Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, do ảnh hưởng dịch COVID-19 tàn phá tiềm lực kinh tế - xã hội nên cuối năm 2022, TP.HCM mới lấy lại quy mô bằng năm 2019; năm 2020-2021 gần như mất trắng; lấy năm 2023 làm xuất phát điểm lại.
"Nhưng quý 4-2022 xuất hiện khó khăn, TP.HCM đã bắt đầu ghi nhận, báo cáo trung ương, Chính phủ. Năm 2023, đặt ra tăng trưởng thành phố là 7,5% đến 8%. Để đạt được 8% là thách thức lớn không chỉ TP.HCM mà cả các địa phương. Đặt chỉ tiêu này để mong nghe ý kiến, để thành phố chuẩn bị tâm thế, giải pháp nhằm đạt được hoặc tiệm cận với chỉ tiêu này", ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM có nhắc các đề án mà TP.HCM chủ trì có tính kết nối vùng, như: xây dựng TP.HCM thành các sàn kết nối công nghệ, TP.HCM đề xuất cảng trung chuyển container tại huyện đảo Cần Giờ, đề án chuỗi Mộc Bài - Cái Mép (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nằm trên tuyến xuyên Á…
Tại buổi gặp gỡ, ông Phan Văn Mãi đưa ra hướng phát triển như tập trung giải pháp để hoàn thiện thể chế, nâng cao cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… để đến năm 2030 là thành phố dịch vụ, du lịch, thương mại.
"Khi nào giữ được thì giữ, khi nào tăng tốc được thì tăng tốc và thứ ba là đảm bảo an sinh xã hội. Hiện tại TP.HCM đang đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết về các cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM, thay bằng thí điểm cơ chế chính sách vượt trội để TP.HCM khơi lực phát triển; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn để TP.HCM quyết sách mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn chương trình nhà ở cho dân, trung bình 1 dự án hồ sơ làm nhà ở phải 2 năm mới xong, cần rút ngắn thủ tục cho doanh nghiệp", ông Mãi nhấn mạnh.
Với con số trên 500.000 doanh nghiệp thuộc cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM, năm 2023 thành phố có chính sách doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
"Đặc biệt thành phố tính toán xây dựng các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu thành phố. Mà dẫn đầu thành phố là dẫn đầu cả nước, có tính cạnh tranh toàn cầu", chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Ông Phạm Tấn Công, chủ tịch VCCI, nói: "Năm 2022, kinh tế đất nước tăng trưởng trên 8%, quy mô GDP Việt Nam đã đứng hàng thứ 37 thế giới và lần đầu tiên vượt mốc 400 tỉ USD. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục lớn mạnh, chào đón thêm 150.000 doanh nghiệp mới thành lập, tăng trên 30% so với năm 2021.
Năm 2022, VCCI đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, trong đó có nhiều nội dung. VCCI thời gian tới tập trung đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp địa phương; mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư trong nước và quốc tế; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương…".
Việc quy định mức giá bán lẻ nhưng không quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu đang khiến việc điều hành giá mang tính "nửa vời".