Hiện dự thảo đề nghị xây dựng luật đang được Cổng thông tin điện tử Quốc hội đăng tải để lấy ý kiến nhân dân đến ngày 15-2.
Chưa có quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính
Về lý do đề nghị xây dựng dự luật, ông Trí cho rằng bản dạng giới là một cảm nhận tự thân của cá thể về giới tính của mình mà chỉ tự họ nhận ra trong quá trình sống.
Bản dạng giới có thể là nữ hoặc nam hoặc không phải nam không phải nữ. Người chuyển giới là người có bản dạng giới không trùng với giới tính sinh học khi sinh ra. Nhiều người chuyển giới có nhu cầu được công nhận bản dạng giới khác với giới tính khi sinh bằng các thủ tục pháp lý hoặc hành chính. Một số người còn có thêm nhu cầu chuyển đổi giới tính bằng cách thay đổi cơ thể thông qua can thiệp y tế.
Theo ông Trí, Bộ luật dân sự 2015 đã nêu rõ cá nhân có quyền được xác định lại giới tính song mới chỉ dừng lại ở việc xác định nguyên tắc "việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật".
Đến nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể để cá nhân có thể chính thức hiện thực hóa quyền này trên thực tế. Đồng thời không có văn bản pháp luật nào quy định về cơ quan có thẩm quyền xác định quy trình, thủ tục công nhận và tiến hành chuyển đổi giới tính; thủ tục, thẩm quyền thực hiện thủ tục và thay đổi giấy tờ, hộ tịch liên quan người chuyển giới...
Ông nêu thêm hiện nay có 72 quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp; có 45/72 quốc gia cho phép chuyển đổi giới tính mà không cần phải phẫu thuật; độ tuổi được phép chuyển đổi giới tính phổ biến là 16 đến 18 tuổi.
Cần coi là một quyền nhân thân cơ bản
Ông Trí cho rằng cần xây dựng dự luật trên cơ sở cụ thể hóa quyền chuyển đổi giới tính tại Bộ luật dân sự năm 2015. Điều này để khẳng định quyền tự xác lập bản dạng giới, chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân, đảm bảo cho họ được sống bình đẳng trong xã hội như mọi công dân với các dạng giới truyền thống thông thường khác.
"Việc xây dựng dự án luật này nhằm đảm bảo nhân quyền hay quyền con người, hội nhập quốc tế và thể hiện sự văn minh của đất nước", ông Trí nêu rõ.
Theo dự thảo đề cương chi tiết, dự án luật gồm năm chương và 27 điều. Ông Trí cũng đề xuất với điều kiện để cá nhân được đề nghị công nhận giới tính mới là đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự và chịu trách nhiệm dân sự của mình; tình trạng hôn nhân độc thân. Không đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích, hoặc không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Trí mong dự án được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (tháng 3-2023).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết hiện ủy ban chưa nhận được hồ sơ dự án luật theo đề nghị của đại biểu Nguyễn Anh Trí.
Theo ông Mai, việc đề nghị xây dựng luật là quyền của đại biểu Quốc hội, tuy nhiên hiện nay các cơ quan chức năng vẫn chưa cho ý kiến nên chưa thể đánh giá cụ thể. Liên quan vấn đề xây dựng các quy định pháp luật về chuyển đổi giới tính của công dân ở Việt Nam, ông Mai nói hiện vấn đề này đang giao Bộ Y tế nghiên cứu thực hiện.
TTO - Theo dự kiến, Luật chuyển đổi giới tính được trình Quốc hội vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, với nhiều lý do, đến nay luật vẫn chưa trình được. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 400.000 người chuyển giới tiếp tục phải chờ đợi.
Xem thêm: mth.13915318090203202-hnit-ioig-iod-neyuhc-ev-taul-oc-taux-ed/nv.ertiout