vĐồng tin tức tài chính 365

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 7: Đường xưa bên ngôi trường thương mến

2023-02-09 14:17
Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 7: Đường xưa bên ngôi trường thương mến - Ảnh 1.

Ngôi Trường ĐH KHXH&NV bên đường Đinh Tiên Hoàng thương mến của tôi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

20 năm trước, mỗi ngày đến trường, tôi đều thư thả ngược xuôi trên con đường xưa cũ này.

Đường phố Sài Gòn: Con đường có ngôi trường thân yêu

Hồi ấy, trước cổng trường ở đường Đinh Tiên Hoàng (trường còn cổng Lê Duẩn nữa) có mấy cô bán đồ ăn vặt và thường hút khách sinh viên. 

Tôi là sinh viên nghèo nên thi thoảng mới dám ra đó mua bịch bánh tráng trộn hoặc cóc ổi gì đó, thường là hùn hạp từ những bạn khác, mua vào ăn chung. 

Trước cổng, đi qua bên kia đường còn có mấy tiệm photocopy với giá cả dành cho sinh viên nên khá đông khách, thu hút người tới lui liên tục. 

Sinh viên thế hệ chúng tôi không quá nhiều sách vở tham khảo, những cuốn giáo trình thường là sách photo chuyền tay nhau.

Tuổi mộng mơ, ngoài việc học tôi còn để ý một bạn tên Q. ở khoa lịch sử. Đó là một cô gái dịu dàng và cũng khá lãng mạn khi vẫn thường làm thơ gửi tôi đọc. 

Cùng quê miền Trung nên tôi và Q. khá hiểu nhau, nhanh chóng đồng điệu cả chuyện văn hóa, lối sống lẫn khát vọng học hành, ước mơ thay đổi cuộc đời từ cánh cổng ngôi trường ở đường Đinh Tiên Hoàng. 

Dù chúng tôi chưa trở thành người yêu của nhau nhưng là bạn chân thành, thân thiết. Đến khi ra trường, bạn có duyên đi học lên cao học, sau đó có chồng con, định cư ở Hoa Kỳ. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc và thường cập nhật về con đường đi học, hàng quán năm xưa cho bạn.

"Trước trường mình chừ có một quán cà phê lớn lắm trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngồi bên quán ngó qua trường đẹp thương mến Q. à". Tôi mới nói chuyện cùng bạn hồi Tết vừa rồi, kịp khoe chiếc quán. 

Q. hứa khi nào về Việt Nam, "tui với ông sẽ ngồi cà phê một buổi ở Nhân văn". 

Hồi trước, cuối tuần chúng tôi thường đi cà phê "bệt" ở công viên 30-4, "tám" đủ thứ chuyện, trong đó có ước vọng tương lai. Có lần, Q. còn nói, chỉ mong có một người thương giống L., tôi chỉ im lặng, có lẽ vì mình chưa quên mối tình đầu.

Còn nhớ, ngày ấy Q. vẫn hay kể cho tôi nghe về quê hương Quảng Ngãi của mình. "Nhà mình gần chỗ mà Bệnh viện Đặng Thùy Trâm sắp được xây", Q. chia sẻ định vị về Đức Phổ trong những ngày mà nhật ký của bác sĩ Trâm được lan tỏa rộng rãi qua trang báo Tuổi Trẻ

Chuyện về nữ bác sĩ - liệt sĩ lúc đó đã thổi hồn vào thế hệ trẻ, tinh thần dấn thân và hy sinh, tình yêu và gia đình, khát vọng về hòa bình giữa thời chiến loạn.

Những tên đất, tên người, tên đường được mọc lên từ chính tên những vị anh hùng dân tộc. Một bệnh viện, một con đường mang tên Đặng Thùy Trâm là sự vinh danh, nhắc nhớ. 

Đinh Tiên Hoàng được trang trọng đặt tên đường trước cổng trường chúng tôi học cũng vậy. Ông là người có công lao lớn trong dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, sáng lập nên triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong nền lịch sử Việt. 

Đinh Tiên Hoàng trở thành vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt sau thời kỳ Bắc thuộc.

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 7: Đường xưa bên ngôi trường thương mến - Ảnh 2.

Đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh bên lăng Ông rợp bóng xanh cổ thụ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dấu xưa còn lại, tình người còn đây

Theo dòng thời gian, đường Đinh Tiên Hoàng từ tháng 8-1975 đến ngày 16-9-2020 nối liền từ quận 1 qua quận Bình Thạnh, bắt đầu từ đường Lê Duẩn đến Phan Đăng Lưu. 

Từ 16-9-2020, đường Đinh Tiên Hoàng chỉ còn từ cầu Bông đến Lê Duẩn, riêng đoạn cầu Bông đến Phan Đăng Lưu được trả lại tên xưa là Lê Văn Duyệt. 

Thực ra, từ năm 1955, đoạn đường này cũng mang tên tả quân Lê Văn Duyệt. Còn trước đó, tên đường là Avenue de I'Inspection (giai đoạn từ 1874 đến 1955), và dân chúng quen gọi là đường Hàng Thị.

Tôi thích tìm hiểu về lịch sử nên cũng hay chia sẻ với Q. những tài liệu mình đọc được về các vị vua, quan, tướng lĩnh thời xưa, cả ở Việt Nam lẫn thế giới. Ôn cố tri tân - đọc người xưa để học, cũng là để biết nay cần và nên làm gì, nhìn thời cuộc ra sao. 

"Thực tế, triều đại nào không giữ được sự liêm chính, không được lòng dân cũng đều sẽ suy vong", Q. thường đọc và nêu quan điểm. Khi đó chúng tôi chỉ mới học năm 2 năm 3 đại học. Dân lịch sử thường sẽ thấy những cái hay từ quá khứ.

Hơn mười năm nay, tôi có thêm một người mẹ. Đó là mẹ nuôi của tôi ở Sài Gòn - là mẹ của một người bạn rất thân của mình. Tôi hay gọi là mẹ Sài Gòn. 

Mẹ hay kể về đường Đinh Tiên Hoàng - Lê Văn Duyệt với kỷ niệm thời mưu sinh khó khăn cho tôi nghe. 

"Mấy chục năm trước, từ ngã năm Bình Hòa, mẹ hay đi xích lô qua chợ Cầu Muối ở phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 lấy đồ la-ghim về bán lại. Lên đó phải đi sớm, có lần xe chở đồ nhiều quá, bác tài xích lô ốm yếu nên đã đâm lật nhào cả xe hàng trên đoạn Đinh Tiên Hoàng, trước sân vận động Hoa Lư", mẹ kể.

Hậu quả mẹ bị gãy tay phải bắt ốc vít và may nhiều mũi do bị thương ở trên đầu nữa. Một mình gồng gánh nuôi ba con luôn là nỗi khó khăn của người phụ nữ góa chồng. 

Con đường khó quên ấy của mẹ còn là đoạn nối từ Lê Văn Duyệt qua chợ Bà Chiểu. Đây cũng là ngôi chợ giúp nuôi lớn các con mình khi mẹ cũng là mối ruột của nhiều hàng la-ghim tại đây. 

Tôi nghe mà thương quá đỗi, biết ơn mẹ vì đã chọn lẽ sống kiên cường để các anh chị tôi hãnh tiến trên đường đời từ đôi quang gánh của mẹ.

Con đường của mẹ, ký ức mưu sinh xuôi ngược nẻo Lê Văn Duyệt - Đinh Tiên Hoàng mỗi sớm mai của mẹ đã khiến tôi thấy con đường ấy trở nên thân quen đến lạ. Có lẽ vì tôi thấy được bóng dáng của mẹ ở mỗi góc đường.

Tôi vẫn hay ghé lăng Ông - tên gọi thân quen mà người dân dùng để gọi khu di tích lịch sử - văn hóa Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt để chiêm ngưỡng kiến trúc, đảnh lễ vị Tổng trấn Gia Định thời vua Gia Long và vua Minh Mạng. 

Sử sách ghi lại, Lê Văn Duyệt mất vào tháng 7 âm lịch năm 1832, an táng tại làng Bình Hòa (nay là phường 1, quận Bình Thạnh). Lăng mộ của ngài được xây dựng và trở thành điểm đến tâm linh, du lịch của người dân, du khách, trở thành Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1988.

Với mẹ Sài Gòn của tôi, "đây từng là sân tập võ của mấy anh chị tôi". Ngày đó, những người con của mẹ được lớn lên trong sự che chở yêu thương như vậy. Mẹ không chỉ khuyến khích con cái học chữ mà còn cho rèn luyện sức khỏe, ý chí tinh thần. 

Dấu xưa còn lại với người mẹ chất phác phương Nam của tôi chính là "ở đó, mấy anh chị em con đã được nuôi dưỡng tinh thần trượng nghĩa, lòng hiếu qua võ học cùng lịch sử người xưa"...

Cầu Bông - nối nhịp hai đoạn đường

Cây cầu được xây dựng lần đầu vào khoảng thế kỷ 18, bấy giờ có tên là Cao Miên. Cầu Bông được nhiều nhà nghiên cứu về Sài Gòn cho rằng sau khi ông Lê Văn Duyệt xây dựng một vườn hoa xinh đẹp gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa.

Về sau, người dân phải đọc trại thành cầu Huê vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa là vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị (triều Nguyễn).

Sau cùng, người dân Sài Gòn đổi hẳn tên cây cầu này là cầu Bông (bông là cách gọi của người miền Nam để chỉ hoa) cho đến nay trên đường Đinh Tiên Hoàng - Lê Văn Duyệt.

***********************

Làm cư dân Nhà Bè mười mấy năm, mỗi ngày xuôi ngược trên đường Nguyễn Hữu Thọ vài bận, tôi chứng kiến con đường mỗi ngày mỗi được "dát vàng". Giá đất tăng cấp số nhân cùng tiến độ mở đường...

>> Kỳ tới: Nguyễn Hữu Thọ - đường thanh xuân hướng biển

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 5: Con kinh xưa, nhịp đời nay...Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 5: Con kinh xưa, nhịp đời nay...

Con đường ven kinh Tẻ ngày ngày leng keng tiếng nhạc ngựa. Mặt này đường là con kinh thuyền ghe tấp nập, mặt kia là đầm lầy và đồng ruộng với những chòm xóm thưa thớt...

Xem thêm: mth.10105001190203202-nem-gnouht-gnourt-iogn-neb-aux-gnoud-7-yk-gnouht-naht-cu-yk-gnuhn-nog-ias-ohp-gnoud/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 7: Đường xưa bên ngôi trường thương mến”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools