Trang Sohu News và The Beijing News tại Trung Quốc đăng lại đoạn video do chàng trai họ Vương đăng trên mạng xã hội. Trong đó, nhân vật chính cho biết chưa có cái Tết nào anh mang bạn gái về nhà ra mắt.
Điều này khiến cho mẹ anh tin rằng đầu óc con trai mình “có vấn đề”.
Với suy nghĩ đó, từ năm 2020, gia đình họ Vương đã hình thành một truyền thống kỳ lạ: mỗi dịp năm mới, mẹ anh đều dẫn anh đi gặp bác sĩ tâm thần.
Ngày 4-2 vừa qua, anh Vương một lần nữa được mẹ dẫn đi khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hà Nam.
Lần này, bác sĩ đã chẩn đoán rằng anh Vương không bị bệnh nhưng mẹ anh mới là người có vấn đề. Cụ thể, bác sĩ cho rằng mẹ anh Vương đang mắc hội chứng “ép con trai cưới”.
Trả lời phỏng vấn trang The Beijing News, anh Vương cho biết anh đã sống và làm việc tại Bắc Kinh hơn 10 năm. Trước đây anh là diễn viên và hiện đang là huấn luyện viên quần vợt.
“Mọi người không nên định nghĩa tôi là một người chưa kết hôn. Tôi chỉ đang rất bận và chưa gặp được đúng người. Mẹ tôi không thể ngủ được vì tôi chưa kết hôn nên tôi khá thất vọng”, anh Vương giãi bày.
Anh cũng thừa nhận phải chiều ý mẹ đi bệnh viện khám để bà yên tâm.
Anh Vương cho biết tại quê nhà anh được xem là “đàn ông lớn tuổi độc thân”. Anh không có đủ tiền để đặt cọc mua căn nhà tại Bắc Kinh, và vì vậy “ai lại muốn cưới tôi”, anh Vương như than thở.
Đoạn video đang lan truyền rộng rãi và đã thu hút hơn 4 tỉ lượt xem, dấy lên cuộc tranh luận về áp lực kết hôn sớm ở quốc gia tỉ dân.
“Những người tùy tiện kết hôn mới là người có vấn đề về tâm thần”, một người dùng Internet bình luận.
“Sao phải xem mình là tội nhân của xã hội khi chưa kết hôn?”, một bình luận khác cho hay.
Tại Trung Quốc vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, khi những người trẻ đang sống ở các thành phố lớn trở về quê nhà, mâu thuẫn thế hệ về việc kết hôn trong các gia đình trở nên gay gắt.
Trong khi nhiều người lớn muốn con cháu họ kết hôn và sinh con sớm, thế hệ trẻ lại muốn lập gia đình muộn hoặc ngại lập gia đình vì nhiều lý do.
Động cơ của người hỏi cũng chỉ là sự tò mò, đâu có ác ý gì. Hơn nữa, cũng chỉ là chuyện phiếm. Chính cách suy diễn và ứng xử của chúng ta khiến mình cảm thấy bị áp lực.
Xem thêm: mth.53374006180203202-ov-yal-auhc-iv-naht-mat-mahk-id-coub-em-ib-iout-83-iart-noc-gno/nv.ertiout