Nhìn lại lễ hội
Người xưa có câu: "Đèn nhà nào, nhà ấy rạng/Thánh làng nào, làng ấy thờ". Lễ hội thời phong kiến có lễ quốc gia, lễ hàng tổng và lễ làng. Hội thì không nhất thiết, chỉ tổ chức trong điều kiện thanh bình, không đói kém.
Lễ hội làng làm quy mô nhỏ, vài làng lân cận tham dự, nhất là làng kết chạ (kết bạn, kết nghĩa - PV), còn lại là thuần người làng và dân làng đi xa về. Lễ hội mang tính kết nối tình làng nghĩa xóm và làng chạ (làng bạn), nêu cao tín ngưỡng và phong tục địa phương.
Chỉ có lễ hội hàng tổng, nhiều làng cùng tổ chức, mới lớn hơn. Lễ cấp quốc gia thì không có nghĩa làng có vai trò tham dự, mà chủ yếu ở triều đình tổ chức. Đặc biệt không nơi nào coi lễ hội là dịp kinh doanh.
Từ sau Đổi mới, các lễ hội địa phương được phục hồi dần, tầng lớp nắm tâm linh của các sắc tộc trước đó bị giải nghệ cũng dần quay trở lại nhưng không bao giờ được như trước nữa. Sự mê tín dị đoan trong mấy chục năm qua phát triển không giới hạn, nhiều người tu hành biến thành thầy cúng, thầy lễ dù muốn hay không.
Nghi thức và nghi lễ cứ tùy tiện phát triển, chủ yếu ảnh hưởng từ Trung Quốc, bất chấp cái đó có là truyền thống của dân tộc mình hay không.
Con số lễ hội hằng năm tăng cao, từ 5.000 nay có thể lên đến 9.000. Điều kiện đi lại tốt nên lễ hội ngày nay thường đông người tứ xứ tham dự, cũng là dịp kinh doanh của địa phương.
Người ta bán khoán tất cả những mảnh đất xung quanh nơi diễn ra lễ hội để lập hàng quán tạm thời, đình đền chùa thì thu lộc. Dịch vụ kinh doanh vài ba hôm với hàng ngàn hàng vạn người đến lễ hội đem lại lợi nhuận đáng kể so với thu nhập nông nghiệp của người dân thôn quê vào mùa lễ hội.
Sau lễ hội, môi trường xuống cấp tệ hại, hàng ngàn hàng vạn người phóng uế, ăn uống, xả rác. Sau lễ hội, cây cối hư hại, lòng người đố kỵ do kinh doanh kèn cựa, còn văn hóa truyền thống thì thực sự ngày một mất bản sắc.
Nhiều nghi lễ như đốt hương, hóa vàng, thả chim cá gọi là phóng sinh nhưng thực chất là tàn sát động vật và môi trường, phục vụ cho một cử chỉ giả tạo.
Chim cá không sống được ở môi trường bất kỳ, hoặc bị bắt ngay sau khi được thả, và còn bị chết rất nhiều trong quá trình bị nhốt trong lồng và chậu trước khi được người ta mua phóng sinh.
Nếu trước đây người ta đến với lễ hội với nhiều ý nghĩa tốt đẹp, trong đó có nhiều ý nghĩa tinh thần, tâm linh, thì nay rất nhiều người đến lễ hội để vui chơi thuần túy chứ không có mục đích gì.
Đã đến lúc cần nghĩ lại có nên tổ chức lễ hội "hoành tráng" hằng năm như hiện nay hay không, hay chỉ tổ chức quy mô nhỏ như xưa - lễ là chính, do các ban khánh tiết địa phương làm, còn hội thì nên vài ba năm mới tổ chức một lần.
Tất cả nên suy nghĩ và nhìn lại cho một nền văn hóa vốn thuần khiết.
PHAN CẨM THƯỢNG
Xem thêm: mth.49594058021203202-teihk-nauht-ioh-el-aum-gnuhn-ial-gnud/nv.ertiout