Làn sóng lạc quan ban đầu của việc dỡ bỏ phong tỏa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giúp nâng giá của một loạt cổ phiếu thuộc lĩnh vực thương mại và du lịch quanh khu vực, đó là những ngành hưởng lợi rõ ràng nhất như các lĩnh vực như khách sạn Macau (Trung Quốc) và du lịch Thái Lan.
Nhưng ba tháng sau, các nhà đầu tư cho rằng đã đến lúc phải sáng suốt hơn.
Robert Secker, chuyên gia danh mục đầu tư tại bộ phận cổ phiếu tại T. Rowe Price cho biết: “Chúng tôi tin rằng giai đoạn phục hồi tiếp theo của thị trường sẽ tập trung vào các công ty có thể mang lại tăng trưởng lợi nhuận ổn định”.
“Tôi nghĩ rằng, trong thời gian còn lại của năm 2023, tất cả là do sự phục hồi ở Trung Quốc ảnh hưởng đến các công ty tiêu dùng và ngân hàng bên ngoài Trung Quốc như thế nào”, Herald van der Linde, người đứng đầu chiến lược cổ phần của HSBC tại châu - Á Thái Bình Dương cho biết.
Đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm bước tăng trưởng tiếp theo, các nhà phân tích đã đề xuất các lĩnh vực có thể hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng Trung Quốc, chẳng hạn như lĩnh vực khách sạn, bán lẻ và các ngành gặp khó khăn trong thời kỳ suy thoái kinh tế, bao gồm các nhà tuyển dụng trực tuyến và nhà điều hành trung tâm mua sắm.
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng với khoản tiết kiệm hộ gia đình Trung Quốc cao ngất ngưởng khi đã tăng vọt lên 17,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,62 nghìn tỷ USD) vào năm ngoái, sẽ góp phần thúc đẩy các lĩnh vực này.
Man Wing Chung, Giám đốc điều hành của Value Partners Group đang tăng tỷ trọng cổ phiếu phần cứng công nghệ và chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc), và cho biết "định giá đã phản ứng rất nhiều tâm lý tiêu cực trong chu kỳ công nghệ đi xuống".
Được thúc đẩy bởi kỳ vọng người dân ở quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ đổ xô đi du lịch sau ba năm phong tỏa nghiêm ngặt nhất vì đại dịch, cổ phiếu của các công ty trò chơi ở Macau là Sands China, Wynn Macau, MGM China đều đã tăng hơn gấp đôi trong ba tháng qua. Ngoài ra, Singapore Airlines tăng 12%, trong khi Trip.com Group Ltd tăng 68% trong cùng kỳ.
Thị trường Trung Quốc đương nhiên được hưởng lợi nhiều nhất, với chỉ số MSCI Trung Quốc đã tăng gần 50% kể từ đầu tháng 11, vượt xa mức tăng 13% của chỉ số MSCI Đông Nam Á và mức tăng 26% của chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương.
Diễn biến các chỉ số MSCI |
Điều đó đã khiến các nhà đầu tư săn lùng các lĩnh vực và công ty có mức định giá thấp bên ngoài Trung Quốc.
Ngoài ra, vì Trung Quốc chiếm hơn 20% xuất khẩu của ASEAN, nên sự phục hồi ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng của toàn khu vực.
Dữ liệu từ các sàn giao dịch chứng khoán ở Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 8,8 tỷ USD cổ phiếu trong tháng 1, trong đó Đài Loan và Hàn Quốc ghi nhận mức mua hàng tháng lớn nhất trong ít nhất hai năm. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán 57,2 tỷ USD cổ phiếu khu vực vào năm ngoái.
Sau một năm 2022 nóng bỏng, các nhà đầu tư đã đặt cược rằng sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ phần nào giảm bớt tác động của suy thoái toàn cầu và suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
Ông Man Wing Chung cho biết, những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu phần lớn đã được định giá vào thị trường và những lợi ích từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại vẫn chưa được cảm nhận.
Với việc lạm phát toàn cầu có dấu hiệu giảm bớt và các nhà đầu tư kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn sẽ sớm chấm dứt việc thắt chặt tiền tệ, sự chú ý của họ đã chuyển sang khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Christy Tan, chiến lược gia đầu tư tại Viện Franklin Templeton cho biết: "Mọi người dường như biết chúng ta sẽ có một cuộc suy thoái và mọi người dường như cho rằng suy thoái sẽ ở mức độ nhẹ. Mặt khác, Trung Quốc và việc mở cửa trở lại thương mại đang ở giai đoạn đầu và có thể là cơn gió bổ sung cho chứng khoán châu Á vào cuối năm nay”.