Theo Đài CNN ngày 7-2, dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy tiền tiết kiệm của các hộ gia đình nước này gửi tại các ngân hàng đã tăng lên mức cao kỷ lục là 17.840 tỉ nhân dân tệ (tương đương 2.600 tỉ USD) vào năm 2022, tăng 80% so với năm 2021.
Con số này chiếm hơn 1/3 tổng thu nhập của các hộ gia đình. Trước đại dịch COVID-19, họ tiết kiệm khoảng 1/5 số thu nhập.
Như vậy tiền tiết kiệm của dân Trung Quốc tương đương tổng GDP của 8/10 nước thành viên ASEAN trong năm 2021. Trong đó, GDP của Indonesia là 1.186 tỉ USD, Thái Lan với 506 tỉ USD, Singapore với 397 tỉ USD, Philippines với 394 tỉ USD, Myanmar với 65 tỉ USD, Campuchia với 27 tỉ USD, Lào với 19 tỉ USD, Brunei với 14 tỉ USD.
Bước sang năm 2023, khi các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt đã được dỡ bỏ, người tiêu dùng Trung Quốc có nhiều cơ hội chi tiêu hơn. Từ doanh thu nhà hàng cho tới đặt phòng khách sạn, vé xem phim đều bùng nổ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguồn tiền để dành khổng lồ này của người Trung Quốc sẽ là cú hích cho hồi phục kinh tế toàn cầu.
Bà Swetha Ramachandran và bà Jian Shi Cortesi - hai giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản toàn cầu GAM Investments (Thụy Sĩ) - bình luận tiêu dùng của người Trung Quốc hồi sinh sẽ là "câu chuyện thú vị" đối với các nhà đầu tư toàn cầu trong năm 2023.
"Giờ đây người tiêu dùng Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mở cửa trở lại với năng lực tài chính mạnh", hai chuyên gia nói trên nhận định, đồng thời cho rằng các thương hiệu xa xỉ toàn cầu sẽ hưởng lợi đáng kể.
Theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, hơn 300 triệu khách đã chi tổng cộng 56 tỉ USD trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở nước này (tính đến ngày 27-1), tăng 30% so với một năm trước.
Tổng cục Thuế vụ quốc gia Trung Quốc thông tin doanh số từ các doanh nghiệp hàng tiêu dùng cao hơn 12% so với mức trước đại dịch vào năm 2019.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật tới năm 2021, Mỹ đứng đầu với 23.315 tỉ USD, thứ hai là Trung Quốc với 17.734 tỉ USD.
GDP của Nhật Bản (đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc) là 4.941 tỉ USD, kế đến là Đức (4.260 tỉ USD), Ấn Độ (3.176 tỉ USD)..., Ý (2.108 tỉ USD)..., Indonesia (1.186 tỉ USD)..., Thái Lan (506 tỉ USD).
Việc Trung Quốc mở cửa kinh tế có thể khiến nhu cầu dầu mỏ tăng lên mức kỷ lục, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA.
Xem thêm: mth.72421609180203202-naesa-coun-8-pdg-gnab-couq-gnurt-nad-auc-meik-teit-iug-neit/nv.ertiout