Năm 2022, ba năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 725,8 triệu USD. Một năm trước đó, thương mại song phương đã vượt mục tiêu 500 triệu USD mà các nhà lãnh đạo kỳ vọng sẽ chỉ hoàn thành vào năm 2025.
Điều này cho thấy nếu có mục tiêu cụ thể cho tương lai, Việt Nam và Brunei có thể làm được một cách thần tốc.
Chưa cân bằng, chưa tương xứng
Trong quan hệ kinh tế, Brunei - đất nước có diện tích nhỏ gấp nhiều lần Việt Nam - lại chiếm phần lớn.
Chẳng hạn, Brunei hiện đứng thứ 26/142 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 156 dự án và vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1 tỉ USD.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam chỉ mới có hai dự án đầu tư sang Brunei với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 triệu USD. Trong thương mại, Brunei đang là nước xuất siêu với giá trị cao gấp 3-4 lần Việt Nam trong năm 2022.
Để góp phần giải quyết sự bất cân bằng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp một số doanh nghiệp hàng đầu của Brunei trong ngành năng lượng và một số bộ trưởng sở tại vào chiều 11-2. Sự kiện diễn ra chỉ vài giờ trước khi Thủ tướng lên đường về nước.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp Brunei tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Các ý kiến cũng đánh giá kết quả hợp tác giữa hai nước là rất đáng khích lệ nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của hai bên.
Sự chưa cân bằng và tương xứng đó đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhiều lần trong chuyến thăm Brunei đợt này khi ông đề xuất các phương hướng giải quyết.
Dịch vụ dầu khí và thực phẩm Halah
Phần lớn nền kinh tế Brunei phụ thuộc vào dầu khí và các sản phẩm hóa dầu. Việc Brunei chọn Trung tâm năng lượng Brunei còn mới mùi sơn làm nơi tổ chức tọa đàm ngày 11-2 cho thấy xu hướng này sẽ khó đổi trong thời gian tới.
Ông Trần Hoài Nam, phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí (PTSC), một trong những doanh nghiệp tham gia tọa đàm ngày 11-2, đánh giá Brunei là một thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trước đây, PTSC đã tiến hành một số hợp đồng với Brunei, trong đó phía bạn yêu cầu phải có các yếu tố phát triển địa phương như tạo ra việc làm, đào tạo nhân lực cho Brunei.
Tuy nhiên hiện nay, theo ông Nam, Brunei đã giảm bớt các yêu cầu như vậy, góp phần giúp nước này trở nên hấp dẫn hơn.
Doanh nghiệp này đã từng xuất khẩu giàn khoan khai thác dầu khí cho Brunei và hiện đang chia sẻ với một số "gã khổng lồ" khác trên thế giới miếng bánh cung cấp dịch vụ dầu khí cho Brunei.
"Năng lực của PTSC đã không còn giới hạn trong biên giới Việt Nam từ lâu mà đã khẳng định được tên tuổi ở tầm khu vực. Nói chung, năng lực ngành kỹ thuật dịch vụ dầu khí của Việt Nam cũng có chỗ đứng tại Đông Nam Á", ông Nam chia sẻ với Tuổi Trẻ trước tọa đàm.
Trong cuộc hội đàm cùng ngày 11-2 với Quốc vương Brunei, Thủ tướng đã đề nghị cụ thể về cơ chế ưu tiên thúc đẩy hợp tác dầu khí hai bên.
Trong đó, ông đề nghị tạo điều kiện cho Petrovietnam tiếp tục tham gia cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí và dịch vụ khoan tại Brunei cũng như giới thiệu các dự án thăm dò dầu khí tại Brunei cho Petrovietnam.
Đổi lại, Việt Nam sẽ gia hạn hợp đồng mua dầu thô của Brunei cho năm 2023 và các năm sau đó.
Một thế mạnh khác nữa của Việt Nam mà Brunei cũng có thể tận dụng là nông nghiệp. Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ có thêm một nguồn cung cấp phân bón mới ở ngay trong khu vực trong bối cảnh thế giới phức tạp.
Các loại phân bón này sẽ góp phần giúp nông sản của Việt Nam trở thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm Halal (thực phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo) tại Brunei.
Là một quốc gia thực thi các quy định của đạo Hồi nghiêm ngặt, dù có dân số ít và quy mô thị trường nhỏ song Brunei được nhiều nước xem là "nhà bảo trợ" chứng chỉ Halal uy tín hàng đầu thế giới.
Nếu nông sản Việt Nam vào được Brunei, cánh cửa xuất khẩu sẽ mở ra không chỉ là cộng đồng Hồi giáo mà còn cả những nước phi Hồi giáo nhưng xem thực phẩm Halal như một nguồn cung cấp an toàn.
Chia sẻ với các doanh nghiệp trong tọa đàm ngày 11-2, Thủ tướng kể ông đã nói với Quốc vương Brunei về điều này.
Ông cho biết Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú cho thực phẩm Halal nhưng không có thế mạnh về sản xuất mặt hàng này, song có lợi thế và năng lực vận chuyển sang Brunei.
Do đó, Thủ tướng đã đề nghị Quốc vương Brunei đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này theo hướng Việt Nam cung cấp nguyên liệu và Brunei chế biến, sản xuất, xuất khẩu.
Thủ tướng thăm trường đại học dạy tiếng Việt
Cũng trong ngày 11-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân đã đến thăm Đại học quốc gia Brunei (UBD) - nơi vừa đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy và hiện có 71 sinh viên của trường đăng ký học tiếng Việt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện UBD cho biết tiếng Việt được đưa vào giảng dạy từ học kỳ năm ngoái.
"UBD quyết định chọn tiếng Việt để dạy bởi đây là một trong những tiếng đại diện cho ASEAN. Hơn thế nữa, tiếng Việt đang là xu hướng, ngày càng phổ biến trong giới trẻ Brunei", vị này giải thích.
DUY LINH (Từ Brunei)
Để tỏ lòng mến khách và vì hoàng cung quá rộng, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah đã lái xe điện chở Thủ tướng Phạm Minh Chính bên trong cung điện.
Xem thêm: mth.67112910021203202-ienurb-man-teiv-cat-poh-ohc-aid-ud-ueihn/nv.ertiout