Đây là thông tin được ông Vũ Anh Dũng, Phó phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra tại buổi họp báo định kỳ kinh tế - xã hội TP.HCM vào chiều 9.2.
Thị trường bất động sản năm 2022 "phát triển nhưng chưa ổn định"
Đại diện Sở Xây dựng đánh giá, tình hình thị trường bất động sản ở TP.HCM năm 2022 phát triển nhưng chưa ổn định. Nguồn cung dự án đối với từng phân khúc nhà ở tăng - giảm không đều, cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, của đa số người dân.
Cụ thể, trong năm 2022, thị trường bất động sản TP.HCM có nguồn cung nhà ở so với năm 2021 về tổng số dự án đưa ra thị trường tăng 4,7%, nhưng tổng số căn nhà giảm 34%. Cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo nhu cầu thực tế, thường tỷ lệ phân khúc căn hộ bình dân chiếm tỷ lệ cao nhất, nhưng trong thời gian qua tỷ lệ căn hộ bình dân không có trên thị trường, chiếm tỷ lệ 0%; phân khúc căn hộ trung cấp tăng từ 26% - 30%; phân khúc căn hộ cao cấp giảm từ 74% - 70% nhưng vẫn ở mức cao. Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và cũng là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững.
Theo ông Dũng, để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỷ lệ cao; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp và kể đến là phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ thấp nhất.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết thêm, tình hình kinh tế trên địa bàn thành phố vẫn còn đối mặt nhiều thách thức. Việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng cũng như việc tăng lãi suất huy động và phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây, đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh "khó khăn", thanh khoản thị trường thấp, nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại, gây lãng phi nguồn lực cho xã hội.
"Dự báo thị trường bất động sản năm 2023 sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn, thách thức, sẽ có sự điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung - cầu, hiện đang có xu thế lệch về phía phân khúc bất động sản trung cấp", ông Dũng cho hay.
Căn hộ dưới 2 tỉ đồng ở TP.HCM đã biến mất
Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá tình hình kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP.HCM thời gian qua phát triển nhưng thiếu bền vững, tinh thanh khoản kém, giá bất động sản vẫn ở mức cao, chưa thể đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đại đa số người dân có thu nhập thấp và trung bình.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý vĩ mô, điều hành của Chính phủ và các bộ ngành, quản lý nhà nước tại TP.HCM đã tương đối có hiệu quả, dần đi vào ổn định.
Phải rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở
Bàn về các giải pháp ổn định thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông Dũng thông tin, đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của TP.HCM, sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở.
TP.HCM đang ban hành các quy trình thủ tục đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án chung cư cấp D (chung cư cũ xuống cấp) trên địa bàn. Dự kiến quy trình thủ tục đối với hồ sơ dự án nhà đất thương mại sẽ tạo sự minh bạch, rõ ràng trách nhiệm của các sở ngành, trong việc tham mưu trực tiếp các dự án đầu tư xây dựng.
Sở Xây dựng tiếp tục rà soát các dự án bất động sản ở góc độ pháp lý, bên cạnh đó tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối vành đai 2, vành đai 3, kết nối TP.HCM với các vùng kinh tế phía nam.
TP.HCM tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, các dự án bất động sản vi phạm về xây dựng, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình...