Ngày 10-2, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban với chuyên đề “Cách làm hay trong việc phòng, chống tham nhũng vặt liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên địa bàn”.
Hội nghị ghi nhận nhiều cách làm từ các quận, huyện, TP Thủ Đức trong công tác phòng, chống tham nhũng vặt liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN |
Công khai tối đa các thủ tục
Bí thư huyện Bình Chánh Trần Văn Nam chia sẻ qua kiểm tra, giám sát, huyện đã phân nhóm các biểu hiện tham nhũng vặt để có các giải pháp phòng, chống hiệu quả.
Huyện Bình Chánh đẩy mạnh việc kiểm tra công vụ đối với đội ngũ cán bộ, thực hiện nghiêm các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; việc tiếp công dân, đối thoại với công dân trên địa bàn có nhiều chuyển biến. Việc giải quyết thủ tục cũng có nhiều cải thiện, nhất là các hồ sơ liên quan đến nhà đất. Cùng với đó là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để người dân tiện tra cứu, tham gia trực tiếp vào giám sát quá trình giải quyết thủ tục của cán bộ, công chức...
Trong khi đó, huyện Củ Chi lại là địa bàn có tốc độ đô thị hóa và dân số tăng nhanh, do vậy những năm qua huyện đã tập trung nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng.
Trưởng phòng Nội vụ huyện Củ Chi Trần Thị Ngọc Dung cho biết huyện đã lập tổ công tác kiểm tra, rà soát, xử lý các công trình vi phạm còn tồn đọng kéo dài. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tham mưu, quản lý về đất đai xây dựng...
“Huyện Củ Chi nghiêm cấm cán bộ, công chức để xảy ra mọi trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng bị phát hiện chưa xử lý dứt điểm, để đối tượng vi phạm “chạy thủ tục” nhằm hợp thức hóa sai phạm” - bà Dung nhấn mạnh và cho hay những vấn đề bất cập, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, xây dựng tại huyện này đã có sự chuyển biến tích cực.
Cạnh đó, việc luân chuyển cán bộ cũng là một giải pháp hay góp phần ngăn chặn nạn tham nhũng. Cụ thể, năm 2022 quận Tân Phú đã chuyển đổi vị trí công tác 17 trường hợp, điều động vị trí công tác bảy trường hợp. Từ năm 2020 đến nay, quận Tân Bình chuyển đổi vị trí công tác 56 trường hợp...
“Nếu xây dựng được một đội ngũ cán bộ tâm huyết, đạo đức, luôn ý thức việc phục vụ nhân dân là bổn phận bình thường thì sẽ ngăn chặn được tham nhũng vặt.”
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải
Cần cải thiện mức sống cho cán bộ
Kết luận cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết thời gian qua các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại TP.HCM đã được triển khai đầy đủ, toàn diện trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Dù vậy, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông nhắc đến trách nhiệm, tính nêu gương ở các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nhất là các cơ quan, đơn vị nhạy cảm. Từ đó, ông yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung tuyên truyền, quán triệt cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là vị trí người đứng đầu.
Ông Hải nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của con người trong đẩy lùi nạn tham nhũng vặt và cho rằng phải làm tốt, chặt chẽ hơn công tác quy hoạch cán bộ. Ông cho rằng nếu xây dựng được một đội ngũ cán bộ tâm huyết, đạo đức, luôn ý thức việc phục vụ nhân dân là bổn phận bình thường thì sẽ ngăn chặn được tham nhũng vặt.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung mạnh mẽ hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát, nhất là các lĩnh vực, các vị trí dễ phát sinh tham nhũng. “Mục tiêu lớn nhất trong chủ động kiểm tra là để phòng ngừa, kịp thời uốn nắn cán bộ. Ai cố tình thì phải xử lý nghiêm, đặc biệt là vụ việc có lợi ích nhóm” - ông gợi mở và đề nghị tập trung số hóa thủ tục nhằm hạn chế tối đa việc người dân phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ.
Chia sẻ về các ý kiến nói rằng thu nhập của cán bộ, công chức không đủ sống khiến họ dần hình thành suy nghĩ, thói tham nhũng vặt, ông Nguyễn Hồ Hải cho biết trung ương và TP.HCM đã có nhiều giải pháp về nội dung này. Đơn cử như Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, trong đó có thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Tuy nhiên, mỗi địa phương, đơn vị cũng cần có giải pháp để nâng cao mức sống của cán bộ mình, tạo động lực cho cán bộ làm việc.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu phát huy vai trò, giám sát của các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là khi TP.HCM thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, không còn HĐND quận, phường.•
Việc xử lý đơn tố giác còn chậm
Từ đầu năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã thành lập và triển khai các đoàn kiểm tra, rà soát, ban hành kết luận về việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với các tổ chức Đảng.
Cùng với đó, tập trung tiếp tục xử lý các vấn đề nổi cộm, phức tạp, các vụ việc, vụ án phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; theo dõi tiến độ công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế…
Đặc biệt, hồi đầu tháng 8-2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM.
Ban Thường vụ Thành ủy nhìn nhận hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay là chưa phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát; hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra cũng khó phát hiện được; tiến độ xử lý tin tố giác tội phạm và công tác điều tra, khởi tố, xét xử một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chậm.