Theo Financial Times, thị trường tài chính Mỹ đã có sự bùng nổ mạnh mẽ trong tháng đầu năm 2023, khi cổ phiếu, trái phiếu và thậm chí là cả Bitcoin đều tăng giá. Tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện dựa trên kỳ vọng về một cuộc "hạ cánh mềm" ở Mỹ, lạm phát giảm nhanh chóng và không có suy thoái. Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch gần đây, xu hướng giảm đã quay trở lại thị trường khi nhà đầu tư trở nên bối rối trước các số liệu trái chiều của nền kinh tế Mỹ.
Sự bối rối của các nhà đầu tư bắt đầu vào ngày 3/2 khi Mỹ công bố các báo cáo việc làm tốt hơn nhiều so với dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 53 năm qua. Những tín hiệu tích cực trên thị trường lao động đã giúp xoa dịu những lo ngại từ làn sóng sa thải ồ ạt của các doanh nghiệp lớn trong thời gian gần đây.
Nhưng mặt khác điều này cũng đồng nghĩa với khả năng lạm phát có thể cao hơn dự kiến và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đẩy lãi suất lên cao hơn trong thời gian dài hơn.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết: "Báo cáo thị trường lao động tháng 1 đã cho thấy kết quả mạnh mẽ hơn nhiều so với mọi dự đoán. Đó là một phần lý do vì sao chúng tôi nghĩ rằng cuộc chiến chống lạm phát sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian đáng kể".
Thị trường bối rối vì bức tranh kinh tế Mỹ trái chiều. Ảnh minh họa.
Theo Giám đốc Điều hành của JPMorgan Chase, nền kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động tốt, khi người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu, thị trường việc làm vững mạnh. Tuy nhiên, không ai dám chắc, những rủi ro về lạm phát đã qua đi, ngay cả khi đà tăng giá cả hạ nhiệt từ mức đỉnh hồi mùa hè năm ngoái và tốc độ tăng lãi suất của FED đã chậm lại.
"Việc FED tăng lãi suất lên 5% và đợi một thời gian là hoàn toàn hợp lý bởi còn phải tính đến độ trễ chính sách. Nếu lạm phát giảm xuống 2,5%, mọi người có thể nghĩ đến một chiến thắng và sự hạ cánh mềm của nền kinh tế. Nhưng nếu lạm phát chỉ giảm xuống 3,5% hoặc 4% và giữ nguyên ở đó, FED có thể phải tăng lãi suất lên cao hơn 5% và điều đó sẽ ảnh hưởng đến lãi suất ngắn hạn và dài hạn", ông Jamie Dimon - Giám đốc điều hành JPMorgan Chase nhận định.
Thị trường tài chính hiện đang gặp khó khăn trong việc đánh giá các yếu tố rủi ro. Điều này đồng nghĩa với việc định giá tài sản sẽ đặc biệt nhạy cảm trước các dữ liệu kinh tế trái chiều và những bình luận mới của các quan chức FED.
Ông Kevin Mahn - Chủ tịch Quỹ quản lý tài sản Hennion & Walsh cho hay: "Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư tại thời điểm này đang rất bối rối về định hướng tương lai của nền kinh tế, định hướng tương lai của lãi suất và cuối cùng là định hướng tương lai của thị trường".
Vào thời điểm hiện tại, các thị trường vẫn loay hoay đang dự đoán tương lai kinh tế Mỹ, với các kịch bản hạ cánh cứng, hạ cánh mềm và thậm chí là "không hạ cánh" lần lượt được đưa ra. Financial Times nhận định, thị trường sẽ tiếp tục ghi nhận những biến động khó lường, cho đến khi thực sự có được một triển vọng rõ ràng hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.26874815101203202-ueihc-iart-ym-et-hnik-hnart-cub-iv-ior-iob-gnourt-iht/et-hnik/nv.vtv