Chính quyền TP Hà Nội vừa ra "tối hậu thư" yêu cầu địa phương phải di dời các hộ dân, hoàn thành chậm nhất trong quý 1-2023 ở 4 khu nhà chung cư nguy hiểm cấp D gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư Pháp.
Đồng thời, khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý 2-2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý 3-2023.
Hiện có 2 nhà đã hoàn thành di dời là Đơn nguyên 1, 3 Tập thể Bộ Tư pháp, Đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh. Còn lại 24 hộ chưa di dời, trong đó Đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công còn 23 hộ; Đơn nguyên 3 C8 Giảng Võ còn 1 hộ.
Vì sao chính quyền lo những căn nhà trên "có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào" nhưng người dân vẫn quyết bám trụ, chưa rời đi?
Sáng 10-2, Tuổi Trẻ Online đã có mặt tại Đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) để tìm hiểu rõ sự việc.
Dân đòi gặp chủ đầu tư trước
Nói về lý do chưa di dời khỏi tòa nhà được Hà Nội xác định "nguy hiểm cấp D", ông Nguyễn Văn Chi (71 tuổi, cư dân tòa nhà G6A Thành Công) cho biết người dân đã ở đây ba thế hệ, nên việc chuyển đến một nơi ở mới không phải là điều dễ dàng.
Nhưng điều ông Chi trăn trở nhất là hiện nay UBND TP Hà Nội chưa lựa chọn được chủ đầu tư dự án, người dân chưa được làm việc với chủ đầu tư, nhưng lại yêu cầu dân chuyển ra khỏi nhà, khiến ông lo ngại khi chuyển đi "sẽ không có ngày trở về".
"Chúng tôi liên tục gửi đơn kiến nghị về việc phải triển khai việc chọn nhà đầu tư, bởi nhà là tài sản của chúng tôi, chúng tôi chỉ giao nhà cho một đơn vị có địa chỉ rõ ràng để sau này có vấn đề gì còn khiếu nại.
Giờ chưa có chủ đầu tư mà bắt chúng tôi chuyển đi, giao nhà lại thì sau này lỡ có vấn đề gì, không triển khai được dự án, không có chủ đầu tư thì chúng tôi coi như mất nhà" - ông Chi nêu lo ngại.
Ông Nguyễn Văn Hùng (cư dân tầng 1, tòa nhà G6A Thành Công) cũng lên tiếng: "Chúng tôi là dân lao động, làm việc chủ yếu tại đây, đi tới nơi mới thì lấy gì để làm, để ăn. Cứ bảo chúng tôi cứ đi đi rồi tìm chủ đầu tư, tại sao không làm ngược lại, cho chủ đầu tư vào rồi dân mới đi.
Chung cư cũ 51 Huỳnh Thúc Kháng, nhiều người đã đi 12 năm rồi mà dự án vẫn chưa có tiến triển gì. Giờ tôi cũng rời nhà đi mà dự án này cũng lâm vào tình cảnh tương tự, thì có khi chết rồi vẫn chưa có nhà để về".
Trong khi đó, ông Võ Sỹ Hùng (phòng 304, cầu thang 1, tòa G6A Thành Công) cho biết người dân không hề "chống đối" chủ trương xây dựng, cải tạo chung cư cũ của TP Hà Nội, mặt khác rất ủng hộ. Tuy nhiên, các hộ dân mong muốn cần phải xác định được chủ đầu tư, bàn bạc trực tiếp, thỏa thuận trước khi chuyển tới nơi tạm cư.
"Rất mong chính quyền Hà Nội nghe dân nói và đánh giá thật chi tiết để được lòng dân. Theo kế hoạch thì tới quý 3 năm 2023 mới có chủ đầu tư thì chúng tôi cũng không biết bao giờ được về lại đây sau khi chuyển đi.
Các nhà tạm cư Hà Nội bố trí ở khu vực Phú Thượng đã được xây từ lâu, chúng tôi đã đến xem, nhà tạm cư cũng đã xuống cấp nên chúng tôi rất lo ngại.
Đang ở khu trung tâm mà bị chuyển đi chỗ khác, chẳng ai muốn cả, nhưng vì chủ trương của nhà nước, dân ủng hộ, nhưng phải cho chúng tôi thời hạn, sẽ quay về như thế nào và bao giờ quay về" - ông Sỹ Hùng trình bày.
Về việc quận Ba Đình sẽ cưỡng chế người dân nếu không di chuyển ra khỏi tòa nhà, ông Hùng cho biết đây là sự "áp đặt của chính quyền", dân không đồng tình. Thay vì "áp đặt", ông Hùng mong muốn nhận được sự đối thoại từ phía quận.
Tuần tới sẽ đối thoại với các hộ dân G6A lần cuối
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 10-2, một lãnh đạo UBND phường Thành Công cho biết tuần tới quận Ba Đình sẽ tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân tại khu tập thể G6A lần cuối, vận động cư dân ra khỏi tòa nhà.
"Người dân có đòi hỏi gặp chủ đầu tư, nhưng đây là bước khác, đầu tiên phải ra khỏi nhà để bảo vệ tính mạng và tài sản rồi chủ đầu tư mới tới. Sau đó, người dân có sổ đỏ thì quay về bàn bạc với chủ đầu tư sau.
Sau khi đối thoại với người dân, chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quy định vì bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo phải di dời người dân trước quý 1-2023" - vị lãnh đạo trên giải thích.
Về lo lắng của người dân trong việc giao nhà nhưng chưa có chủ đầu tư, vị này cho biết TP đã vạch sẵn những khu tạm cư ở Yên Hòa, Phú Thượng cho người dân ở sau bàn giao nhà, khi đó mới mời được chủ đầu tư.
"Chủ tịch quận Ba Đình cũng đã chỉ đạo nếu người dân muốn tự mời chủ đầu tư thì gửi hồ sơ lên TP, nếu họ làm được thì tốt quá. Còn thời điểm nào dân sẽ được quay về thì phụ thuộc hoàn toàn vào chủ đầu tư. Trước hết phải di dời đã, kế hoạch 335 của TP cũng đã vạch ra lộ trình, tiến độ rất rõ" - lãnh đạo phường Thành Công nói thêm.
Tòa nhà G6A có vị trí "vàng"
Theo ghi nhận, tòa nhà G6A Thành Công có mặt tiền nằm sát đường Nguyên Hồng, tại đây người dân có thể ngắm trọn hồ Thành Công, nằm ở trung tâm quận Ba Đình nên đi lại rất thuận lợi.
Quan sát từ tầng 1, tòa G6A bị nghiêng nhẹ về bên phía tay phải, khu vực tường đoạn lối lên cầu thang có tình trạng ẩm mốc, bong tróc.
Bốn khu nhà chung cư cũ được xác định nguy hiểm cấp D gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh và Bộ Tư pháp (Hà Nội) sẽ phải di dời dân khỏi nhà chậm nhất trong quý 1-2023.
Xem thêm: mth.23025834101203202-iouc-nal-iaoht-iod-pas-ion-ah-o-tan-uc-uc-gnuhc-aot-iaig/nv.ertiout