Tình hình khó khăn của Toyota
Theo thông tin do Nikkei cung cấp, trong khoảng thời gian tháng 4/2022 đến tháng 12/2022, số tiền lãi thu về trên mỗi chiếc xe của Toyota chỉ bằng 1/5 so với Tesla. Đây là khoảng thời gian nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản phải “vật lộn” với các chi phí gia tăng.
Với mỗi chiếc ô tô được bán ra, Toyota sẽ lãi khoảng 240.000 yên, xấp xỉ 43 triệu đồng. Trong khi đó, Tesla lại thu về 1,26 triệu yên (hơn 225 triệu đồng) tiền lãi cho mỗi chiếc xe điện được bán ra vào cùng thời điểm.
Sở dĩ có sự khác biệt này là do ngành ô tô toàn cầu đang bùng nổ cuộc cách mạng điện khí hóa thì hãng ô tô Nhật Bản lại “ôm đồm” quá nhiều và thực hiện chiến lược “đa giải pháp”. Chiến lược này có rất nhiều hạn chế.
Nghĩa là, Toyota sẽ sản xuất xe điện, xe chạy pin nhiên liệu và cũng không từ bỏ xe xăng. Phương thức sản xuất phạm vi rộng này đã khiến chi phí cho hoạt động vận hành của Toyota tăng cao, khó lòng kiểm soát trong khi Tesla vẫn chỉ tập trung vào duy nhất dòng sản phẩm xe điện mà thôi.
Trong 9 tháng cuối năm 2022, chi phí nguyên vật liệu thô của Toyota đã tăng 1,1 nghìn tỷ yên so với cùng kỳ năm trước. Đối với Toyota ở Bắc Mỹ, khu vực này đã giải quyết vấn đề chi phí cao hơn bằng cách nâng giá niêm yết so với ở Nhật Bản.
Trong ba quý cuối năm 2022, lợi nhuận tại Bắc Mỹ của Toyota đạt 49,2 tỷ yên, giảm 450 tỷ yên so với cùng kỳ năm trước. Công ty đã phải chịu lỗ tại đây từ tháng 10 đến tháng 12. “Dù các mẫu xe đã tăng giá nhưng việc tăng này không theo kịp với đà tăng của chi phí vật liệu”, một quản lý tại Toyota nói.
Gồng gánh 70-80% chi phí phát sinh
Ở Nhật Bản, một giám đốc điều hành tại nhà cung cấp phụ tùng ở tỉnh Aichi đã bày tỏ cảm giác nhẹ nhõm dù phải đối mặt với chi phí nhiên liệu tăng cao. “Có vẻ như Toyota sẽ chi trả 70% - 80% số tiền đó”.
Toyota đã chi trả một phần hóa đơn năng lượng và chi phí nguyên vật liệu tăng cho các nhà cung cấp kể từ mùa hè năm ngoái. Nhà cung cấp phụ tùng ở Aichi đã thương lượng thành công với hãng xe này, theo đó Toyota sẽ chịu phần lớn chi phí nhiên liệu phát sinh
“Không có nhà sản xuất ô tô nào quan tâm đến tiền điện và khí đốt như Toyota”, một nhà quản lý cấp cao của một nhà cung cấp phụ tùng khác cho biết.
Trên thế giới, Toyota đang hợp tác với khoảng 400 nhà cung cấp. Hỗ trợ chi phí nhiên vật liệu cho lượng lớn nhà cung cấp đó đã khiến Toyota tốn nhiều chi phí. Hãng xe này đang tìm cách duy trì chuỗi cung ứng của mình để có thể tiết kiệm chi phí cùng với các nhà cung cấp này.
Ngoài ra, Toyota cũng đang cố gắng mở rộng khoảng 50 mẫu xe, từ xe chạy xăng đến xe điện. Vì mô hình đó, chi phí sản xuất tăng cao đã bắt đầu đè nặng lên Toyota. Lợi nhuận trung bình trên mỗi chiếc xe của thương hiệu này từ tháng 4 đến tháng 12 năm ngoái đã giảm 56.000 yên so với một năm trước đó, trong khi Tesla tăng trung bình 500.000 yên.
Không phát triển dàn trải như Toyota, Tesla chỉ duy trì 4 mẫu xe cao cấp. Kể từ năm 2021, hãng xe của tỷ phú Elon Musk đã mở rộng đáng kể năng lực sản xuất và bán hàng, giúp cải thiện doanh thu. Trong ba quý liên tiếp tính đến tháng 12/2022, Tesla kiếm được 1,26 nghìn tỷ yên lợi nhuận ròng, gần bằng 1,9 nghìn tỷ yên lãi mà Toyota đã tạo ra trong cùng kỳ.
Xe điện Tesla tại California
Ngoài ra, BYD, nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc, đang kiếm được từ 190.000 yên đến 200.000 yên (34-35 triệu đồng) cho mỗi chiếc xe bán ra. Năm ngoái, BYD cũng đã bán được 1,86 triệu chiếc xe điện, bao gồm cả xe plug-in hybrid. Doanh số này đã tăng gấp 3,1 lần cùng kỳ.
Sự phát triển này là do tập đoàn tự sở hữu công ty sản xuất pin ô tô cũng như kiểm soát cổ phần tại một công ty con chuyên sản xuất chất bán dẫn. BYD đang nhanh chóng mở rộng hoạt động trên toàn thế giới, động thái mới nhất là ra mắt xe điện tại Nhật Bản tháng 1 năm nay. Cùng với Tesla, BYD đang dần tạo dựng chỗ đứng cho mình nhờ khả năng kiếm tiền mạnh mẽ.
Để có thể “lội ngược dòng” và trở lại đường đua, Toyota buộc phải tăng sản lượng. Công ty dự kiến sẽ sản xuất 10,6 triệu chiếc trong năm nay với cả hai thương hiệu Toyota và Lexus.
Tuy nhiên tăng sản xuất không phải là câu chuyện đơn giản. Ngày 9/2 vừa qua, Toyota cho biết họ có kế hoạch chỉ sản xuất 9,1 triệu chiếc xe trong năm nay, giảm khoảng 100.000 chiếc do thiếu chất bán dẫn.
Toyota đang cố tìm cách đáp ứng nhu cầu bằng phương pháp giảm thiểu số lượng chất bán dẫn được sử dụng trên mỗi chiếc xe. Ví dụ như cắt giảm từ 2 chìa khóa thông minh cho một chiếc xe Lexus xuống còn 1 chiếc.
Ngoài ra, công ty Aisin thuộc tập đoàn Toyota cũng đang thiết kế lại hộp số và các thành phần khác do công ty này sản xuất. Aisin đang áp dụng các thiết kế có thể chứa các chất bán dẫn có sẵn.
Mùa xuân này, Koji Sato, chủ tịch sắp tới của Toyota sẽ giám sát sự phát triển của tập đoàn. Dự kiến, Toyota có kế hoạch mở rộng dòng sản phẩm xe điện của mình.
Theo Nikkei Asia