Dữ liệu của Bloomberg Economics cho thấy mức đầu tư của doanh nghiệp tại Nga đã tăng 6% trong năm 2022, thay vì giảm tới 20% như các dự báo ban đầu. Đầu tư là vấn đề sinh tồn với các công ty đang phải trải qua "sự chuyển dịch mang tính cấu trúc" của nền kinh tế giữa vòng vây trừng phạt.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết phần lớn doanh nghiệp nước này đã tăng hoặc giữ nguyên mức đầu tư trong năm 2022. Điều này giúp lý giải vì sao GDP Nga chỉ giảm 2% năm ngoái, thấp hơn nhiều so với các dự báo hồi cuối tháng 2 - thời điểm xung đột Ukraine bắt đầu.
Đối mặt với sự thiếu thốn hàng hóa, dịch vụ do các lệnh trừng phạt gây ra, nhiều doanh nghiệp tư nhân mới tại Nga đã xuất hiện. Rất nhiều trong số đó được chính phủ cho vay hoặc trợ giá. Một chương trình cho vay của chính phủ Nga đặt mục tiêu rót 300 tỷ ruble (4,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tại vùng Pskov phía tây nước Nga, một nhà máy được kỳ vọng sản xuất đủ pin để thay thế hàng nhập khẩu. Một công ty hóa chất khác ở Chuvashia lên kế hoạch sản xuất oxy già đủ tiêu thụ trong nước. Gần Moskva, các nhà máy bắt đầu tạo ra thiết bị thủy lực và dược phẩm.
Maria Romanovskaya là một trong những doanh nhân khởi nghiệp đang đợi hỗ trợ của chính phủ. Năm ngoái, cô đã bỏ tiền túi thành lập một hãng mỹ phẩm khi các thương hiệu phương Tây rút đi. Sau đó, cô nộp đơn xin thêm vốn từ chính phủ. Kế hoạch của Romanovskaya là xây thêm nhà máy và chuyển từ sản xuất theo hợp đồng sang phát triển dòng sản phẩm riêng.
"Mảng này được phân bổ số tiền rất lớn. Chúng tôi đủ điều kiện tham gia 2 chương trình hỗ trợ của chính phủ. Và tôi đã nộp đơn một trong số đó", cô cho biết.
Việc nhiều hàng hóa nhập khẩu biến mất đã trở thành một trong những yếu tố thay đổi nền kinh tế Nga trong thời chiến. Tăng trưởng của nước này giờ dựa trên quá trình mà Ngân hàng Trung ương Nga gọi là "công nghiệp hóa ngược". Theo đó, các công ty tìm cách thay thế công nghệ bị chặn tiếp cận do lệnh trừng phạt.
Số tiền mà chính phủ Nga và các doanh nghiệp đang rót vào nền kinh tế cũng phản ánh sự cấp thiết của việc phát triển cơ sở hạ tầng mới cho thương mại. Nga đã phải từ bỏ nhiều tuyến thương mại với thị trường phương Tây mà họ từng mất hàng tỷ USD để xây dựng.
Ví dụ, đại gia khí đốt Gazprom đã phải đầu tư gấp đôi dự tính vì rời bỏ khách hàng truyền thống. Họ có kế hoạch chi tiêu kỷ lục trong năm 2023 để chuyển hướng xuất khẩu sang phía đông.
"Xu hướng đầu tư vào tài sản cố định sẽ còn kéo dài trong vài năm nữa", Tatiana Orlova tại Oxford Economics cho biết.
Lợi nhuận lớn từ giá hàng hóa tăng cao cũng có thể biến khai khoáng thành động lực đầu tư lớn nhất năm nay. Severstal - một trong những hãng thép lớn nhất Nga - gần như giữ nguyên đầu tư. Họ cũng chuyển hướng khỏi các dự án có rủi ro gián đoạn nguồn cung hoặc bị hạn chế xuất khẩu. Năm nay, Severstal đang phát triển công nghệ sử dụng trong khai thác kim loại và các ngành liên quan.
Các ngân hàng quốc doanh Nga, như VTB Bank và Ngân hàng Nông nghiệp Nga cũng đang chi tiền để thay thế phần mềm nước ngoài bằng sản phẩm trong nước.
Dù vậy, cái giá của việc độc lập kinh tế sẽ tăng dần theo thời gian. Rất có thể Nga sẽ phải chấp nhận các sản phẩm đắt đỏ hơn mà chất lượng kém hơn.
Còn với phần lớn công ty, họ giờ phải ưu tiên tồn tại hơn là phát triển. Một khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy trong nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ 25% dự định tăng chi tiêu vốn. Còn với các công ty lớn, tỷ lệ này là 30%.
Sergey Yanchukov – Giám đốc công ty Mangazeya kinh doanh nhiều lĩnh vực từ khai mỏ đến bất động sản – cho biết họ vẫn tiến hành kế hoạch chi tiêu. Nhóm phụ trách về vàng của công ty đã họp vài lần năm ngoái để đánh giá rủi ro và vạch kế hoạch cho tương lai. Kết luận của họ là "cần thiết phải đầu tư".
"Thời kỳ khó khăn rồi cũng sẽ qua. Nhưng các dự án vẫn còn đó và tồn tại trong dài hạn. Vì thế, chúng tôi sẽ không dừng lại", ông nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)