Chiếc máy vi tính "ve chai" ấy đã giúp bạn đoạt giải ba học sinh giỏi môn tin học tỉnh Quảng Trị và hun đúc giấc mơ trở thành kỹ sư tin học.
Với những nỗ lực vượt khó và theo đuổi đam mê của mình, cuối năm 2022, Luân nhận được học bổng "Vì tương lai Việt Nam" do Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức.
Máy tính "made by Luân"
Chiếc máy vi tính "made by Luân" là khởi đầu cho giấc mơ trong gian khó của Hoàng Xuân Luân (lớp 12B1 Trường THCS&THPT Cồn Tiên, huyện Gio Linh, Quảng Trị). Trong căn nhà nhỏ ở xã Gio Sơn, Luân ngồi trước chiếc máy vi tính đã gắn bó từ năm lớp 9 của mình. Luân bảo từ ngày có chiếc máy vi tính này, việc học của Luân "dễ thở" hơn.
"Mọi người nói đây là máy tính "made by Luân", em vừa buồn cười vừa nghĩ cũng đúng vì đến em cũng không biết trong máy có bao nhiêu linh kiện từ nhiều hãng được nhặt về lắp ráp lại. Chiếc máy tính đầu tiên trong đời của em là kỷ niệm không thể quên được" - Luân tâm sự.
Ở xã Gio Sơn, nhiều năm trước Luân cũng như nhiều đứa trẻ khác muốn tiếp xúc với máy vi tính phải chạy ra tiệm Internet. Cậu bé Luân ngày đó mê mẩn với thế giới diệu kỳ từ chiếc máy vi tính của một "tiệm nét" nhỏ trong xã. "Em ước gì mình có riêng một cái máy vi tính để thỏa sức tìm hiểu", Luân nói.
Năm học lớp 9, Luân biết một người bạn có chiếc máy vi tính hỏng không dùng đến. Thế là Luân cùng một người anh họ đến nhà bạn "xin" chiếc máy vi tính phế liệu ấy. Mang về nhà, Luân mê mẩn nhìn ngắm dù khi cắm điện, khởi động thì chiếc máy vẫn "tối thui".
Bộ khung sườn máy vi tính hỏng ấy cũng đủ để tạo niềm vui cho Luân, còn máy có hoạt động để phục vụ việc học hay không lại là chuyện khác. Luân có quyết tâm và tin mình sẽ "cấp cứu" và trị bệnh để chiếc máy vi tính sống lại. Niềm tin ấy đã giúp Luân tháo rời CPU, tự mày mò, tìm hiểu trên mạng và đi đến kết luận "phần lớn linh kiện đã hỏng, phải có linh kiện thay thế" - Luân kể.
Tìm đến tiệm ve chai
Những kiến thức đầu đời về phần cứng máy vi tính trên Google đã đưa Luân tìm đến tiệm ve chai trong xã. Luân lục tìm linh kiện trong đống máy tính đồng nát chất đống và tự nhận định linh kiện nào còn dùng được và mang về nhà. "Một buổi tìm kiếm, em và người anh họ mua lại ổ cứng, thanh RAM, vi mạch và màn hình từ tiệm ve chai với giá 150.000 đồng", Luân kể.
Những linh kiện phế liệu mang về nhà, cùng với chiếc tua vít trên tay, Luân "đứng hình" khi chẳng biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng, Luân đi đến quyết định "lắp đến đâu, học đến đó từ Google". Trầy trật hết ngày này qua ngày kia, cuối cùng chiếc máy tính cũng được lắp xong. Nhưng đến khi mở nguồn thì máy chẳng "hồi âm". Luân lại tháo CPU ra, đấu nối, lắp ghép lại và tiếp tục ra tiệm ve chai bổ sung linh kiện còn thiếu.
Ba lần như thế, chiếc CPU cũng chịu sáng đèn. Khoảnh khắc màn hình bật sáng là thời khắc Luân chẳng thể nào quên. Xong phần cứng, Luân tiếp tục lên mạng tìm hiểu cách cài đặt phần mềm. Đam mê là động lực quá lớn, Luân chẳng mấy khó khăn để hiểu được cách lập trình, cài đặt hệ điều hành và các phần mềm cho máy.
"Vì em tự lắp ráp và cài đặt chắp vá nên nhiều lần máy bị sự cố phần cứng, phần mềm. Mỗi lần vậy em điều tự tìm hiểu, sửa chữa. Ba năm qua, máy hỏng đâu em sửa đó rồi dùng tiếp và đến giờ vẫn dùng chiếc máy vi tính made by Luân này", Luân cười.
Giải ba tin học cấp tỉnh
Máy vi tính Luân tự lắp ráp ấy đã cho những trái ngọt đầu tiên. Nhận thấy niềm đam mê và tài năng tin học của Luân nổi trội so với bạn bè cùng lứa, năm học lớp 11 Luân đã được chọn vào đội bồi dưỡng thi học sinh giỏi của trường.
Luân tiếp thu rất nhanh những bài học vi tính của thầy cô. Đầu năm học này, Luân cùng hai người bạn đại diện trường đi thi học sinh giỏi tin học cấp tỉnh và đoạt giải ba. "Giải thưởng đạt được là lời cảm ơn của em gửi đến thầy cô và ba mẹ. Em xem đó như một kỷ niệm, còn giờ em phải cố gắng để trở thành một kỹ sư tin học, một lập trình viên giỏi" - Luân tâm tình.
Ba năm qua, Luân luôn là học sinh giỏi của trường. Hiện bạn đang nỗ lực chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT và phấn đấu trở thành sinh viên ngành công nghệ thông tin Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Ngoài ra, mỗi ngày Luân vẫn nỗ lực học tiếng Anh - môn Luân yếu nhất. Chàng trai trẻ đặt mục tiêu khi bước vào giảng đường cũng là lúc tiếng Anh đủ tốt để có thể hiểu và tiếp cận những kiến thức lập trình vốn dày đặt ngôn ngữ chuyên ngành.
Cô Đoàn Thị Châu Loan (giáo viên chủ nhiệm lớp 12B1 Trường THCS&THPT Cồn Tiên, Quảng Trị):
Câu chuyện đầy nghị lực
Chiếc máy tính "made by Luân" rất nổi tiếng ở trường. Đó là câu chuyện đầy nghị lực, nỗ lực trong khó khăn và bây giờ là hướng đến tương lai. Ở lớp, Luân là học sinh ngoan hiền, học giỏi nhiều năm liền, đặc biệt giỏi các môn tự nhiên và cực kỳ yêu thích tin học. Tôi mong với sự đam mê, khát khao cũng như thành tích học tập Luân sẽ tiến xa và ước mơ trở thành một lập trình viên giỏi, một kỹ sư của em sẽ thành sự thật.
TTO - Trên sân của căn nhà cấp 4 cũ kỹ là "gia tài" của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hùng: tivi cũ, quạt cũ, máy bơm nước hỏng… được mua về, chất đống. Trong góc nhà, góc học tập của Hải có một chiếc máy tính cũ mèm từ bao chiếc máy tính cũ rích.
Xem thêm: mth.30254858001203202-iahc-ev-hnit-yam-ut-coh-nit-om-caig/nv.ertiout