Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai xảy ra ở rất xa lãnh thổ Việt Nam, phối hợp cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới.
đã tham gia nhiều khóa tập luyện tại nước ngoài, sẵn sàng làm hết sức mình tham gia cứu nạn,
cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trách nhiệm quốc tế của Việt Nam
Khoảng 12h30 giờ địa phương (16h30 giờ Việt Nam) ngày 10-2, đoàn công tác cứu nạn quốc tế của Bộ Công an đã đến sân bay ở thành phố Adana thuộc tỉnh cùng tên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo đại tá Nguyễn Minh Khương, phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), sau khi tới sân bay, đoàn di chuyển tới thành phố Adiyaman, cách sân bay 300km.
Tại đây đoàn sẽ phối hợp với các lực lượng cứu hộ quốc tế thực hiện việc đào bới, tìm kiếm dưới các đống đổ nát, các tòa nhà bị sập để tìm, giải cứu người mắc kẹt trong thảm họa động đất sáng 6-2.
Trong khi đó, chiều 10-2 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ cử 76 quân nhân tham gia lực lượng hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa ở Thổ Nhĩ Kỳ và giao thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, phó cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn, làm tổng chỉ huy.
Lực lượng này bao gồm đội Quân y (Tổng cục Hậu cần) với quân số 30 người; đội Cứu sập (Binh chủng Công binh) với 30 người; đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) với 9 người bao gồm huấn luyện viên và chỉ huy cùng 6 chó nghiệp vụ; bộ phận chỉ huy và cơ quan với quân số 7 người.
Bộ Quốc phòng cho biết việc cử lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Việt Nam.
Quyết tâm cứu chữa nhiều người nhất có thể
Tham gia lực lượng hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của quân đội Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ có đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Trọng Nghĩa (Bệnh viện Quân y 354, Tổng cục Hậu cần). Nhiệm vụ của anh cùng đội Quân y chủ yếu là hồi sức cấp cứu, làm trong phòng cấp cứu ICU của bệnh viện dã chiến.
Từng là thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Phái bộ Nam Sudan, nhận nhiệm vụ lên đường, đại úy Nghĩa chia sẻ đã có kinh nghiệm khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế trước đó nên sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao.
"Khi xem hình ảnh các nạn nhân trên tivi, YouTube, nhìn thấy các nạn nhân tuổi nhỏ như con mình, đột ngột trở thành đứa trẻ mồ côi mất đi cả gia đình người thân, tôi rất xót xa. Khi sang đó, tôi sẽ cố gắng hết mình cứu chữa, làm sao cứu chữa nhiều nhất cho người dân nước sở tại", đại úy Nghĩa bày tỏ.
Đại úy Vũ Đình Quân - điều dưỡng tại Bệnh viện 103 và là một trong 76 quân nhân lên đường nhận nhiệm vụ cứu trợ quốc tế của Bộ Quốc phòng - chia sẻ rằng trong những ngày liên tục cập nhật những tin tức về thảm họa động đất kép tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, anh phần nào tưởng tượng được những khó khăn và thiệt hại khủng khiếp mà người dân nước bạn đang phải chịu đựng.
Quân cho biết khi được lệnh, tất cả anh em đều sẵn sàng lên đường. "Với tinh thần quyết tâm cao, tôi xin hứa sẽ cố gắng khắc phục mọi khó khăn. Dù gian khổ đến cỡ nào cũng hết lòng vì người dân nước bạn", đại úy Quân nêu quyết tâm.
Quốc tế chạy đua cứu hộ nạn nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria
Tính đến chiều 10-2 theo giờ Việt Nam, ít nhất 22.700 người đã thiệt mạng do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các chuyên gia cho rằng con số sẽ còn tăng mạnh. Sau những tiếng la hét cầu cứu ở những ngày đầu, sự im lặng từ các đống đổ nát hiện nay cũng ám ảnh không kém.
Trong khi đó, những người sống sót cũng đối mặt với thảm họa khác sau động đất là giá rét, thiếu thốn thực phẩm và vấn đề dịch bệnh. Ngày 9-2, quan chức phụ trách đối phó thảm họa của Tổ chức Y tế thế giới, ông Robert Holden, cảnh báo thảm họa này có thể tồi tệ hơn cả động đất.
"Chúng tôi gặp phải sự gián đoạn nghiêm trọng đối với nguồn cung cấp nước cơ bản, nhiên liệu, nguồn cung cấp điện, thông tin liên lạc, những điều cơ bản của cuộc sống đều bị gián đoạn. Chúng ta thực sự có thể chứng kiến một thảm họa thứ cấp có thể ảnh hưởng nhiều người hơn so với thảm họa ban đầu", ông Holden nói khi kêu gọi đẩy nhanh việc tìm kiếm và cứu nạn.
Lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và các nhóm quốc tế đang chạy đua tìm người sống sót sau động đất khi thời gian đang cạn dần. Nguồn lực, thiết bị và tiền hỗ trợ từ các nước và tổ chức đang dồn về khu vực thiên tai.
Ngày 10-2, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho biết số tiền hỗ trợ 85 triệu USD của Mỹ sẽ được chuyển đến các đối tác của Washington tại địa phương để hỗ trợ hàng triệu người về thực phẩm, chỗ ở, y tế, vệ sinh, nước sạch...
Mỹ cũng sẽ gửi thiết bị phá bê tông, máy phát điện, lều sang Thổ Nhĩ Kỳ trong khi trực thăng Mỹ đang giúp nhân viên cứu hộ tiếp cận các vùng bị ảnh hưởng. Các nước như Anh, Pháp, Đức cũng tuyên bố hỗ trợ hàng chục triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. London thậm chí gửi đến một bệnh viện dã chiến và máy bay hỗ trợ giải cứu.
Hãng tin Anadolu dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết 95 quốc gia và 16 tổ chức quốc tế đã đề nghị gửi hỗ trợ cho nước này, trong đó nhiều quốc gia gửi các đội tìm kiếm và cứu hộ, bác sĩ, bệnh viện dã chiến và vật tư viện trợ. Hiện có khoảng 6.479 nhân viên từ 56 quốc gia đang có mặt tại khu vực động đất.
Trong khi đó, hỗ trợ đến với Syria có phần khó khăn hơn. Đoàn cứu trợ của Liên Hiệp Quốc chỉ mới bắt đầu đi qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào vùng tây bắc Syria ngày 9-2, giờ địa phương.
Ước tính khoảng 4 triệu người tại khu vực này, do phe nổi dậy Syria kiểm soát, bị cô lập sau động đất. Liên Hiệp Quốc và các nước đã kêu gọi phi chính trị hóa cứu hộ và mở cửa biên giới cho hoạt động hỗ trợ.
TRẦN PHƯƠNG
76 quân nhân Việt Nam xuất quân sang Thổ Nhĩ Kỳ cùng thiết bị chuyên dụng và chó nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ. Ngoài ra Việt Nam cũng sẽ giúp 10 tấn lương khô.
Xem thêm: mth.58652957011203202-yk-ihn-oht-puig-ahp-gnox-man-teiv-is-neihc-001/nv.ertiout