Đã gần một tuần trôi qua kể từ khi trận động đất mạnh 7,8 độ và các dư chấn vào hôm 6-2 biến hàng loạt nhà cửa trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thành đống đổ nát.
Hơn 25.000 người đã thiệt mạng. Các đội tìm kiếm và cứu hộ, trong đó có các nhân viên được hàng chục nước triển khai tới, vẫn đang đào bới các đống bê tông.
Sống sót sau 122 giờ bị mắc kẹt
"Các bạn xem kìa! Mọi người xung quanh đang khóc và ôm nhau. Thật nhẹ nhõm khi người phụ nữ này trong điều kiện như vậy đã được đưa ra ngoài khỏe mạnh. Đó thực sự là phép màu".
Ông Steven Bayer, đội trưởng đội cứu hộ quốc tế của Đức (ISAR) triển khai tới Thổ Nhĩ Kỳ, vui mừng khi bà Zeynep Kahraman (40 tuổi) được cứu sống khỏi tòa nhà bị sập ở thị trấn Kirikhan, tỉnh Hatay thuộc miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm 10-2, sau 104 giờ bị kẹt.
Còn có nhiều cuộc giải cứu ấn tượng khác khi nạn nhân bị kẹt nhiều ngày. Ngày 11-2, nhà chức trách cho biết nhân viên cứu hộ đã đưa hai người phụ nữ ra khỏi đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ sau 122 giờ mắc kẹt trong trận động đất kinh hoàng.
Đâu chỉ tại Kirikhan, nhiều nơi trên khắp khu vực hứng chịu động đất của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng đang cần những phép màu như vậy khi vẫn còn nhiều người bị đè dưới những tảng bê tông chờ người đến cứu.
Trận động đất mạnh nhất trong gần 100 năm qua này ở Thổ Nhĩ Kỳ có sức tàn phá khủng khiếp, khiến hơn 6.000 tòa nhà ở nước này đổ sập. Chỉ lực lượng cứu hộ tại các địa phương thì chưa đủ, vẫn cần các đội cứu hộ quốc tế đến giúp một tay.
Tại cuộc họp báo ở Ankara vào hôm 9-2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông tin nước này đã chấp nhận đề nghị giúp đỡ giải quyết hậu quả của trận động đất kinh hoàng từ 95 quốc gia. Ngoài ra còn có ít nhất 16 tổ chức quốc tế đề nghị hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.
Số quốc gia hỗ trợ và số nhân viên cứu hộ quốc tế đến Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Theo Hãng tin Anadolu Agency, các nước đã mang đến Thổ Nhĩ Kỳ dụng cụ y tế, nhân viên y tế, hỗ trợ tài chính, các nhân viên cứu hộ, chó nghiệp vụ, thiết bị công nghệ cao, máy sưởi và máy phát điện.
Trái ngược với Thổ Nhĩ Kỳ, có nhiều nơi ở miền bắc Syria, khu vực chịu thiệt hại nặng nề do động đất, vẫn đang đợi các đội cứu hộ quốc tế đến.
"Các đội cứu hộ quốc tế phải đến khu vực của chúng tôi. Nhiều người đang chết mỗi giây và chúng ta đang chạy đua với thời gian" - ông Mohammed Shibli, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ dân sự Syria (SCD), còn gọi là nhóm tình nguyện "Mũ bảo hiểm trắng", nói với Hãng tin AFP.
Các đội cứu hộ quốc tế gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận khu vực này do tình hình "nội chiến" ở Syria.
Ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, nhấn mạnh giờ là lúc "gác mọi vấn đề chính trị sang một bên" trong việc chuyển hàng viện trợ tới các khu vực ở Syria bị tàn phá bởi động đất.
Ông cho biết Liên Hiệp Quốc đang hợp tác với tất cả các bên để chuyển hàng viện trợ tới các khu vực do chính phủ hoặc phiến quân kiểm soát ở Syria. Được biết những đoàn xe cứu trợ đầu tiên của Liên Hiệp Quốc đã tới Syria.
Ngày 11-2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đến thành phố Aleppo thuộc tỉnh Aleppo (Syria), nơi bị động đất tàn phá.
Hãng thông tấn SANA cho biết ông Tedros dự kiến đi thăm một số bệnh viện và nơi sơ tán nạn nhân động đất.
Còn 180.000 người dưới đống đổ nát?
Lạnh giá, đói khát và tuyệt vọng đã bao trùm hàng trăm ngàn người mất nhà cửa sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Việc giải cứu một bé trai 2 tuổi sau 79 giờ bị mắc kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà bị sập ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ và những cuộc giải cứu ấn tượng khác sau hàng chục giờ đã vực dậy tinh thần cho các đội tìm kiếm đang mệt mỏi.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng công tác cứu hộ tại một số khu vực đang gặp các thách thức, từ thời tiết lạnh giá, mưa, tuyết, các dư chấn sau động đất cho đến địa hình, đường sá bị hư hại.
Trưởng nhóm hỗ trợ công tác cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Stephen Allen chia sẻ với phóng viên Đài NPR hôm 10-2: "Chúng tôi mới đến tỉnh Adiyaman vào sáng sớm hôm qua.
Và tôi có thể nói với bạn rằng mức độ tàn phá của động đất thực sự rất lớn. Các nhân viên cứu hộ nhận ra rằng điều kiện rất khó khăn, nhiệt độ tại đây rất lạnh. Vì vậy, tình hình không dễ dàng chút nào. Nhưng đội cứu hộ vẫn còn hy vọng".
Chuyên gia động đất Ovgun Ahmet Ercan, giáo sư địa vật lý tại Đại học Kỹ thuật Istanbul, bình luận mỗi ngày trôi qua đang làm giảm đáng kể cơ hội sống sót của những người bị kẹt bên dưới đống đổ nát.
Đến nay không ai biết chính xác có bao nhiêu người vẫn đang mắc kẹt dưới đống đổ nát, nhưng ông Ercan ước tính con số là khoảng 180.000 người hoặc hơn.
Chuyên gia thảm họa tự nhiên Steven Godby tại Đại học Nottingham Trent (Anh) nói rằng 72 giờ đầu tiên được coi là rất quan trọng để cứu sống các nạn nhân bị mắc kẹt trong động đất, nhưng mốc thời gian này đã qua đi.
"Tỉ lệ sống trung bình trong vòng 24 giờ là 74%, sau 72 giờ còn 22% và đến ngày thứ năm là 6%", ông nói.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ nhận được hỗ trợ nhiều hơn Syria?
Một trong những quyết định quan trọng nhất mà chính phủ một nước đưa ra trong các thảm họa là có tuyên bố tình trạng khẩn cấp hay không. Đối với các tổ chức nhân đạo, điều này đồng nghĩa họ có thể tự do hỗ trợ tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng ở 10 tỉnh, do đó phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được nhiều sự chú ý và nước này nhận được nhiều nguồn lực hỗ trợ.
Trong khi đó, Chính phủ Syria chưa ban bố tình trạng khẩn cấp. Điều này có nghĩa Syria không chính thức công nhận hoặc hỗ trợ bất kỳ tổ chức nào hoạt động trong các khu vực do phiến quân kiểm soát. Điều này đặt ra rủi ro cho nhân viên cứu trợ.
~ 25.000
Tính đến 23h ngày 11-2 theo giờ Việt Nam, số người chết do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lần lượt là 21.848 và 3.500, nâng tổng số người thiệt mạng vượt mốc 25.000.
Một người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho biết anh đã chứng kiến nạn cướp bóc trong những ngày đầu tiên sau loạt trận động đất ngày 6-2.
Xem thêm: mth.6722947021203202-airys-av-yk-ihn-oht-o-uam-pehp-gnuhn-meht-ohc/nv.ertiout