Phép màu ngày thứ 6
Phép màu vẫn xảy ra khi trong ngày 12-2, lực lượng cứu hộ đã kéo một người sống sót khỏi đống đổ nát sau trận động đất ngày 6-2 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng tin Reuters cho biết tại tỉnh Hatay phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, đội cứu hộ Romania đã đưa người đàn ông 35 tuổi tên Mustafa khỏi đống đổ nát của một tòa nhà. Người đàn ông đã sống sót kỳ diệu khoảng 149 giờ sau trận động đất.
"Sức khỏe anh ấy tạm ổn, nói chuyện được. Anh ấy nói với chúng tôi: Làm ơn kéo tôi ra khỏi đây nhanh nhanh, tôi bị chứng sợ bị mắt kẹt", một người cứu hộ cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã đặt Mustafa lên cáng, quấn trong một cái mền để đưa lên xe cứu thương chờ sẵn.
Còn nhiều thách thức sau động đất
Ngày 11-2, Gizem, một nhân viên cứu hộ đang làm việc ở tỉnh Sanliurfa phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cô thấy cướp bóc lộng hành ở thành phố Antakya.
"Chúng tôi không thể can thiệp nhiều vì hầu hết những kẻ cướp bóc đều mang theo dao", cô nói.
Theo Reuters, cảnh sát và binh lính đã được huy động để đảm bảo trật tự và hỗ trợ giao thông, cứu hộ và phân phát thực phẩm.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hiện nước này có khoảng 80.000 người bị thương do động đất đang được điều trị trong bệnh viện. Ngoài ra hơn 1 triệu người khác đang ở các nơi trú ẩn tạm thời.
Do cơ sở hạ tầng cơ bản đã sụp đổ thành mảnh vụn, người sống sót có nguy cơ bệnh tật rất cao vì điều kiện vệ sinh thiếu thốn.
"Nếu không chết dưới đống đổ nát, họ sẽ chết do vết thương. Nếu không, họ sẽ chết do nhiễm trùng. Ở đây không có nhà vệ sinh. Đó là một vấn đề lớn", Gizem nói.
Trận động đất xảy ra khi Tổng thống Tayyip Erdogan sắp tham gia một cuộc bầu cử quốc gia dự kiến vào tháng 6-2023. Ngay cả trước thảm họa, niềm tin vào ông bị sụt giảm do lạm phát tăng vọt và đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ mất giá.
Một số người bị ảnh hưởng do trận động đất và các chính trị gia đối lập cho rằng chính phủ đã phản ứng chậm và không hỗ trợ các nạn nhân kịp thời ngay từ đầu.
Ông Erdogan thừa nhận các vấn đề và nêu ra những thách thức trong công tác cứu trợ như đường giao thông bị hư hại nhưng cho biết tình hình đã được kiểm soát.
"Ít nhất sẽ tăng gấp đôi"
Giám đốc viện trợ của Liên Hiệp Quốc, ông Martin Griffiths, mô tả trận động đất là sự kiện tồi tệ nhất trong khu vực trong 100 năm qua và nhận định số người chết ít nhất sẽ tăng gấp đôi.
Ông đánh giá cao phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ và chia sẻ rằng theo kinh nghiệm của ông, nạn nhân trong các vụ thảm họa luôn thất vọng trước những nỗ lực cứu trợ ban đầu.
Hãng thông tấn nhà nước Anadolu cho biết các công tố viên đang điều tra độ vững chắc của các tòa nhà bị sập trong trận động đất và đã ra lệnh giam giữ hoặc bắt giữ tới 95 người.
Trận động đất được xếp loại là thảm họa thiên nhiên chết người thứ bảy trên thế giới trong thế kỷ này. Số người thiệt mạng của nó đứng sau con số gần 31.000 người do trận động đất ở Iran năm 2003.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đang giám sát việc phân phát hàng cứu trợ ở thành phố Aleppo do chính phủ kiểm soát của Syria.
Ông cho biết tình hình rất đau lòng và hứa sẽ mang nhiều viện trợ hơn nữa đến Syria. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây phần lớn xa lánh chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad do tình hình xung đột chính trị ở nước này.
Ngày 12-2, đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) tại Syria kêu gọi Damascus không chính trị hóa các vấn đề về viện trợ nhân đạo.
Ông Dan Stoenescu bác bỏ cáo buộc rằng EU đã không cung cấp đủ sự trợ giúp cho người dân Syria sau trận động đất 7,8 độ ngày 6-2.
Ông Dan Stoenescu nói với Reuters: "Thật không công bằng khi bị cáo buộc rằng chúng tôi đã không cung cấp viện trợ, trong khi thực tế chúng tôi đã liên tục làm chính xác điều này trong hơn một thập kỷ. Chúng tôi đang làm nhiều hơn nữa trong khủng hoảng động đất".
Trong lúc tác nghiệp, phóng viên Adem Altan tình cờ bắt gặp cảnh ngộ một người cha đang nắm tay con gái ông đã chết vì động đất và ghi lại khoảnh khắc xúc động.
Xem thêm: mth.29945555121203202-iod-pag-gnat-eht-oc-yk-ihn-oht-o-tad-gnod-iv-tehc-iougn-os/nv.ertiout