Theo số liệu tổng hợp từ Sở Công thương tỉnh nghệ An, hiện đã có 10 cửa hàng xăng dầu bán lẻ đệ đơn xin Sở Công Thương dừng hoạt động với nhiều lý do khác nhau. Lý do các doanh nghiệp đưa phổ biến nhất là thua lỗ kéo dài.
Cụ thể, trong 10 cửa hàng xăng dầu bán lẻ gồm: Cửa hàng xăng dầu Ngọc Vinh (DNTN Ngọc Vinh) ở xã Tăng Thành, huyện Yên Thành; Cửa hàng xăng dầu Kim Hoa (DNTN Xăng dầu Kim Hoa) ở xã Văn Thành, huyện Yên Thành; Cửa hàng xăng dầu Lương thực Yên Thành (Công ty cổ phần Lương Thực Thanh Nghệ Tĩnh) ở thị trấn Yên Thành; Cửa hàng xăng dầu Đồng Tâm Kinh Bắc (Công ty TNHH Xăng dầu Đồng Tâm Kinh Bắc) ở xã Lăng Thành, huyện Yên Thành.
Cửa hàng Xăng dầu Thành Công (Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Vận tải Ngọc Mai) ở phường Quỳnh Thiện, Tx.Hoàng Mai; Cửa hàng Xăng dầu Văn Hương (Công ty TNHH TM và DV Văn Hương) ở xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn; Cửa hàng Xăng dầu Thanh Chiên (DNTN Xăng dầu Thanh Chiên) ở xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ; Cửa hàng Xăng dầu Nghĩa Hồng (DNTN Quế Dung) ở xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn; Cửa hàng Xăng dầu Ngọc Hằng (DNTN Ngọc Hằng) ở xã Châu Khê, huyện Quế Phong; và cửa hàng xăng dầu Hường Liên (DNTN Hường Liên) ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn.
Theo tìm hiểu ở một số cửa hàng kinh doanh lẻ trên địa bàn, kinh doanh liên tục bị lỗ bởi trong bối cảnh nguồn cung gặp nhiều khó khăn, các đầu mối hạn chế bán, đồng thời cắt chiết khấu. Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có sự kiểm soát về giá và chịu sự điều hành, can thiệp của Nhà nước. Việc duy trì chiết khấu cố định hiện không phù hợp, không có động lực cạnh tranh; cửa hàng bán 100 m3 xăng dầu/tháng với người bán 1.000 m3 xăng dầu/tháng đều được trả công như nhau.
Theo bà N.T.T., chủ một cây xăng dầu ở Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nếu trong thời gian tới không cải thiện được mức chiết khấu cho xăng dầu, thì doanh nghiệp cũng khó tiếp tục kinh doanh tiếp được.
Cùng như bà T., ông N.T. D., chủ cửa hàng xăng dầu ở Nghĩa Đàn cũng thông tin, đơn vị lỗ liên tục trong cả năm 2022. Trong thời gian tới nếu không cải thiện được, buộc doanh nghiệp cũng phải rút hẳn kinh doanh mặt hàng xăng dầu này.
Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương Nghệ An cho biết, nguyên nhân chính được các doanh nghiệp đưa ra là do việc kinh doanh xăng dầu thường xuyên thua lỗ. Toàn tỉnh có hơn 20 cửa hàng xăng dầu đã dừng hoạt động sau khi hết hạn giấy phép.
Hiện, Sở Công Thương Nghệ An đang tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chủ động cân đối nguồn cung sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu, nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục, cung cấp đầy đủ xăng dầu cho các thương nhân nhượng quyền thương mại để tránh thiếu hụt nguồn cung xăng dầu ra thị trường.
Rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh về nguồn cung xăng dầu, quản lý, điều hành hoạt động xăng dầu; báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án chỉ đạo, điều hành hợp lý, kịp thời.
Sở tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để làm rõ nguyên nhân các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, kiên quyết xử lý theo quy định; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh xăng dầu.
Minh Tâm