Quốc kỳ Anh (dưới) và cờ Liên minh châu Âu (EU) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở Westminster, London. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN.
Trong một tuyên bố bằng văn bản gửi tới Hạ viện, Bộ trưởng phụ trách Ngân khố Anh John Glen cho biết tuần này, Anh đã trả khoản tiền 1,1 tỷ bảng Anh còn lại để giải quyết tranh cãi giữa 2 bên liên quan đến các sản phẩm may mặc và giày dép mà Anh nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo ông Glen, chính phủ Anh "mong muốn giải quyết dứt điểm vụ việc kéo dài này và cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình".
Kể từ khi Anh chính thức rời khỏi EU cách đây 3 năm, Anh đã không còn chịu sự ràng buộc bởi các quy định của EU. Tuy nhiên, các vấn đề như tranh chấp thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục gây trở ngại cho mối quan hệ.
Tranh cãi giữa Anh và EU xuất hiện từ năm 2017 khi London vẫn là một thành viên của khối do các cuộc đàm phán Brexit vẫn dang dở. Văn phòng chống gian lận của EU cáo buộc giới chức Anh "nhắm mắt làm ngơ" trước việc các doanh nghiệp nhập khẩu quần áo và giày dép từ Trung Quốc trốn thuế vào Anh, qua đó đưa hàng hóa vào thị trường chung của khối.
Trong khi đó, Bộ trưởng Glen khẳng định Anh đã thực hiện các biện pháp phù hợp để chống lại hành vi gian lận như cáo buộc của EU. Quan chức này cũng lưu ý rằng việc Anh chấp nhận chi khoản tiền trên để dàn xếp tranh cãi nhằm tránh bị phải trả thêm khoản lãi phát sinh do thời gian kéo dài.
Về mặt pháp lý, Anh đã rời EU từ ngày 31/1/2020, nhưng có một số vướng mắc trong các cuộc đàm phán để đảm bảo một thỏa thuận thương mại tự do với Brussels. Thỏa thuận này cuối cùng đã được thống nhất vào đêm Giáng sinh 2020. Khi quá trình Brexit đã hoàn tất, các quy tắc của EU không còn được áp dụng với Anh, đồng nghĩa với chấm dứt việc đi lại tự do giữa Anh và các quốc gia EU.