Ông Nguyễn Đăng Chương - cựu cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - phát biểu trong lễ trao giải thưởng sân khấu năm 2022 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tối 9-2 tại Hà Nội, nơi mà kịch bản Đất liền và biển cả của ông đã giúp cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa và Đoàn cải lương Hải Phòng dựng vở giành được giải A.
Giải A còn được trao cho hai vở diễn xuất sắc khác là Mưa đỏ (đạo diễn, NSND Lê Hùng, Nhà hát Kịch nói Quân đội), Cô Thần (đạo diễn, NSND Nguyễn Hoài Huệ, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định).
Ông Chương cho biết nếu chỉ nhìn vào số lượng hơn 60 vở diễn đoạt giải thưởng xuất sắc, huy chương vàng, bạc tại 8 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật năm 2022 thì có thể nói "nghệ thuật sân khấu đang ở thời kỳ phát triển rực rỡ và đạt được những thành tựu đáng ngạc nhiên".
Nhưng nếu nhìn vào lượng khán giả sân khấu của năm qua thì sẽ thấy ngược lại.
Ông Chương cho biết "nhiều vở diễn đoạt giải nhưng khi biểu diễn phục vụ công chúng lại không có người xem, đành phải để vào kho lưu giữ".
Ông đặt câu hỏi phải chăng đội ngũ sáng tạo chưa tìm được chìa khóa để mở cánh cổng về nhận thức và tâm hồn của khán giả ngày hôm nay…
Đây là một bài toán khó cần sớm có lời giải, bởi vì sự sống còn của nghệ thuật sân khấu chính là khán giả, và để chinh phục được khán giả thì chỉ có con đường duy nhất là chất lượng tác phẩm.
Nhưng với vai trò là chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, ông Chương đánh giá sân khấu trong nhiều năm qua và năm 2022 vô cùng thiếu vắng những tác phẩm đề cập về đề tài đương đại, về những vấn đề nóng bỏng đang tác động nhiều mặt, làm thay đổi con người và đời sống xã hội trong thời kỳ hội nhập.
Ông dẫn ví dụ, trong 27 vở diễn tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc tại tỉnh Hà Nam tháng 10-2022, chỉ có một vở diễn duy nhất phản ánh về cuộc sống đương đại, 26 tác phẩm còn lại đi vào khai thác lịch sử, dân gian, dã sử, truyền thuyết và danh nhân.
"Tại sao chúng ta cứ mãi mượn chuyện xưa để nói nay mà lại không trực diện đối mặt để lý giải hiện thực sinh động đang chảy cuồn cuộn từng ngày, từng giờ giữa cuộc sống mênh mông rực rỡ sắc màu?", ông Chương đặt câu hỏi và kết luận "không có kịch bản hay thì không thể có vở diễn hay".
Theo ông, đây có lẽ là một nguyên nhân khiến nghệ thuật sân khấu chưa kéo được khán giả tới các nhà hát.
Ông đề nghị một giải pháp: Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khẩn trương báo cáo các cơ quan chức năng, xin cơ chế đặc thù để Nhà nước tài trợ thực hiện đề án bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ tác giả sân khấu khi còn chưa quá muộn.
Bởi hơn 10 năm qua, hai cơ sở đào tạo nghệ thuật lớn nhất cả nước là Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM không tuyển được học viên theo học chuyên ngành biên kịch sân khấu.
Sân khấu TP.HCM chỉ hoạt động lại hồi đầu năm 2022 sau hai năm đại dịch. Một năm qua đã có nhiều thăng trầm và những người làm sân khấu xã hội hóa vẫn chứng tỏ sự năng động đáng nể.
Xem thêm: mth.17572626001203202-mex-iougn-oc-gnohk-iaig-tad-neid-ov-ueihn-gnouhc-gnad-neyugn-gno/nv.ertiout