Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, kế hoạch tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2023 sẽ tương tự năm trước nhưng sẽ bắt đầu sớm hơn. Các trường ĐH vì thế cũng đã sớm công bố phương án tuyển sinh cụ thể, thậm chí đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển ngay từ tháng 2 để tranh thủ nguồn thí sinh (TS).
Xét tuyển ĐH không cần đủ điểm lớp 12
Từ ngày 6-2, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM bắt đầu đợt nhận hồ sơ xét tuyển ĐH chính quy lớn nhất năm 2023 theo phương thức xét học bạ đối với 36 ngành học. Thời hạn nhận hồ sơ đến hết ngày 15-5.
Công tác tuyển sinh ĐH, cao đẳng giáo dục mầm non năm nay sẽ được giữ ổn định như năm 2022. Bộ cũng không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Việc này nhằm tạo sự ổn định, giúp TS yên tâm chuẩn bị tốt cho kỳ thi và tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong suốt quá trình tuyển sinh, từ đăng ký xét tuyển, đóng lệ phí, lọc ảo… Tuy nhiên, bộ sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật, giao diện… trên phần mềm của hệ thống tuyển sinh chung để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đăng ký xét tuyển của TS.
PGS-Tiến sĩ NGUYỄN THU THỦY, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT)
Được biết năm nay trường dự kiến tuyển sinh đến hơn 5.000 chỉ tiêu tại cơ sở chính TP.HCM, Phân hiệu Gia Lai và Phân hiệu Ninh Thuận.
Trong đó, chỉ tiêu xét học bạ chiếm khoảng 30%-40%. Cụ thể ở đợt nhận hồ sơ này, với cơ sở chính tại TP.HCM, trường chỉ nhận hồ sơ của những TS tốt nghiệp THPT năm 2023. Trường sẽ dựa trên điểm trung bình môn của năm học kỳ bậc THPT (trừ học kỳ 2 của năm lớp 12). Điểm của mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 6,0 trở lên.
Còn tại Phân hiệu Gia Lai và Phân hiệu Ninh Thuận, trường xét tuyển TS tốt nghiệp cả năm 2023 (theo năm học kỳ) và từ năm 2022 trở về trước (theo sáu học kỳ). Tổng điểm của ba môn theo tổ hợp môn phải đạt từ 18 điểm trở lên.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã xét tuyển bằng học bạ đợt 1 từ cuối tháng 1-2023. Được biết trường dành đến 53% trong gần 10.000 chỉ tiêu của trường cho xét học bạ, trong đó 35% tính điểm học bạ ba học kỳ, không cần học kỳ 2 của lớp 12.
ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu trường, cho biết sau chỉ hơn một tuần đã có hơn 200 hồ sơ đăng ký, chủ yếu TS chọn xét học bạ theo điểm trung bình ba học kỳ (hai học kỳ của năm lớp 11 và học kỳ 1 của năm lớp 12) vì hiện tại gần như tất cả trường THPT cả nước đều hoàn tất cột điểm của học kỳ 1.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 từ ngày 1-2. Điều kiện TS phải có tổng điểm trung bình ba học kỳ (một học kỳ của lớp 10, một học kỳ của lớp 11 và một học kỳ của lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên. TS được chọn điểm cao nhất trong hai học kỳ của mỗi năm học.
Cần nhiều điều kiện để trúng tuyển
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, kế hoạch tuyển sinh ĐH năm 2023 dự kiến sẽ triển khai sớm hơn để các trường có thể bắt đầu kế hoạch năm học mới từ tháng 9. Do đó, dự kiến trong tháng 2, bộ sẽ công bố kế hoạch tuyển sinh năm nay.
Theo Bộ GD&ĐT, năm nay các cơ sở đào tạo tiếp tục được công bố và thực hiện xét tuyển sớm như năm 2022.
Học sinh Trường THPT Gia Định (TP.HCM) tìm hiểu và đặt câu hỏi với các trường đại học tại một ngày hội tư vấn tuyển sinh. Ảnh: P.ANH |
TS vẫn được tham gia xét tuyển sớm ở nhiều ngành, nhiều phương thức khác nhau tại các cơ sở đào tạo và được các cơ sở đào tạo công bố kết quả trúng tuyển sớm (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) nhưng kết quả này chỉ là tạm thời. Khi đó, dữ liệu TS trúng tuyển sớm sẽ được đưa hết lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT để thực hiện lọc ảo chung.
Sau đó, bộ sẽ quy định một khoảng thời gian nhất định để TS thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống chung của bộ thông qua tài khoản cá nhân đã được cấp trước đó. Việc này sẽ bắt đầu khi TS đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy lưu ý khi đăng ký xét tuyển lên hệ thống, các em được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào nhiều trường, nhiều ngành nhưng cần sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức độ ưu tiên nhất. Vì khi phần mềm chạy lọc ảo, các em chỉ trúng một nguyện vọng duy nhất và cao nhất.
TS chỉ được công nhận trúng tuyển chính thức khi thực hiện đúng quy trình của Bộ GD&ĐT, như được công nhận tốt nghiệp THPT, có đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT theo đúng quy định và đạt điều kiện xét tuyển của các cơ sở đào tạo, xác nhận nhập học trên hệ thống…
Tăng xét tuyển học bạ
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022 có đến 20 phương thức xét tuyển ĐH được các cơ sở đào tạo sử dụng. Trong đó có tới 90% các trường vẫn xét tuyển theo hai phương thức là học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT.
Còn năm 2023, qua thống kê phương án tuyển sinh dự kiến từ các trường, nhiều trường giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng xét tuyển học bạ và xét tuyển bằng điểm thi tuyển sinh riêng.
ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay dự kiến tăng chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức lên đến 45%, còn lại dành cho xét tuyển bằng ưu tiên xét tuyển, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ...
Trường ĐH Kinh tế quốc dân chỉ dành 25% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, 70% xét theo đề án riêng của trường.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chỉ chiếm 25% chỉ tiêu, 70% xét học bạ THPT.
Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM tuyển 855 chỉ tiêu. Trong đó, xét học bạ chiếm chỉ tiêu nhiều nhất với 50% và 30% xét điểm thi tốt nghiệp THPT.