Nếu chiếc cầu gỗ này hoàn thành thì đây sẽ vừa là lối đi riêng dành cho người đi bộ, vừa là điểm nhấn phục vụ du khách tham quan hệ thống đền đài trong khu vực Đại Nội Huế nói chung và khu vực Thượng thành nói riêng.
Tạo điểm nhấn du lịch lên Thượng thành Huế
Lâu nay việc người đi bộ đi chung lối vào Cửa Ngăn cùng xe máy, ô tô vào kinh thành vô hình trung khiến khu vực này trở thành một điểm tắc nghẽn giao thông mỗi ngày vào giờ cao điểm, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Anh Nguyễn Văn Hưng (du khách đến từ TP.HCM), cho biết việc đi bộ vào Cửa Ngăn để vào tham quan Đại Nội khá bất tiện. "Dù có lối đi bộ riêng nhưng lối này khá nhỏ và không có dải ngăn cách. Ngay cạnh chúng tôi là xe máy và ô tô cùng đi nên khá nguy hiểm với trẻ nhỏ", anh Hưng nói.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Phương - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - đã có buổi khảo sát tình hình giao thông ở khu vực này và giao Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp UBND TP Huế tổ chức lấy ý kiến của người dân sinh sống xung quanh khu vực bến xe Nguyễn Hoàng (thuộc đường Trần Huy Liệu) - nơi đậu xe du lịch cỡ lớn phục vụ điểm tham quan Đại Nội Huế - về phương án xây dựng cầu gỗ kết nối đoạn đường này với khu vực Thượng thành để đi vào Đại Nội.
Tại khu vực Bến xe Nguyễn Hoàng (nơi đậu xe du lịch cỡ lớn phục vụ điểm tham quan Đại Nội Huế), mỗi ngày đón hàng ngàn lượt du khách đến tham quan khu vực Đại Nội.
Du khách sẽ đi bộ từ khu vực bến xe này qua Cửa Ngăn để vào bên trong Kinh thành. Vì mặt đường nhỏ hẹp và không có vỉa hè nên du khách đành phải đi bộ xuống lòng đường vào Cửa Ngăn.
Ý tưởng xây cầu gỗ lên Thượng thành rất hay nhưng phải… cẩn trọng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Việt Trung - giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết sau buổi khảo sát, trung tâm sẽ thi tuyển phương án kiến trúc xây dựng cầu gỗ đi bộ.
Ông Trung cũng nhấn mạnh rằng việc xây dựng cầu gỗ hiện nay chỉ mới nằm ở khâu lên ý tưởng. Để thực hiện việc này cần phải thông qua rất nhiều bước theo quy định, đặc biệt là phải nhận được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bởi đây là di sản thế giới.
"Cây cầu này nếu hoàn thành sẽ giảm tải tình trạng tắc nghẽn giao thông tại khu vực Cửa Ngăn, đồng thời sẽ là điểm nhấn, một lối đi giúp du khách tham quan khu vực Thượng thành", ông Trung nói.
Ông Nguyễn Xuân Hoa - cựu giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế - cho rằng việc xây cầu gỗ đi bộ bắc qua khu vực sông hộ thành dẫn lên Thượng thành là ý tưởng rất hay.
Cây cầu không chỉ giảm tải được việc tắc nghẽn giao thông ở khu vực Cửa Ngăn mà còn tạo một điểm tham quan mới cho du khách chụp ảnh và có một tầm nhìn trên cao bao quát toàn khu vực Kinh thành Huế.
"Chính quyền cần phải cẩn trọng, chọn phương án kiến trúc phù hợp với cảnh quan Kinh thành Huế và đặc biệt việc xây dựng cầu không được làm tổn hại đến hệ thống di tích mà tỉnh đã và đang nỗ lực bảo vệ, trả lại cảnh quan mấy năm qua", ông Hoa nói.
TTO - Phố đi bộ về đêm Hoàng thành nằm trong lòng di sản Kinh thành Huế được UBND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) khai trương vào tối 22-4 sau thời gian dài bị trì hoãn do đại dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.88290949001203202-ob-id-iougn-ohc-og-uac-meht-yax-hnit-euh/nv.ertiout