Chiều 12.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá kết quả phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
GRDP tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp
Báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết thời gian qua, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Đáng chú ý, kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định; với đà tăng trưởng GRDP trên 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269.000 tỉ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng), gấp 4,88 lần so với năm 2010; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía bắc); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 3 năm qua đạt trên 156.260 tỉ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 75,4%, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Liên kết vùng ngày càng chặt chẽ; là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao (đạt 67%, đứng thứ 5 cả nước), đã gắn kết hài hòa giữa phát triển đô thị với nông thôn; diện mạo, cảnh quan vùng đất Quảng Ninh thay đổi từng ngày.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội được chăm lo phát triển. Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đồng thời hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, cư dân nông thôn; hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn nhiều mức bình quân chung của cả nước.
Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh được khơi dậy, phát huy; các di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị trở thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển KT-XH…
Tạo thương hiệu về một Quảng Ninh giàu có, sạch đẹp
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cũng như lãnh đạo các Bộ, ban ngành T.Ư đều đánh giá cao sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ của Quảng Ninh và khẳng định, thời gian qua, tỉnh đã xác định, lựa chọn đúng và trúng các mục tiêu, kế hoạch, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đặt ra; đồng thời cam kết, sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong quá trình phát triển ở nhiệm vụ mới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cho rằng Quảng Ninh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của tỉnh. Đặc biệt là việc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh" sẽ ngày càng khó hơn. Huy động nguồn lực thông qua hợp tác công tư có dấu hiệu chững lại. Chênh lệch giàu nghèo, chất lượng sống là vấn đề trăn trở khi nông nghiệp đóng góp tỷ trọng nhỏ trong GRDP nhưng số người làm nông nghiệp, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… chiếm tỷ lệ lớn trong dân số. Xung đột giữa khai thác than và phát triển du lịch vẫn tạo ra những vấn đề lớn về vệ sinh, môi trường cần giải quyết. Vệ sinh, môi trường vẫn là vấn đề lớn. Cần xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng.
Dẫn lại lời chúc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "Chúc Quảng Ninh tiến thật xa, Quảng Ninh như thế mới là Quảng Ninh", Thủ tướng cho rằng để Quảng Ninh tiến xa thì tỉnh tập trung khắc phục những tồn tại, khó khăn để có hướng đi mới bài bản, thuận lợi hơn; cần tiếp tục quan tâm kéo gần khoảng cách chênh lệch vùng miền, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Đặc biệt, cần làm tốt vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết hiệu quả bài toán mâu thuẫn giữa phát triển du lịch và khai thác than, phát triển công nghiệp nặng trên cùng một địa bàn; phát triển hiệu quả, tinh gọn các hoạt động về bảo vệ môi trường; phát huy tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" nhằm nâng cao trách nhiệm, ý thức trong nhân dân để xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu có, văn minh, sạch đẹp; trở thành nơi đáng sống, đáng đến.
Để hội nhập quốc tế, Quảng Ninh phải chú trọng hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực, với việc mở rộng, nâng cấp các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học trên địa bàn để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cho khu vực. Trong đó, lưu ý đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo nghệ thuật, ngoại ngữ, nhất là đào tạo tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc.
Thủ tướng cũng lưu ý: "Tỉnh Quảng Ninh phải giữ vững đoàn kết cả lúc khó khăn cũng như lúc thuận lợi; vì đoàn kết thì không được lúc này thì được lúc khác, không được với người này thì được với người khác, không được chỗ này thì được chỗ khác, mất đoàn kết là mất tất cả".
"Quảng Ninh phải thoát ra khỏi những cái cũ, không ngừng đổi mới sáng tạo, vươn lên tầm cao mới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT phối hợp cùng tỉnh Quảng Ninh triển khai sớm hạ tầng giao thông trong quy hoạch. Cụ thể là cải tạo mở rộng QL4B nối Cao Bằng, Lạng Sơn với trục cao tốc của Quảng Ninh; hoàn thiện trục đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Cái Lân; tăng cường liên kết, phát huy hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn…
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị phối hợp với các cơ quan và tỉnh Bắc Giang tích cực triển khai các công việc để đề cử UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới.