Chiều 10.2, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, nguyên nhân 88 người ngộ độc thực phẩm sau khi ăn chè miễn phí xảy ra tại ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, H.Chợ Mới do nhiễm khuẩn và độc tố của vi khuẩn (độc tố của Bacillus cereus).
Sở Y tế An Giang thông tin nguyên nhân 88 người bị ngộ độc sau khi ăn chè
Theo ông Trần Quang Hiền, tác nhân gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh và độc tố của vi sinh. Qua kiểm nghiệm mẫu chè đậu trắng, ngày 10.2, Viện Y tế công cộng TP.HCM đã gửi kết quả kiểm nghiệm và ghi nhận trong mẫu chè có một số chỉ tiêu liên quan đến độc tố của vi khuẩn Bacillus cereus.
Theo một cán bộ công tác trong ngành y tế An Giang, Bacillus cereus là vi sinh vật tiết ra độc tố có hại, có thể gây ngộ độc thực phẩm. Nếu thức ăn không được bảo quản đúng cách hoặc không được nấu đủ nhiệt độ, vi khuẩn này có thể phát triển và gây ngộ độc.
Bên cạnh đó, nếu thức ăn được chế biến trước và để trữ quá lâu, vi khuẩn có thể phát triển và gây ngộ độc. Hầu hết người bị ngộ độc thực phẩm do Bacillus cereus hồi phục trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, bệnh nhân có nguy cơ bị biến chứng cao hơn nếu có hệ thống miễn dịch yếu hoặc đang bị tổn thương.
3 bệnh nhân nặng có thể xuất viện trong vài ngày tới
Theo điều tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh An Giang, nhân dịp rằm tháng giêng 2023, bà N.T.A.T (44 tuổi, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, H.Chợ Mới, An Giang) mua 20 kg đậu trắng, 8 kg nếp, 10 kg nước cốt dừa, 24 kg đường cát và 20.000 đồng nước tro tàu (chỉ sử dụng một nửa nước tro tàu đã mua) để nấu chè đậu trắng phát cho người dân lân cận và người đi đường. Khoảng 21 giờ ngày 3.2, gia đình bà T. hoàn tất việc nấu chè và chế biến nước cốt dừa, đựng trong 2 thau bảo quản ở nhiệt độ bình thường.
Đến 4 giờ sáng 4.2, bà T. không hâm nóng chè mà phân chia vào túi ni lông, cho nước cốt dừa vào phía trên rồi phát cho người dân. Khoảng 6 giờ cùng ngày, việc phát chè miễn phí hoàn tất.
Nhiều người nhận chè về nhà ăn mà không hâm nóng lại. Sau đó, từ khuya 5.2 đến ngày 7.2 tổng cộng 88 người có triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Trong đó, 38 người nhập viện điều trị với các triệu chứng sốt, tiêu chảy, nôn ói; 50 người bị đau bụng nhẹ tự mua thuốc uống tại nhà.
Trong số những người nhập viện, có 4 người bị ngộ độc nặng được chuyển đến Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh An Giang điều trị. Đến ngày 7.2, một phụ nữ 63 tuổi, ngụ xã Long Điền A, tử vong do suy đa tạng.
Chiều 10.2, thông tin từ Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh An Giang cho biết, hiện còn 3 bệnh nhân ngộ độc nặng điều trị tại bệnh viện. Tình hình sức khỏe 3 người này chuyển biến rất tốt, dự kiến vài ngày tới xuất viện.