Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương: Xuất khẩu có nhiều cơ hội
Năm 2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam khi thế giới tiếp tục có những biến động khó dự đoán. Chiến tranh Nga - Ukraine chưa kết thúc; thành quả tự động hóa, trí tuệ nhân tạo sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của lao động giản đơn; biến đổi khí hậu, yêu cầu chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2023 |
Cơ hội của Việt Nam là tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để xuất khẩu nông lâm thủy sản, đồ gỗ, hàng dệt may, điện tử, đặc biệt là xuất sang các nền kinh tế phát triển. Đổi lại, chúng ta sẽ nhập khẩu máy bay thương mại, công nghệ tự động hóa để trở thành một đối tác tích cực.
Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giảm mạnh chi phí phi chính thức của doanh nghiệp (DN) khi thực hiện các thủ tục hành chính; chuyển mạnh sang kinh tế số, vận dụng chính phủ điện tử; công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy chính quyền; nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Việt Nam cần xây dựng đội ngũ DN mạnh mẽ, năng động. Hiện nay, Việt Nam chỉ có gần 900.000 DN trên 100 triệu dân, số DN trên 1.000 dân từ 18 tuổi trở lên còn rất thấp so với yêu cầu (khoảng 25-30 DN trên 1.000 dân).
Trước mắt, Việt Nam cần cải cách ngay trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực bị phát hiện có nhiều sai sót, sai phạm vừa qua. Mỗi ngành, mỗi cấp cần công bố chương trình hành động cụ thể của mình để báo chí và người dân có thể tham gia, ủng hộ, hợp tác và giám sát.
Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM: Cần hạ lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách giải phóng nguồn lực cho DN. Cụ thể, nên tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm đối với các khoản vay trung và dài hạn, áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường công tác thanh kiểm tra việc thực thi các chính sách hỗ trợ DN, áp dụng biện pháp chế tài cần thiết đối với các ngân hàng.
Về chính sách tài khóa, việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân nên tiếp tục thực hiện đến hết ngày 30/6/2023; đồng thời, nên tiếp tục áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% cho tất cả các ngành kinh tế, không nên chỉ giới hạn ở một số ngành như hiện nay, thời hạn áp dụng tới hết năm 2024. Cần chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết hoàn thuế đúng thời hạn cho DN.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ DN trong nước duy trì được hoạt động và giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường các giải pháp bình ổn thị trường để giữ giá cả và ổn định đời sống nhân dân; tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng hồ sơ cấp chủ quyền nhà đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thủ tục hoàn công xây dựng để người dân, DN có thể mang giấy chứng nhận đi thế chấp vay vốn sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, nhiều đất đai ở ngoại thành bỏ hoang, người dân không được phép làm công trình phát triển trồng trọt, chăn nuôi trên đất nông nghiệp. Cần mở trói cho cơ chế quản lý để đất nông nghiệp được sử dụng đúng mục đích phát triển nông nghiệp.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TPHCM (VFA): Kiến nghị thúc đẩy gói hỗ trợ lãi suất và phục hồi kinh tế
Hiện đơn đặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến từ các nước tăng cao, có nhiều đầu mối tiêu thụ hàng trong năm 2023. Điều cần thiết là phải có vùng nguyên liệu ổn định để DN yên tâm ký kết các đơn hàng mới.
Kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ có thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn thuận lợi. DN không thể tiếp tục đà phục hồi nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tài chính. Sau nhiều tháng triển khai, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh chỉ mới giải ngân số tiền rất nhỏ. Bên cạnh đó, việc giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội cũng không được như kỳ vọng.
Đa số DN đánh giá cao tính thiết thực của chính sách giảm thuế VAT 2% và mong muốn được gia hạn chính sách này.
Nguyễn Cẩm (ghi)
Xem thêm: lmth.8364841a-ioh-oc-tot-gnud-nat-uen-ahp-tub-es-teiv-peihgn-hnaod/nv.moc.enilnounuhp.www