rất nhiều thách thức. Còn ông định hình thị trường du thuyền sẽ ra sao? Chiến lược của Vietyacht cho năm 2023 là gì?
2023 được dự báo là một năm rất khó khăn, du thuyền lại là ngành kinh doanh xa xỉ nên chắc chắn sẽ gặp không ít thách thức. Chiến lược của chúng tôi là đẩy mạnh phát triển mảng kinh doanh dịch vụ (cho thuê) bên cạnh việc tăng cường chất lượng dịch vụ sau bán hàng và tiếp tục phát triển thương hiệu. Mục tiêu của Vietyacht là cố gắng duy trì được doanh số như 2022.
Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, chúng tôi tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của ngành du thuyền Việt Nam.
Theo dõi các hãng du thuyền trên thế giới, có thể thấy một xu hướng đang rất được quan tâm là dòng du thuyền thân thiện với môi trường, bản thân Vietyacht cũng đã có du thuyền điện. Ông nghĩ gì về xu hướng này và đây có phải một định hướng phát triển quan trọng của Vietyacht?
Theo chân ngành ô tô, du thuyền điện đúng là xu hướng đang phát triển trên thế giới. Thế nhưng, theo tôi trong ngắn hạn nó chưa thể thành trào lưu được vì du thuyền điện vẫn tồn tại nhiều yếu điểm so với du thuyền chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Do vậy, Vietyacht vẫn sẽ ưu tiên đẩy mạnh phân phối du thuyền nhiên liệu hóa thạch, bên cạnh các mẫu du thuyền điện cỡ nhỏ.
Song có một xu hướng mới tôi tin rằng sẽ phát triển rất mạnh trong tương lai không xa, đó là du thuyền chạy bằng nhiên liệu hydro.
Câu hỏi cuối cùng, trước một năm nhiều thử thách, một doanh nhân kinh doanh du thuyền phải đối mặt với những áp lực nào, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng đã là doanh nhân thì không ai không phải đối mặt với áp lực cả. Nhưng đây là ngành xa xỉ, nên có lẽ áp lực lớn nhất là dù trong bất kì hoàn cảnh nào cũng phải luôn duy trì được chất lượng dịch vụ và uy tín với khách hàng.
Xin cảm ơn ông!