4h50' sáng 17/4/2003, Frances Choy, 17 tuổi, gọi 911 để thông báo về vụ hỏa hoạn tại nhà riêng trên phố Belair ở Brockton, Massachusetts. Lính cứu hỏa đã giải cứu Frances khỏi cửa sổ phòng ngủ ở tầng hai. Cháu họ 16 tuổi của cô, Kenneth, cũng được giải cứu khỏi phòng ngủ.
Frances nói với lính cứu hỏa rằng cha mẹ cô, bà Anne, 53 tuổi và ông Jimmy, 64 tuổi, hai người nhập cư Hong Kong, cũng ở trong phòng ngủ trên tầng hai. Khi nhân viên cứu hỏa tiếp cận, cả hai mất phản ứng do tiếp xúc quá lâu với nhiệt và khói. 4 thành viên trong gia đình được cấp cứu. Bà Anne ngay sau đó đã chết.
Cảnh sát thẩm vấn Frances và Kenneth ngay khi đang nằm trên giường bệnh và được điều trị bằng bình thở oxy. Trong khi đó, ông Jimmy được chuyển đến bệnh viện ở Boston trong tình trạng nguy kịch.
Ngay khi xuất viện, Frances đòi đi thăm cha nhưng bị cảnh sát tiếp tục thẩm vấn cô thêm 40 phút. Chiều hôm đó, Frances ngồi giường bệnh của cha khi ông trút hơi thở cuối đời.
17h55' cùng ngày, cảnh sát lại yêu cầu cô tới đồn cảnh sát để tiếp tục làm việc. Cô nói không muốn nhưng do nhà cửa đã bị cảnh sát khóa nên đành đến. Frances tiếp tục bị thẩm vấn đến quá 23h nhưng không được ghi âm hay quay hình ảnh.
Cảnh sát cũng tìm thấy hai mảnh giấy dưới gầm giường của Kenneth, ghi chi tiết kế hoạch mua xăng, rải khắp nhà rồi châm lửa đốt. Cậu ta phủ nhận mọi liên quan song về sau nói "một đứa trẻ da đen ở trường" đã đưa cho nội dung này và bắt chép lại nhiều lần, nếu không muốn gặp xui xẻo, một trào lưu phổ biến thời đó.
Khi cảnh sát hoài nghi, Kenneth lại thừa nhận viết những ghi chú này,nhưng không có ý định giết ai. "Hay là cậu hành động cùng ai nữa?", cảnh sát gợi ý. Kenneth khai đây là kế hoạch của Frances.
Theo đó, cậu ta thức giấc bởi tiếng động và thấy Frances ở tầng hầm với những bình chứa đầy xăng. Do từ chối giúp cô, cậu ta chạy vào phòng và khóa cửa. Frances trong khi đó tiến vào phòng khách với một bình xăng, tẩm xăng lên sofa, cầu thang và cửa nhà. "Khi tôi khóa trái cửa trong phòng, bỗng nghe tiếng "phù", tiếng lửa bùng lên, vài phút sau, ngôi nhà ngập lửa khói", Kenneth khai.
Cảnh sát để Kenneth và Frances đối chất song cô phủ nhận sự liên quan. Cả hai đều bị bắt. Frances bị cáo buộc hai tội danh Giết người và một tội danh Đốt phá. Kenneth bị cáo buộc 2 tội danh Giết người.
Trong phiên tòa mở tại quận Plymouth ngày 8/1/2008, bên công tố cáo buộc Frances coi cha mẹ là gánh nặng tinh thần, do ngăn cấm tình yêu của cô và bạn trai. Frances giết cha mẹ vì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ 100.000 USD để sống cùng người yêu.
Cáo trạng chủ yếu dựa vào lời khai của các sĩ quan cảnh sát, của Kenneth và các lính cứu hỏa, nhận định tại hiện trường. Frances được miêu tả "cực kỳ lạnh lùng, bình tĩnh". Cảnh sát cũng đặt nghi vấn với vết xăng dính ở quần Francis, điều cô không thể giải thích.
Cảnh sát cáo buộc, trong quá trình thẩm vấn cô đã nhận tội nhưng lại rút lại. Cuộc thẩm vấn không được ghi âm do cảnh sát giải thích "không có thiết bị nào".
Song giám định pháp y cho thấy, chỉ có dấu vân tay của Kenneth trên các tờ giấy viết tay. Dấu vân tay của Frances không có trên các chai nhựa chứa xăng hoặc các vật phẩm khác. Thực tế quần cô không dính xăng.
Chuyên gia phòng Điều tra phòng cháy và chữa cháy của cảnh sát bang Massachusetts nói ngọn lửa bùng lên trong một tấm đệm ở tầng hầm, không phải ở phòng khách. Sofa, cầu thang đều không có xăng như lời Kenneth nói, thậm chí không bị hư hại.
"Có một chiếc khăn ướt cuộn trước khe cửa phòng của Kenneth, tôi suy luận, chiếc khăn có thể được đặt ở đó để ngăn khói vào phòng anh ta", chuyên gia cho hay.
Sau bảy ngày xét xử, Tòa án đã tuyên bố hủy phiên tòa, do bồi thẩm đoàn không thể đạt được một phán quyết thống nhất.
10 ngày sau, 25/1, Kenneth bị xét xử, nhưng được bồi thẩm đoàn tuyên trắng án. Cậu ta được trả tự do lập tức.
Các luật sư của Frances lên án mạnh mẽ phán quyết vì công tố đã đưa ra cáo trạng theo hướng Frances hành động một mình, do đó thay đổi bản chất vụ án. "Với cáo trạng này, bồi thẩm đoàn không khác gì bị che một bên mắt", luật sư chỉ trích, nộp đơn xin tái thẩm vụ Kenneth, song bị tòa bác.
Frances ra tòa lần thứ hai vào tháng 1/2011, trở thành nhân chứng chống lại Frances. Song phiên tòa này cũng không khá hơn. Bồi thẩm đoàn tiếp tục không thể đưa ra thống nhất, sau 5 ngày nghị án. Phiên tòa tiếp tục bị hủy.
Cô ra tòa lần thứ ba vào ngày 2/5 cùng năm. Hai công tố viên John Bradley và Karen O'Sullivan cho hay Kenneth đã bay về Hong Kong với mẹ, giữ nguyên các lời chứng trước đó. Lần này, cô bị tuyên có tội, nhận án tù chung thân không ân xá.
Năm 2012, Tòa án Tối cao tuyên bố việc tuyên bản án chung thân không ân xá với trẻ vị thành niên là vi hiến. Vụ án của Frances do đó được hồi tố.
Năm 2015, trong khi luật sư của Frances, John J. Barter, đang chuẩn bị thủ tục kháng cáo xin giảm nhẹ cho thân chủ, ông bất ngờ phát giác các email giữa hai công tố viên John Bradley và Karen O'Sullivan với những nội dung phân biệt chủng tộc nặng nề với Frances, gia đình cô và người châu Á nói chung.
Một cuộc chiến pháp lý nảy lửa xảy ra sau đó. Biện lý quận Plymouth, trước sai phạm của cấp dưới, đã quyết định thuê một công ty điều tra độc lập, đánh giá chi tiết hơn 380.000 email và tệp đính kèm do 2 công tố viên John Bradley và Karen O'Sullivan gửi và nhận trong khoảng khoảng 11 năm đổ lại.
Mùa xuân năm 2019, họ lật tẩy hàng trăm trang email và các tài liệu khác của hai người này, ngập tràn những lời đùa cợt, miệt thị người châu Á, thậm chí còn nói rằng Frances và Kenneth loạn luân. Những lời lẽ khiến cấp trên của họ cũng phải sửng sốt.
"Chúng tôi thừa nhận hai công tố viên kỳ thị chủng tộc. Email của họ chứng minh điều đó. Thật đáng trách. Chúng tôi không dung túng họ theo bất kỳ cách nào", vị biện lý cho hay.
Theo ông, sự kỳ thị của các công tố viên đã hình thành nên một bản cáo trạng không khách quan, khắc họa bị cáo vô cảm, tàn nhẫn, sống vật chất. Cáo trạng cũng lược bỏ hết các bằng chứng có lợi cho Frances.
Nó không đề cập sự thật rằng Kenneth sử dụng và phân phối ma túy lẻ trong trường, từng bị phạt tù. Trong luồng mail, hai công tố viên cũng trao đổi kỹ về việc sẽ che đậy thông tin này thế nào. Việc Kenneth vắng mặt trong phiên tòa thứ ba, có thể cũng nằm trong sắp đặt.
Một sĩ quan nghỉ hưu của đồn cảnh sát Brockton cho hay, cơ quan có máy ghi âm phục vụ lấy lời khai, song đồng nghiệp lại khai trước tòa là không có. Chi tiết này cũng bị hai công tố viên bỏ khỏi hồ sơ vụ án.
Họ cũng cung cấp cho các luật sư của Frances hồ sơ của cảnh sát chứa nhiều thư tố cáo Kenneth buôn ma túy, song cảnh sát và công tố viên thỏa thuận không đưa ra. Đây có thể là một động cơ gây án "quàng" vào cổ Kenneth, người ngay từ đầu được trắng án.
Khi cuộc chiến của luật sư Barter ngoài song sắt trở thành cơn "địa chấn", trong tù, Frances vẫn miệt mài học hành. Cô lấy bằng GED (bằng tốt nghiệp trung học), sau đó đỗ ngành Xã hội học của đại học danh tiếng Boston Metropolitan, tốt nghiệp hạng ưu tú. Tiếp tục giết thời gian trong tù bằng cách học hành, Frances dành 5 năm học huấn luyện chó cho tổ chức từ thiện trợ giúp các thương binh Mỹ, American VetDogs.
Ngày 17/9/2020, Tòa án Tối cao tuyên hủy bản án của Frances. 12 ngày sau, Biện lý Quận Plymouth đã bác mọi cáo buộc với Frances. Cô gái 17 tuổi chính thức được minh oan và trả tự do, sau 17 năm ngồi tù oan.
Luật sư của cô cho hay, đây là vụ án giết người đầu tiên của Mỹ bị hủy án xuất phát từ lỗi phân biệt chủng tộc của công tố viên. Frances là người châu Á đầu tiên kháng cáo thành công ở bang này. Nhưng cô đã phải đánh đổi quá nhiều, một nửa cuộc đời trong tù.
"Tôi nhẹ nhõm và như được sống lại thêm một lần, nhưng cha mẹ đã chết. Tôi nhớ họ từng ngày", Frances nói, hy vọng vụ án oan của cô thúc đẩy một cuộc cải cách tư pháp có ý nghĩa.
Công tố viên John Bradley nghỉ việc tại văn phòng công tố quận Plymouth năm 2012, trong khi Karen O'Sullivan rời khỏi đây năm 2015, chuyển sang làm công tố quận khác. Không có báo cáo về việc họ bị kỷ luật hay bị truy cứu trách nhiệm gì.
Hải Thư (Theo NYT, Sina, Ozy)
Xem thêm: lmth.9458654-cot-gnuhc-iht-yk-neiv-ot-gnoc-iv-nao-ut-id-ert-iout-man-71-tam-iag-oc/ten.sserpxenv