Sáng 8/2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức "Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản". Sự kiện có sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội. Đây là cuộc họp có ý nghĩa quan trọng với lĩnh vực bất động sản và doanh nghiệp bất động sản, sau một thời gian doanh nghiệp bất động sản kêu khó vì tắc vốn.
Trước đó, chiều ngày 6/2, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe về nguồn vốn vay ngân hàng. Ngày 7/2, Bộ Xây dựng có cuộc họp nội bộ về thị trường bất động sản, trong đó có nội dung liên quan đến tín dụng bất động sản.
Mục tiêu của hội nghị là đánh giá tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đánh giá khó khăn vướng mắc đối với tín dụng bất động sản và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chứng khoán, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản.
Mặc dù vậy, không như kỳ vọng, những thông tin mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho thấy trong năm 2022, ngành ngân hàng đã hỗ trợ tín dụng rất nhiều cho bất động sản. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với năm 2021. Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất trong 5 năm qua.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định vẫn tiếp tục hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên mong muốn doanh nghiệp thấu hiểu cho ngân hàng và nâng cao năng lực tài chính, đa dạng hóa nguồn huy động vốn, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Chưa được đáp ứng hết kỳ vọng, nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa trung bình phản ứng khá tiêu cực. Sau cuộc họp tín dụng bất động sản, hàng loạt mã lao đầu giảm mạnh đi ngược lại sắc xanh của Vn-Index.
Kết phiên ngày 8/2, Vn-Index tăng 6.38 điểm (+0.60%) chốt phiên tại 1072.22. VN30-Index tăng 3.88 điểm (+0.36%) lên 1073.38. Toàn sàn có 210 mã tăng giá (trong đó có 10 mã tăng trần), 67 mã đứng giá, 188 mã giảm giá (trong đó có 4 mã giảm sàn).
Thanh khoản sụt giảm 15%. Có hơn 569 triệu cổ phiếu tương đương 10.010 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.
Cổ phiếu bất động sản rơi vào top 10 ngành có chỉ số tiêu cực. Nhóm bất động sản phân hóa rõ, trong đó các cổ phiếu vốn hóa trên trung bình diễn biến kém khả quan hơn các cổ phiếu vốn hóa dưới trung bình. Cụ thể, VIC giảm 1,09%, VHM giảm 0,43%, VRE giảm 0,18%, NVL giảm 2,05%, KDH giảm 0,74%, NLG giảm 2,53%, DIG giảm 0,33%, PDR giảm 3,52%, HDG giảm 1,54%, DXG giảm 1,57%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng và thép bất ngờ tăng nóng. Ngân hàng vẫn chứng tỏ vai trò trụ đỡ, dẫn dắt thị trường.
Chốt phiên 8/2, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen tăng trần (+900 đồng/CP) lên 14.450 đồng/CP. Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng 1.100 đồng/CP lên 20.800 đồng/CP. Trong phiên, có lúc HPG đã chạm trần 21.100 đồng/CP. Cổ phiếu NKG 850 đồng/CP lên 14.000 đồng/CP (tương đương tăng 6,5%) khớp 11 triệu đơn vị. Một số cổ phiếu thép khác cũng dâng lên như TLH, VGS, SMC, POM.
Đáng chú ý, trước đó một số cổ phiếu trong nhóm này trong phiên đã có lúc giảm sâu, như HSG, NKG… nhưng sau đó đảo chiều ngoạn mục khi có lực cầu đột ngột gia tăng mạnh. Sắc xanh sau đó nhanh chóng lan tỏa ra các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán.
Nhóm ngân hàng, sắc xanh áp đảo sắc đỏ, các mã giảm giá là EIB (-2,2%), OCB (-2,7%) và STB (-2,9%). Ngược lại, hàng loạt cổ phiếu lớn như LPB tăng 2,6% lên 13.900 đồng/CP, CTG tăng 2,4% lên 29.900 đồng/CP, VCB mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn đóng cửa phiên 8/2 tại sắc xanh, tăng 2,4% lên 94.200 đồng/CP…
Một lần nữa, cổ phiếu ngân hàng lại thể hiện vị thế của một "cổ phiếu vua"./.
Xem thêm: lmth.70571000042210202-hnam-gnat-gnah-nagn-mohn-aig-tor-nas-gnod-tab-ueihp-oc/nv.semitaer