Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Vietnam Airlines tiết lộ tổng tiền lương và thù lao của HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành đang là 9,63 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với cả năm 2021 (8,022 tỷ đồng)
Tiền lương bình quân của HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành của hãng hàng không quốc gia là 67,24 triệu đồng/người/tháng. Thù lao bình quân của HĐQT, Ban Kiểm soát là 10,14 triệu đồng/người/tháng.
Đáng chú ý, người nhận mức tiền lương, thù lao cao nhất HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành là Tổng giám đốc Lê Hồng Hà. Ông Hà nhận gần 1,047 tỷ đồng trong năm 2022, tương đương gần 87,25 triệu đồng/tháng. Mức lương này có tăng nhẹ so với tổng mức lương hơn 987 triệu đồng trong năm 2021.
Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT đứng thứ hai với 875,9 triệu đồng, bằng 88% so với con số cùng kỳ năm 2021 là 993 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng ông Hòa nhận 73 triệu đồng.
Cũng bị giảm lương và thù lao so với năm 2021 như ông Hòa, là 2 thành viên HĐQT Tạ Mạnh Hùng, Lê Trường Giang và Trưởng Ban Kiểm soát bà Nguyễn Thị Thiên Kim nhận cùng mức 737,6 triệu đồng.
Trong khi đó, cùng là Thành viên HĐQT nhưng ông Đinh Việt Tùng và Trương Văn Phước chỉ nhận lương và thù lao 129 triệu/năm.
Những cá nhân xếp sau cùng nhận lương, thù lao 841,7 triệu đồng (tức trung bình trên 70 triệu đồng/tháng) gồm 3 Phó Tổng Giám đốc là Trịnh Ngọc Thành, Trịnh Hồng Quang, Nguyễn Chiến Thắng và Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền.
Các Phó Tổng Giám đốc khác được bổ nhiệm từ ngày 1/5/2022 gồm các ông Lê Đức Cảnh, Nguyễn Thế Bảo nhận cùng mức lương, thù lao là 561,8 triệu đồng/năm.
Trong quý cuối cùng của năm 2022, Vietnam Airlines báo lỗ gần 2.700 tỷ đồng. Đây đã là quý thứ 12 liên tiếp hãng bay này kinh doanh thua lỗ.
Tính cả năm 2022, tổng doanh thu của Vietnam Airlines đạt 70.500 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cả năm 2021 và tương đương trên 70% mức trước dịch năm 2019 nhưng vẫn chưa thể giúp hãng bù đắp được những chi phí tăng mạnh trong bối cảnh giá nhiên liệu bay, tỷ giá tăng mạnh năm ngoái.
Cả năm 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.091 tỷ đồng. Dù vậy, mức lỗ này đã giảm 3.000 tỷ đồng so với năm 2021 và thấp hơn so với kế hoạch đề ra hồi giữa năm.
Đến hết quý IV/2022, Vietnam Airlines ghi nhận khoảng lỗ luỹ kế tăng lên gần 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm khoảng 10.200 tỷ, trong khi đầu năm vẫn dương trên 500 tỷ.
Điều này cũng đẩy cổ phiếu của hãng hàng không này đến bờ vực hủy niêm yết bởi trước đó HOSE đã nhấn mạnh tới khả năng hãng hàng không quốc gia bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Đến hết ngày 31/12/2022, hãng hàng không quốc gia sở hữu 12.316 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó 3.390 tỷ đồng là tiền mặt và khoản đầu tư ngắn hạn. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines lên tới 53.139 tỷ đồng, tức gấp hơn 4,3 lần tài sản ngắn hạn.