Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ Dự thảo lần 2, sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, vấn đề quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các đại lý bán lẻ xăng dầu một lần nữa được đưa ra bàn thảo.
Hiểu đơn giản, chiết khấu là khoản tiền mà doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ tính trên mỗi lít xăng, lít dầu. Hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau trước đề xuất nên hay không quy định mức chiết khấu tối thiểu này.
Trên thực tế, thời gian qua, khi thị trường xăng dầu khó khăn, có thời điểm mức chiết khấu giảm về 50 đồng/lít, thậm chí là 0 đồng/lít xăng. Chiết khấu bằng 0 tức không có hoa hồng, giá nhập vào bằng giá bán ra, doanh nghiệp bán lẻ sẽ lỗ các khoản chi phí vận hành.
Tại dự thảo, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu, để các doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau; Phương án 2 là quy định mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu.
Góp ý vào dự thảo, Bộ Tài chính và VCCI đề xuất lựa chọn phương án thứ 2.
"Việc xác định mức chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu phụ thuộc vào mức chiết khấu của hệ thống, số lượng khâu trung gian trong phân phối kinh doanh xăng dầu, cung cầu thị trường…. Do đó cần xem xét cơ chế quy định thù lao tối thiểu cho cửa hàng bán lẻ", ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng: "Cần phải tính toán để quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng bán lẻ. Bởi vì khi giá cả lên xuống, có nhiều lúc chi phí tăng cao khiến cửa hàng bán lẻ khó tiếp cận được nguồn mua".
Hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau trước đề xuất nên hay không quy định mức chiết khấu tối thiểu xăng dầu. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, theo các thương nhân đầu mối, khi đưa mức chiết khấu cố định vào cơ cấu giá cơ sở sẽ làm tăng giá xăng dầu. Bên cạnh đó, khi thị trường gặp vấn đề, không có sự chia sẻ giữa các khâu trong hệ thống phân phối, các khó khăn sẽ dồn hết đến các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Do vậy, điều quan trọng là sửa đổi công thức tính giá xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Toàn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cho biết: "Nếu chúng tôi nhập về còn cao hơn cả giá bán ở cây xăng thì chúng tôi lấy nguồn lực ở đâu để chiết khấu cho khâu bán lẻ? Khi giá bán được phản ánh đầy đủ tất cả các chi phí tạo nguồn từ giá mua, các chi phí phát sinh trong quá trình… thì mặc nhiên bán lẻ sẽ có chiết khấu".
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Nghị định không nên quy định cứng mức chiết khấu tối thiểu, mà để các doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau về mức chiết khấu.
"Khi đại lý ký kết hợp đồng làm thương nhân cho một doanh nghiệp đầu mối nên có điều khoản quy dịnh mức chiết khẩu tối thiểu. Nên có một sự ràng buộc để đỡ sự chèn ép, đặc biệt khi một đại lý chỉ được lấy từ một nguồn hàng", PGS, TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để thực hiện việc tự thỏa thuận giữa các doanh nghiệp là phải sửa đổi quy định các cửa hàng bán lẻ phải được nhập từ nhiều nguồn khác nhau, thay vì chỉ từ một nguồn như hiện nay, để lựa chọn được nguồn có mức chiết khấu tốt nhất, thúc đẩy hơn nữa yếu tố thị trường trong điều hành xăng dầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.36290305001203202-uad-gnax-ueiht-iot-uahk-teihc-cum-hnid-yuq-ev-neik-y-ueihn/et-hnik/nv.vtv